1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Con đường phát triển xe tăng Arjun đầy gập ghềnh của Ấn Độ

Minh Phượng

(Dân trí) - Ấn Độ có mong muốn chính đáng khi độc lập phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực để trở thành cường quốc. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tiễn là con đường gập ghềnh, minh chứng bằng xe tăng Arjun.

Con đường phát triển xe tăng Arjun đầy gập ghềnh của Ấn Độ - 1

Xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun MK1A do Ấn Độ phát triển (Ảnh: Wikipedia).

Con đường độc lập phát triển xe tăng của Ấn Độ

Sau 3 thập niên nghiên cứu và chế tạo, năm 2004 xe tăng Arjun do Ấn Độ độc lập phát triển chính thức được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, ngay lập tức nó trở thành tâm điểm chỉ trích vì 3 kỷ lục thế giới mà không ai muốn: xe tăng có thời gian phát triển dài nhất, đắt nhất và được chế tạo bởi nhiều quốc gia nhất.

Lúc đầu, chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) này thực ra không được gọi là Arjun, mà người Ấn Độ gọi nó là "xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới".

Quay lại lịch sử ngành quốc phòng của Ấn Độ, khoảng những năm 1960, mặc dù Ấn Độ đã giành được độc lập khỏi sự đô hộ của Anh, nước này vẫn dựa trên sự hỗ trợ của London cho năng lực quốc phòng của mình, đặc biệt là về xe tăng chiến đấu chủ lực.

Ngay sau khi giành độc lập, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đã rơi vào vòng xoáy bạo lực với hai cuộc chiến tranh tổng lực, khiến xe tăng của Ấn Độ thường xuyên bị tổn thất và hư hỏng. Trong khi đó, quân đội Ấn Độ có nhu cầu rất lớn về xe tăng và các thiết bị quân sự khác.

Nếu cứ mua xe tăng của nước khác thì hỏng hóc sẽ khó thay thế kịp thời, nhất là khi có tình huống chiến tranh. Nếu bên bán không tiếp tục cung cấp thì đó là mối đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia. Do vậy, Ấn Độ quyết tâm phải tự lực chế tạo xe tăng của riêng họ.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất quốc phòng của Ấn Độ khi đó còn rất hạn chế, chưa thể độc lập phát triển MBT hiện đại. Lúc này New Delhi bắt đầu đàm phán với công ty Vickers của Anh và cuối cùng quyết định rằng, công ty này sẽ thiết kế một loại xe tăng đặc biệt cho Ấn Độ và giúp nước này xây dựng một nhà máy sản xuất xe tăng ở thủ đô Ấn Độ.

Loại MBT này có tên gọi là Victory (Chiến thắng), được sản xuất từ năm 1963 và dần thay thế trang bị chủ lực của Ấn Độ.

Trong cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan lần thứ ba (năm 1971), quân đội Ấn Độ đối đầu với quân Pakistan bằng MBT Victory do chính người Ấn Độ sản xuất, nhưng thành tích chung không đạt yêu cầu.

Về mặt lý thuyết, hiệu suất của xe tăng do Anh thiết kế chắc chắn không tồi, nguyên nhân chủ yếu khiến chúng thể hiện kém trên chiến trường là do quân đội Pakistan trang bị xe tăng tiên tiến của Mỹ, khiến hai bên tự nhiên không có khả năng so sánh.

Nhưng người Ấn Độ cảm thấy xe tăng do Anh sản xuất "có vấn đề", nên quyết tâm độc lập sản xuất xe tăng nội địa.

Năm 1974, chính phủ Ấn Độ phê duyệt dự án "Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới của Ấn Độ". Họ chi khoảng 3,6 triệu USD (thời giá khi đó), lên kế hoạch chế tạo loại MBT nặng khoảng 50 tấn, được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, động cơ công suất cao, giáp composite và sản xuất nội địa hóa hoàn toàn.

Ngay từ đầu, chiếc MBT này lấy hình mẫu chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 được Đức phát triển để tham chiếu. Sau này chiếc MBT của Ấn Độ còn được gọi là "Leopard Ấn Độ".

Con đường phát triển xe tăng Arjun đầy gập ghềnh của Ấn Độ - 2

Xe tăng Arjun được chế tạo tại nhà máy HVF Avadi sẵn sàng bàn giao cho Lục quân Ấn Độ (Ảnh: Bharatrakshak).

Từ "Leopard của Đức" đến Arjun của Ấn Độ

Có thể nói tham vọng chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực nội địa của Ấn Độ là chính đáng, nhưng thực tế, con đường đến đích đầy sự gập ghềnh. Từ năm 1974 đến năm 1984, họ nỗ lực nhưng suốt 10 năm không đạt được thành tựu lớn. Điều duy nhất là giúp họ "định vị" mình đang đứng ở đâu trong làng xe tăng thế giới.

Năm 1984, Ấn Độ chế tạo hai nguyên mẫu "India Leopard"; tuy nhiên kết quả là giống như một phiên bản phóng to của mẫu xe Leopard 2. Và mẫu MBT "India Leopard 2" bị chỉ trích quá nhiều, nên người Ấn Độ không dùng mẫu Leopard 2 của Đức làm hình mẫu phát triển nữa.

Người Ấn Độ quyết tâm tìm lối thoát, vì một số bộ phận không thể tự sản xuất được nên họ phải "hạ thấp yêu cầu nội địa hóa 100%", bằng phương pháp nhập khẩu từ nước ngoài. Dù thế nào đi nữa, nếu cuối cùng họ có thể chế tạo được xe tăng thì đó vẫn là phương án đúng.

Vì vậy, Ấn Độ nhập khẩu một số bộ phận từ nhiều quốc gia và cuối cùng tập hợp mọi thứ lại với nhau. Chính phủ Ấn Độ khi đó cũng tự hào tuyên bố, họ phát triển được một mẫu MBT hiện đại với giá thấp nhất.

Tuy là xe tăng chiến đấu chủ lực của người Ấn Độ, nhưng hơn 70% trong số đó là các bộ phận được mua từ nước ngoài. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì đó cũng là một thành công.

Sau này, Ấn Độ nhận ra rằng, việc mua sắm các nơi khiến các hệ thống con khác nhau khó kết hợp trong tổng thể. Cùng với đó, tỷ lệ nội địa hóa quá ít nên vẫn dẫn đến nguy cơ nếu chiến tranh nổ ra, một bên nào đó không cung cấp phụ tùng thì Arjun lại nằm "đắp chiếu".

Do năng lực chế tạo hạn chế, Ấn Độ vẫn phải chọn con đường nhập khẩu. Năm 1988, một cuộc thử nghiệm kỹ thuật được thực hiện trên xe tăng Arjun, Quân đội Ấn Độ phát hiện ra rằng, xe tăng Arjun vẫn gặp phải những vấn đề kỹ thuật lớn và không thể sử dụng trong chiến đấu thực tế.

Ba kỷ lục không mong muốn 

Vì mất quá nhiều thời gian không giải quyết được nên quân đội Ấn Độ đã "nộp đơn" xin từ bỏ dự án này. Dù sao, nếu được các nước khác thay thế thì hơn 10 năm cũng đủ để phát triển một mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ từ chối yêu cầu này và buộc phải theo đuổi đến cùng với xe tăng Arjun.

Sau đó, do một số điểm không tương thích về mặt kỹ thuật, Ấn Độ liên tục thay thế một số bộ phận và chi số tiền khổng lồ để mua lại chúng từ nước ngoài.

Cuối cùng Arjun được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 2000, nhưng quân đội Ấn Độ dường như không muốn mua, vì xe tăng Arjun không tốt bằng chiếc T-72 nhập khẩu từ Nga.

Nhưng Ấn Độ ở thế "cưỡi trên lưng hổ" và việc Lục quân nước này không mua chúng là điều thiếu hợp lý. Vì vậy, năm 2000, nước này chi 170 tỷ rupee để mua 124 xe tăng Arjun.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất hàng loạt xe tăng Arjun sau này, dây chuyền sản xuất xảy ra sự cố, làm chi phí trực tiếp tăng gấp 2 lần so với kế hoạch, khiến giá thành mỗi chiếc Arjun Mk-1A lên tới hơn 8,6 triệu USD, thuộc top những loại xe tăng đắt nhất thế giới hiện nay.

Đơn giá này đắt hơn cả xe tăng T-90 (4,2 triệu USD) và M1A2 Abrams (7,8 triệu USD).

Con đường phát triển xe tăng Arjun đầy gập ghềnh của Ấn Độ - 3

Xe tăng T-90 Ấn Độ mua nguyên chiếc và chế tạo trong nước theo giấy phép chuyển giao công nghệ của Nga (Ảnh: HT).

Dù chặng đường phát triển mẫu MBT của Ấn Độ kéo dài, cuối cùng những chiếc xe tăng của người Ấn cũng hoàn thành, nhưng nó cũng thiết lập 3 kỷ lục không mong muốn, đó là:

Thứ nhất, Arjun là chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực có thời gian phát triển dài nhất trong số các xe tăng thế hệ thứ ba, phần lớn những tiêu chí thiết kế đưa ra, khi hoàn thành đã trở lên lạc hậu.

Thứ hai, xe tăng Arjun có giá cao nhất, lập kỷ lục cho xe tăng thế hệ thứ ba.

Thứ ba, xe tăng Arjun sử dụng những linh kiện tiên tiến nhất từ châu Âu, Nga, Mỹ và Israel…, để tạo ra xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba "lạc hậu nhất".

Hiện Ấn Độ vẫn chưa từ bỏ loại xe tăng này mà vẫn tiếp tục cải tiến và cho ra mắt phiên bản Arjun MK2.

Theo Sina, PTI, Topwar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm