1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuba sang trang mới

Người kế nhiệm ông Raul Castro sẽ đối mặt với công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế và lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phiên họp đầu tiên Quốc hội khóa IX của Cuba bắt đầu tại thủ đô Havana hôm 18-4, sớm hơn một ngày so với kế hoạch ban đầu.

Đây là sự kiện mang tính lịch sử khi ông Raul Castro được cho là sẽ rời vị trí chủ tịch và mở ra một thế hệ lãnh đạo mới ở quốc gia châu Mỹ này. "Chúng ta đã đi một chặng đường dài… để con cháu của chúng ta ở hiện tại và tương lai được hạnh phúc" - ông Raul nói trong một trong những bài phát biểu cuối cùng của mình hồi tháng trước trên cương vị lãnh đạo.

Quốc hội Cuba dự kiến bầu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới trong cuộc bỏ phiếu ngày 18-4 sau khi ông Raul Castro hồi năm 2017 tuyên bố sẽ từng bước chuyển giao các vị trí chủ chốt của chính phủ cho thế hệ mới. Nhân vật dự kiến kế nhiệm ông Raul Castro chẳng phải ai xa lạ, chính là Phó Chủ tịch Thứ nhất Miguel Diaz-Canel Bermudez, được xem là cánh tay phải của ông Raul từ năm 2013.

Dù thôi giữ các chức vụ nói trên, ông Raul Castro vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đến năm 2021 khi ông bước sang tuổi 90. Người kế nhiệm ông Raul sẽ đối mặt công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế giữa lúc đồng minh khu vực chủ chốt - nguồn dầu mỏ giá rẻ của nước này là Venezuela đang vật lộn trong khủng hoảng kinh tế, đồng thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có lập trường cứng rắn với Havana.


Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Phó Chủ tịch Thứ nhất Miguel Diaz-Canel Bermudez Ảnh: AP

Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Phó Chủ tịch Thứ nhất Miguel Diaz-Canel Bermudez Ảnh: AP

Ông Diaz-Canel, người sẽ bước vào tuổi 58 vào ngày 20-4 tới, là một chính khách làm việc tích cực và chu đáo có tiếng, với một lối sống giản dị. Cư dân tại tỉnh Villa Clara, nơi ông từng làm Bí thư đảng thứ nhất, nói với hãng thông tấn AP (Mỹ) rằng ông Diaz-Canel là vị lãnh đạo đầu tiên không chuyển vào ngôi nhà mới do chính quyền cấp sau khi nhận vị trí trên năm 1994. "Ông ấy thậm chí còn không sửa lại nhà của mình để sống thoải mái hơn" - người hàng xóm có tên Roberto Suarez Tagle, 78 tuổi, nói. "Ông ấy luôn tìm ra những vấn đề thực sự của người dân".

Dù cuộc chuyển giao chính phủ đã nằm trong kế hoạch được vạch trước, đây vẫn là một thay đổi lịch sử ở Cuba - lần đầu tiên nhân vật đảm nhận vị trí chủ tịch Cuba không mang họ Castro kể từ cuộc cách mạng năm 1959 do cố lãnh tụ Fidel Castro và người em trai Raul lãnh đạo.

Đối với cư dân ở đất nước có dân số hơn 11 triệu người này, một sự thay đổi lớn như vậy không tránh khỏi gây ra những tâm trạng đa chiều. Đối với Camilo Condis, một công dân 32 tuổi chọn ở lại bất chấp cả gia đình di cư sang Mỹ sau khi ông Raul Castro trở thành chủ tịch nước một thập kỷ trước với những hứa hẹn thay đổi, phản ứng với bước đi mới nhất của nhà lãnh đạo này là một sự băn khoăn. Cuộc sống của Condis đã được cải thiện nhiều khi ông Raul đưa ra nhiều cải tổ về thị trường và đạt được những bước tiến lịch sử trong quan hệ với Mỹ. Người dân Cuba được tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn, được phép sở hữu tài sản, điện thoại di động, máy tính và internet…

Trong khi đó, một cụ ông 79 tuổi tên Raul Garcia, ở Havana, chia sẻ: "Người ta nói rằng ông Raul sẽ rời vị trí chủ tịch và thay vào đó là một nhân vật mới trẻ hơn. Điều đó hoàn toàn logic. Nhưng ông Raul sẽ không đi, ông sẽ luôn ở với chúng tôi, giống như ông Fidel". Về phần mình, phát biểu sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng trước, ông Diaz-Canel khẳng định: "Chúng ta sẽ tiếp tục con đường cách mạng. Chặng đường hành quân chiến thắng của cuộc cách mạng sẽ tiếp tục".

Theo Thu Hằng

Người lao động