1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Công nghệ sửa gen có thể tạo đột phá trong điều trị Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nhà khoa học Australia đang nghiên cứu công nghệ sửa gen nhằm mục đích chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sang tế bào người. Điều này có thể mở đường cho phương pháp trị Covid-19 mới.

Công nghệ sửa gen có thể tạo đột phá trong điều trị Covid-19 - 1

Sau hơn 1 năm lây lan, virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch trăm năm có một trên thế giới (Ảnh minh họa: Getty).

Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Nature Communications hôm 13/7, các nhà khoa học ở Australia cho biết, họ đã thử nghiệm công nghệ sửa gen CRISPR và chặn thành công virus gây bệnh Covid-19 lây lan vào tế bào con người.  

Các tác giả nói rằng, công nghệ sửa gen trên đã hiệu quả trong việc chống lại sự lây lan trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và họ hy vọng sẽ sớm tiến hành thử nghiệm nó trên động vật.

Trước đó, CRISPR - công nghệ cho phép các nhà khoa học thay đổi trình tự ADN và sửa đổi chức năng gen - đã cho thấy nhiều tiềm năng trong việc loại bỏ các gen gây ung thư ở trẻ em.

Nhóm nhà khoa học ở Australia cho hay, họ sử dụng enzyme có tên CRISPR-Cas13b, nhằm liên kết với ARN của virus SARS-CoV-2 và phá hủy các gen chịu trách nhiệm nhân bản virus trong tế bào người này.

Người đứng đầu nghiên cứu Sharon Lewin, nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty của Australia, nói với AFP rằng, họ đã thiết kế ra một công nghệ CRISPR để nhận diện các SARS-CoV-2.

"Một khi virus bị nhận ra, enzyme CRISPR sẽ được kích hoạt và phá hủy các tế bào của virus. Chúng tôi nhằm vào một số phần của virus, gồm những phần rất ổn định và những phần thường xuyên thay đổi. Tất cả các thử nghiệm đều thành công trong việc phá hủy virus", bà Lewin nhấn mạnh.

Nghiên cứu cho thấy công nghệ trên đã thành công trong việc ngăn chặn sự nhân bản của virus thuộc biến thể Alpha, một chủng đột biến nguy hiểm lần đầu bị phát hiện ở Anh.

Bà Lewin thừa nhận rằng, để công nghệ CRISPR có thể chuyển hóa trở thành thuốc chữa trị Covid-19 có thể sẽ cần vài năm. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng công nghệ này vẫn có thể sẽ hữu dụng trong việc tiêu diệt Covid-19 với các bệnh nhân phải nhập viện.

"Các phương pháp chữa trị hiện tại là giới hạn và chúng chỉ là giảm thiểu nguy cơ tử vong khoảng 30%", bà Lewin nói.

Bà kỳ vọng, công nghệ sửa gen này có thể sẽ được nghiên cứu thành thuốc chống virus sử dụng bằng đường uống và bệnh nhân có thể dùng nó ngay khi họ bị phát hiện dương tính với virus. Loại thuốc này được kỳ vọng sẽ giúp ngăn họ không bị ốm nặng.

Đồng tác giả nghiên cứu, Mohamed Fareh, từ Trung tâm nghiên cứu Ung thư Peter MacCallum, cho biết phương pháp sửa gen này có tiềm năng trong việc ngăn chặn các bệnh lây lan khác.

"Không giống như các loại thuốc chống virus thông thường, sức mạnh của công nghệ này nằm ở tính linh hoạt và khả năng thích ứng, khiến nó trở thành một loại thuốc phù hợp chống lại nhiều loại vi rút gây bệnh bao gồm cúm, Ebola và có thể cả HIV", ông Fareh nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm