1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Con tàu trôi dạt trên Biển Đỏ đe dọa nguồn sống của 9 triệu người

Minh Phương

(Dân trí) - Sự cố tràn dầu từ một con tàu rỉ sét bỏ hoang trên Biển Đỏ có thể khiến hơn 9 triệu người mất nguồn nước sinh hoạt, đe dọa ngư trường ở đây.

Con tàu trôi dạt trên Biển Đỏ đe dọa nguồn sống của 9 triệu người - 1

Tàu dầu FSO Safer bị bỏ hoang suốt 5 năm, xuống cấp nghiêm trọng ngoài khơi Yemen ở Biển Đỏ (Ảnh: Getty).

Theo AP, tàu dầu FSO Safer chở 1,1 triệu thùng dầu, đã bị bỏ hoang ngoài khơi Yemen từ năm 2015 và tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng. Tạp chí Nature Sustainability đầu tuần này dự báo, nếu con tàu bị vỡ, bị chìm hoặc rò rỉ dầu có thể kéo theo hệ quả nghiêm trọng về kinh tế, môi trường.

Dầu loang có thể sẽ lan rộng ra ngoài vùng biển Yemen và tàn phá môi trường của Ả rập Xê út, Eritrea và Djibouti.

Tạp chí này chỉ ra, sự cố tràn dầu có thể làm gián đoạn nguồn cung nước sạch tương đương nguồn cung cho khoảng 9 triệu đến 9,9 triệu người và hủy hoại ngư trường đáp ứng nhu cầu của hơn 8 triệu người.

Mô hình nghiên cứu cho thấy, trong vòng một tuần, sự cố tràn dầu có thể đe dọa gần 70% đến hơn 80% ngư trường ở Biển Đỏ của Yemen. Tỷ lệ này sẽ tăng dần lên đến 93% hoặc thậm chí 100% ở tuần thứ ba.

Yemen đặc biệt chịu ảnh hưởng bởi một sự cố tràn dầu do quốc gia này phụ thuộc đáng kể vào các cảng gần nơi con tàu trôi dạt. Gần 70% hàng viện trợ nhân đạo cho Yemen được vận chuyển qua các cảng này. Hiện nay, hơn một nửa dân số Yemen phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khí do tràn dầu sẽ làm tăng nguy cơ nhập viện vì bệnh tim mạch và hô hấp đối với người dân địa phương.

Các cảng quan trọng ở Biển Đỏ như Hodeidah và Salif nếu bị phong tỏa hai tuần, sẽ đe dọa đến hoạt động vận chuyển 200.000 tấn nhiên liệu của Yemen, tương đương 38% nhu cầu tiêu thụ tại nước này. Khi đó, giá nhiên liệu có thể tăng đến 80%.

Yemen vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm. Phiến quân Houthi kiểm soát khu vực mà con tàu bị bỏ hoang ngoài khơi cảng Ras Isa của Yemen. Lực lượng này đã ngăn cản các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc tới hiện trường đánh giá thực trạng và nguy cơ mà con tàu có thể gây ra.

Hồi tháng 11/2020, Liên Hợp Quốc đã đạt được thỏa thuận với Houthi về việc đảm bảo an toàn cho con tàu. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc Inger Andersen hồi tháng 6 cho biết, kế hoạch đánh giá thực trạng con tàu vẫn chưa được triển khai do các trở ngại về hậu cần cũng như chính trị.

"Rốt cuộc là, chúng ta vẫn không biết chính xác thực trạng con tàu cũng như biện pháp tốt nhất để giải quyết 1,1 triệu thùng dầu trên con tàu đang xuống cấp trầm trọng ở một khu vực đặc biệt nhạy cảm về môi trường của Biển Đỏ", bà Andersen nói.

Quan chức này cho biết, đây là khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng, ngay cả khi ứng phó lập tức một sự cố tràn dầu, quá trình phục hồi hệ sinh thái và kinh tế cũng có thể mất nhiều năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm