1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Công lý cho 23 nhát dao

Quá trình vật lộn tìm công lý của Khadija Siddiqi chống lại gã đàn ông đã tấn công cô bằng 23 nhát dao là cuộc chiến liên quan tới tất cả phụ nữ Pakistan

Tòa án thượng thẩm ở Pakistan hồi tháng 6 tuyên trắng án đối với người đàn ông bị cáo buộc đâm 23 nhát dao vào một phụ nữ. Dù cho có video ghi lại vụ việc, bị cáo Shah Hussain, 23 tuổi, vẫn nhởn nhơ thoát án phạt trước sự sửng sốt và sợ hãi của nạn nhân - một nữ sinh viên luật tên là Khadija Siddiqi.

Cô gái trẻ bị tấn công tại TP Lahore vào tháng 5-2016 trong lúc đang leo lên ôtô sau khi đón em gái ở trường học. Siddiqi tố cáo Hussain đã quấy rối cô trước vụ tấn công. Trong suốt 2 năm, cô cố gắng tìm kiếm công lý nhưng thất bại hết lần này tới lần khác bởi hệ thống luật pháp của Pakistan. Năm ngoái, Siddiqi thậm chí phải ngồi cùng phòng với Hussain - vốn là con trai của một luật sư có thế lực - trong một kỳ thi sau khi một tòa án cấp thấp hơn cho phép hắn ta được bảo lãnh tại ngoại.

Ban đầu, Hussain bị kết án 7 năm tù giam. Sau khi kháng cáo, án phạt giảm xuống 5 năm nhưng rồi tòa lại tuyên trắng án cho hắn ta mà chưa đưa ra lý do rõ ràng. Theo lời Siddiqi, một thẩm phán nói với cô rằng cô phải cung cấp bằng chứng cho thấy động cơ giết người. Vị quan tòa cũng nói rằng chắc hẳn cô phải lăng mạ Hussain bằng cách này hay cách khác thì mới xảy ra cớ sự. Thậm chí trước tòa, nạn nhân liên tục bị chất vấn về tính cách và còn bị ép thỏa hiệp nhưng cô nhất quyết không chịu.


Khadija Siddiqi quyết tâm đấu tranh đến cùng để tìm lại công lý Ảnh: AL JAZEERA

Khadija Siddiqi quyết tâm đấu tranh đến cùng để tìm lại công lý Ảnh: AL JAZEERA

Đây không phải lần đầu tiên một kẻ quyền thế thắng kiện trong một vụ bạo lực nhằm vào phụ nữ ở Pakistan. Đây cũng không phải lần đầu tiên hệ thống luật pháp nước này quay lưng với một phụ nữ và nương tay với những kẻ thủ ác.

Pakistan vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lực lượng bảo thủ và cuồng tín tôn giáo. Không có gì bất thường khi những người quyền thế đòi đề xướng các nguyên tắc đạo đức và tôn giáo. Tuy nhiên, những đề xuất diễn giải theo Hồi giáo hoặc truyền thống địa phương của họ gần như luôn gây tổn hại quyền của phụ nữ và những đối tượng thiểu số. Bởi vậy, những kẻ quấy rối, hãm hiếp và giết người thường thoát tội trong khi nạn nhân của chúng lại bị đổ tội một cách oan ức. Nạn nhân thường bị đổ lỗi không ăn mặc đủ kín đáo, không đủ mộ đạo hay kích động bạo lực.

Trong những vụ án liên quan tới giới tính, hiếm khi giới chức trách tôn giáo bảo thủ cho rằng quấy rối, cưỡng hiếp và giết người là những tội ác mà Hồi giáo lên án, trừng phạt và do đó phải nghiêm trị những kẻ vi phạm. Thật không may là nhận thức này không chỉ phổ biến rộng rãi ở những cộng đồng hẻo lánh mà còn hiện hữu ở chính những tổ chức tư pháp và thực thi pháp luật vốn do nam giới chi phối.

Do đó, không có gì bất ngờ khi ở Pakistan, phụ nữ bị đổ lỗi cho tội ác của một người đàn ông và trừng phạt giáng xuống đầu phái yếu. Năm 2007, Kainat Soomro - lúc bấy giờ mới 13 tuổi - bị bắt cóc và hãm hiếp tập thể. Sau khi nạn nhân lên tiếng tố cáo những kẻ tấn công, các vị cao niên trong làng quyết định phải giết chết... cô bé vì làm mất danh dự gia đình. Cha mẹ Soomro cự tuyệt quyết định này. Sau đó, anh của cô bị giết và chị cô phải ly hôn. Nạn nhân bị xử thua trong vụ kiện chống lại những kẻ đã cưỡng hiếp mình.

Luật lệ miễn phạt ở Pakistan cho phép đàn ông bạo hành phụ nữ mà không sợ hậu quả. Soomro chia sẻ: "Đàn ông thuộc những gia đình quyền lực trong làng hãm hiếp bất cứ cô gái nào họ muốn rồi đơn giản giết chết nạn nhân hoặc tuyên bố cô ấy vi phạm pháp luật…".

Một nạn nhân bị hiếp dâm khác là Mukhtar Mai cũng phải trải qua cuộc vật lộn tương tự. Năm 2011, sau cuộc chiến pháp lý gần 1 thập kỷ, Mai đã không thành công trong vụ kháng cáo hòng đưa toàn bộ 6 kẻ đã hạ nhục cô vào tù. Nạn nhân bị cưỡng hiếp tập thể năm 2002 theo lệnh của hội đồng làng vì cậu em trai 12 tuổi của cô có "hành động khinh thường" đối với một gia tộc hùng mạnh trong làng. Tòa án Tối cao Pakistan đã tha bổng cho 5/6 tên trong vụ án này.

Thói đổ tội cho nạn nhân không tha cho cả trẻ em. Vào tháng 2 năm nay, bé gái 7 tuổi Zainab Ansari bị cưỡng hiếp và sát hại. Nhưng thay vì lên án tên sát nhân, một số người công khai thắc mắc tại sao cô bé lại đi lang thang một mình. Và ngay cả khi một gã đàn ông đối mặt với những bằng chứng không thể chối cãi, hắn cũng không bị kết tội nhanh chóng. Trong vụ án ngôi sao mạng xã hội Qandeel Baloch bị giết chết cách đây 2 năm, tới nay gã anh trai từng tự hào thừa nhận bóp cổ em gái vì "danh dự" vẫn chưa bị tòa kết tội.

Các vụ việc của Soomro và Mai được dư luận biết tới bởi họ đã can đảm lên tiếng bất chấp tính mạng bị đe dọa. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trường hợp chưa được biết tới và có thể không bao giờ ra ngoài ánh sáng. Trong một báo cáo năm 2017, Ủy ban Nhân quyền Pakistan tiết lộ phần nhiều vụ bạo hành phụ nữ không được trình báo bởi chủ nghĩa bảo thủ, tình trạng mù chữ, nghèo đói và sợ hãi bị kỳ thị, xấu hổ cũng như mất danh dự.

Người ta thường cho rằng phụ nữ "đoan trang" không nên trình báo chuyện bị hiếp dâm hay quấy rối để giữ danh dự. Đó là lý do tại sao rất nhiều gã đàn ông thoát tội. Trong một môi trường nguy hiểm đầy rẫy những kẻ trơ tráo và định kiến về giới tính, những phụ nữ Pakistan kiên cường vẫn lên tiếng - điều đó thật đáng tự hào. Giống như Soomro và Mai, Siddiqi thề sẽ tiếp tục đấu tranh. Nữ sinh viên lên kế hoạch kháng cáo lên Tòa án Tối cao và đã mở lời kêu gọi người đứng đầu tòa án cao nhất này xem xét vụ án của cô.

Chính những phụ nữ như Siddiqi, như Soomro và Mai, với lòng dũng cảm và quyết tâm, sẽ buộc hệ thống luật pháp phải thay đổi. Cuộc vật lộn của Siddiqi là vì lợi ích của tất cả phụ nữ ở Pakistan.

Theo Đỗ Quyên

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm