1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cộng đồng quốc tế lo ngại về cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) – Gần đây, Trung Quốc liên tục yêu cầu các nước trong khu vực không được làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, nhưng thực tế nguyên nhân gây bất ổn chính tại vùng biển này không phải quốc gia nào khác mà chính là Trung Quốc.

Trung Quốc vừa phô trương lực lượng…


 

Trung Quốc vừa phô trương lực lượng…

Kể từ vài tháng nay, đặc biệt trong tháng 6 vừa qua, Biển Đông – nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN – không chỉ liên tục cuộn sóng dữ dội do những cơn bão theo mùa đổ về, mà còn trở nên nóng hơn bởi một số hành động ứng xử đơn phương của Trung Quốc.

Cụ thể, Trung Quốc không ít lần đẩy căng thẳng với Philippines ở vùng biển quanh bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham lên mức đỉnh điểm, đồng thời liên tiếp có các hành động phô trương sức mạnh nhằm hù dọa các nước mà Bắc Kinh đang cố tình tranh chấp chủ quyền trên biển.

Đáng lưu ý nhất trong số này là việc mới đây, chính phủ Trung Quốc đã cho thành lập cơ quan quân sự ở nơi mà họ gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt một lữ đoàn tên lửa mới ở Quảng Đông và tổ chức diễn tập cho các tàu hải giám tại Biển Đông. Trong số các tàu tham gia diễn tập có tàu hải giám 83 hiện đại nhất của Trung Quốc và tàu 84, vừa mới được biên chế vào đội tàu hải giám quốc gia.

Theo nhật báo Đài Loan United Daily News số ra ngày 2/7, lữ đoàn tên lửa vừa mới được thành lập ở tỉnh Quảng Đông mang tên “Lữ đoàn tên lửa đạn đạo 827”. Trong số các tên lửa được đặt tại căn cứ của lữ đoàn này, không thể không kể đến các tên lửa Đông Phương – 21D và Đông Phương – 16.

Tên lửa Đông Phương –21D của Trung Quốc có khả năng tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ.

Tên lửa Đông Phương –21D của Trung Quốc có khả năng tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ.

Đông Phương – 21D là tên lửa đạn đạo diệt chiến hạm, có tầm bắn từ 2.000 – 3.000 km, có thể bắn trúng mọi mục tiêu đang di chuyển với độ chính xác rất cao. Còn Đông Phương – 16 là tên lửa đạn đạo mới, có tầm bắn 1.200 km, xa hơn tầm bắn của các loại tên lửa đang được hướng về phía Đài Loan.

Theo nhận định của các nhà phân tích địa chính trị thế giới, tên lửa Đông Phương – 21D của Trung Quốc có đủ khả năng phá vỡ thế thượng phong của các hàng không mẫu hạm Mỹ, đặc biệt trong trường hợp nổ ra xung đột trên Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Mục tiêu của Trung Quốc khi lập ra lữ đoàn này rõ ràng là để hù họa các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.

Song song với việc thành lập Lữ đoàn 827, Trung Quốc cũng cho điều động một đội 4 tàu hải giám tới khu bãi đá trung tâm ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để tiến hành các hoạt động quan sát gần trong môt nhiệm vụ mà Bắc Kinh loan báo là “tuần tra định kỳ trên Biển Đông”.

Tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược tuần tiễu trên Biển Đông.

Tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược tuần tiễu trên Biển Đông.

Trong chuyến “tuần tra” này, các tàu hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên phát đi các thông điệp vô lý bằng cả tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt khẳng định Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp thực tế đây là hai vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Theo kế hoạch, đội tàu này sẽ tuần tra trên hải trình dài hơn 2.400 hải lý (tương đương 4.500 km). Lực lượng hải giám được thành lập năm 1998, trực thuộc Cục Hải dương Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hạ tuần tháng 6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh còn cho biết quân đội nước này đã thiết lập chế độ tuần tra thông thường để “phòng ngừa chiến tranh trên vùng biển Trường Sa”, ám chỉ rằng các đội tuần tra này sẽ luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Không chỉ thế, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn đang nghiên cứu kế hoạch đặt cơ quan quân sự tại một đơn vị hành chính mới được gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Vĩnh Hưng. Đây là thành phố do Quốc vụ viện (Quốc hội) Trung Quốc vừa đơn phương thành lập với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Gần như cùng lúc, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông báo thành lập 4 khu bảo tồn di sản dọc theo các dải đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trên lĩnh vực kinh tế, ngày 23/6, Trung Quốc đã “mượn tay” một tập đoàn kinh tế nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên mời thầu quốc tế đến thăm dò và khai thác tại 9 lô dầu khí với tổng diện tích 160.000 km2 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tên lửa Đông Phương –21D của Trung Quốc có khả năng tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ.

Bản đồ của Petro Vietnam cho thấy sự vô lý trong việc mời thầu quốc tế của CNOOC tại 9 lô dầu khí thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 Bên cạnh việc mời thầu quốc tế nói trên, CNOOC cũng loan báo kế hoạch bắt đầu khoan thăm dò 3 giếng dầu ở vùng nước sâu trong năm nay bằng giàn khoan Hải dương Thạch du 981 mà Trung Quốc mới khai trương.

Với Nhật Bản, Trung Quốc cũng có những hành động gây hấn tương tự khi điều tới 5 tàu tuần duyên của Đài Loan hộ tống một tàu cá chở 9 nhà hoạt động tới vùng biển tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Một tàu tuần duyên của Đài Loan thậm chí còn đâm tróc sơn tàu tuần tra của Nhật Bản trong chuyến đi được thực hiện từ 7 giờ sáng đến trưa ngày 4/7.

… vừa lớn tiếng đòi các bên “không làm phức tạp” tình hình

Mặc dù liên tiếp có các hành động gây hấn tại Biển Đông như vậy, nhưng trong các cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân lại không ít lần yêu cầu các nước trong khu vực như Philippines, Nhật Bản và Việt Nam, tránh làm leo thang tình hình và nên hành động “vì hòa bình, ổn định” tại Biển Đông.

Tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược tuần tiễu trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân, gương mặt quen thuộc trong các buổi họp báo gần đây của Trung Quốc.

“Trung Quốc luôn luôn phản đối các nước khác có hành động làm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”, ông Lưu Vi Dân phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng 2/7.

Ông Lưu Vi Dân cũng nhắc lại rằng Trung Quốc kêu gọi các nước hành xử sao cho có lợi cho quan hệ hai bên cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Trước đó, một loạt phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc cũng dồn dập tung ra những luận điệu “tung hứng” nhằm răn đe những nước láng giềng nhỏ hơn.

Ngày 26/6, tạp chí Pháp trị cuối tuần của Trung Quốc dẫn lời Phó Giáo sư Vĩ Dân thuôc Học viện quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh nói rằng “Trung Quốc cần phải lấy hành động đối hành động”, “lấy kiểm soát thực tế làm mục tiêu” và “lấy cọ sát làm biện pháp đối kháng” trong các vụ tranh chấp trên Biển Đông.

Báo chí Trung Quốc phụ họa với chính phủ trong vấn đề Biển Đông.

Báo chí Trung Quốc phụ họa với chính phủ trong vấn đề Biển Đông.

Cùng ngày, khi lên tiếng phụ họa với CNOOC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hành động trên của CNOOC là “hợp pháp, bình thường” (?)

Ngày 27/6, mạng Tin tức tài chính của Trung Quốc đăng bài xã luận theo kiểu “rót thêm dầu vào lửa” khi gọi các nước trong khu vực là “nhóm nước láng giềng gây sự” của Trung Quốc và cho rằng căng thẳng trong khu vực là một mối nguy hiện hữu.

Ngày 2/7, một tờ báo khác của Bắc Kinh đăng xã luận nói rằng “Trung Quốc nay đã tỏ ra chủ động hơn” và rằng “Bắc Kinh vẫn còn nhiều quân bài để tung ra trong vấn đề Biển Đông”.

Hiện Trung Quốc đang có căng thẳng với một loạt nước trong khu vực. Với Philippines, đó là tranh chấp tại bãi đá cạn hình móng ngựa Scarborough/Hoàng Nham. Với Nhật Bản là quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, với Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Để giải quyết tranh cãi với Bắc Kinh về Scarborough/Hoàng Nham, Manila đã viện đến tất cả các kênh ngoại giao song phương, đồng thời yêu cầu đưa hồ sơ tranh chấp lên Tòa án quốc tế về Luật biển.

Tokyo thì khẳng định không có việc tranh chấp đối với quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

Với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rõ ràng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Biển tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẵn sàng tiến hành các cuộc tuần tra chung với Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ, thiết lập các cơ chế thương lượng song phương về tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường biển trên cơ sở “thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản” do Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng ký hồi tháng 10/2011.

Cộng đồng quốc tế lo ngại

Những động thái dồn dập của Trung Quốc trên cả mặt trận chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế trong thời gian qua đã và đang làm cho cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại về hòa bình, ổn định và an toàn vận tải hàng hải trên Biển Đông, một trong hai vùng biển nóng nhất hiện nay (cùng với eo biển Hormuz trên vịnh Péc-xích).

Báo chí nước ngoài quan ngại về tình hình tại Biển Đông.

Báo chí nước ngoài quan ngại về tình hình tại Biển Đông.

Mạng Strafor của Mỹ ngày 29/6 đã vạch rõ tham vọng của Trung Quốc thông qua hành động gọi thầu quốc tế của SNOOC, một trong ba tập đoàn năng lượng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.

Theo Strafor, SNOOC đóng vai trò chính trong tham vọng ở Biển Đông của Trung Quốc. CNOOC được dùng như một công cụ để "nắn gân" các nước. Nếu được thì cưỡng chiếm luôn khu vực được mời thầu. Nếu không được thì rút lui, đổ lỗi cho sáng kiến riêng của tập đoàn này chứ không phải chủ trương của nhà nước Trung Quốc.

Việc CNOOC tăng cường khả năng còn giúp Bắc Kinh triển khai chiến lược “khai thác chung” ở những vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng.

Xét bề ngoài, “khai thác chung” có vẻ như là một hoạt động mang tính hòa giải của Trung Quốc, nhưng thực chất đề nghị này mang hàm ý chiến lược khác. Thông qua việc các công ty Trung Quốc cung cấp công nghệ, vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng trong các dự án khai thác chung, Bắc Kinh sẽ dần dần tiếp cận tới việc củng cố tuyên bố chủ quyền. Thậm chí khi cần bảo đảm an ninh cho các dự án khai thác chung, Trung Quốc chỉ cho phép các tàu hải quân của nước này được vào bảo vệ, chứ không phải tàu của những nước tham gia khai thác chung.

Tranh chấp tại Biển Đông luôn gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Tranh chấp tại Biển Đông luôn gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Cùng chung quan điểm, đài BBC (Anh) và RFI (Pháp) ngày 28/6 vạch rõ việc quân đội Trung Quốc thiết lập chế độ tuần tra định kỳ ở vùng biển tranh chấp, nghiên cứu đặt cơ sở quân sự tại nơi gọi là “thành phố mới lập Tam Sa” cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường rõ rệt chính sách quân sự đối với Biển Đông.

Trước đó một ngày, RFI tờ Thời báo Tài chính (Anh) nhận xét hành động của CNOOC chắc chắn đã được giới lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh bật đèn xanh.

“Khi để cho CNOOC ‘xung trận’, Trung Quốc có một mối lợi là hoàn toàn có thể duy trì được khả năng chối cãi (rằng họ không hề bật đèn xanh cho việc mời thầu) nếu như tình hình xấu đi. Quyết định mời thầu là bằng chứng cho thấy quyết tâm ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp các cam kết trước đó là sẽ giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình”, chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Chatham House của Anh, ông Rod Wye nói.

Như vậy, có thể thấy hầu hết báo giới nước ngoài đều nhận định cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ châm ngòi cho những phản ứng mạnh mẽ của các nước liên quan, mà còn gây ra sự lo ngại sâu sắc của công luận về hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông nói riêng, Đông Nam Á, Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu đang tác động mạnh tới Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Bắc Kinh phải cần đến nguồn năng lượng khổng lồ. Đây chính là điều thôi thúc Trung Quốc phải đẩy mạnh tham vọng đối với nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Tham vọng đó càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các thị trường dầu khí ở Trung Đông và châu Phi đang bị suy giảm mạnh do làn sóng chính biến tại Trung Đông – Bắc Phi và sự quan tâm trở lại ngày càng rõ rệt của Mỹ đối với lục địa đen.

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm