Ngoại trưởng Mỹ thăm Ấn Độ:
Cơ hội khởi động giải quyết bất đồng Mỹ - Ấn
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ thăm Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ Ấn-Mỹ đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, nhưng không phải không có những bất đồng. Hoá giải quan hệ Ấn Độ-Pakistan đang băng giá và hàn gắn bất đồng với New Dehli vì chính lợi ích của Mỹ là nhiệm vụ của bà.
Chiều 17/7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Mumbai, bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ trong 5 ngày với mục đích củng cố quan hệ đối tác giữa Mỹ và cường quốc kinh tế thứ 10 trên thế giới hiện đang tiến tới vị trí quan trọng trong các lĩnh vực hạt nhân, thương mại, thay đổi khí hậu.
Tại Mumbai, nơi xảy ra hàng loạt vụ khủng bố rung chuyển thủ đô kinh tế Ấn Độ từ ngày 24 đến 29/11/2008 làm gần 200 người thiệt mạng, bà Hillary đã nhắc lại vụ nổ bom hôm 17/7 ở Jakarta. Bà liên kết biến cố 11/9 ở Mỹ, hai vụ tấn công ở Ấn Độ và Indonesia như những sự kiện hằn sâu trong ký ức mỗi người.
Nhân đó, Ngoại trưởng Mỹ đề cập tới chủ trương khủng bố tàn bạo đang diễn ra, mà thủ phạm là những kẻ quá khích. Bà kêu gọi toàn thế giới cùng nhau đánh tan lòng thù hận và cực đoan. Bà cam kết Mỹ sẽ cùng các chính phủ Ấn Độ, Indonesia và các quốc gia, dân tộc khác đấu tranh vì hòa bình, an ninh chống lại các tổ chức cực đoan.
Trước khi đặt chân tới Ấn Độ, bà Hillary cũng kêu gọi chính quyền New Dehli cùng Mỹ giúp đỡ đối thủ trong khu vực là Pakistan trong cuộc chiến chống lại phe Hồi giáo vũ trang. Bà cho biết Washington và New Dehli sẽ phải khắc phục tình trạng không tin cậy lẫn nhau đã ngăn cản sự hợp tác của hai nước trong quá khứ. Từ sau vụ khủng bố Bombay tháng 11/2008, hy vọng cải thiện bang giao giữa New Dehli và Islamabad vẫn chưa le lói chút ánh sáng do hai bên đổ trách nhiệm cho nhau về vụ nổ bom này.
Đến Ấn Độ lần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chắc chắn đã được Tổng thống Obama “dặn dò” về tầm quan trọng trong quan hệ của Mỹ với Ấn Độ, vì vị thế đang nổi lên cũng như thị trường tiềm năng của nước này, vì quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn rất quan trọng cho việc giải quyết hàng loạt vấn đề, từ thay đổi khí hậu cho đến đưa ra các quy định thương mại mới của thế giới, ngăn chặn chạy đua vũ trang khu vực, cũng như tạo cơ hội cho các công ty Mỹ làm ăn tại Ấn Độ.
Bà Clinton chắc cũng được cảnh báo về sự “lơ là” của chính quyền mới ở Mỹ trong mối quan hệ với New Dehli, khi nội các của ông Obama còn mải đối diện với cuộc chiến tại Afghanistan, sự bất ổn ở Pakistan và tình trạng hỗn loạn ở Iran.
Mỹ-Ấn đang bất đồng với nhau trên nhiều lĩnh vực như cắt giảm lượng khí thải hay phê chuẩn hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ấn Độ không ký hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện trừ khi thế giới phi hạt nhân hóa. Mỹ muốn Ấn Độ thúc đẩy thỏa thuận năng lượng hạt nhân ký hồi tháng 10/2008, để các công ty Mỹ hoàn thành các hợp đồng xây dựng và cung cấp các nhà máy điện hạt nhân trị giá 175 tỷ USD. Nhưng trước cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Manmohan Singh không phê chuẩn thỏa thuận do sự phản đối của đảng Cộng sản.
Tại New Dehli, nhiều người còn lo ngại Mỹ đang ưu tiên Pakistan, khi Tổng thống Barack Obama cần có sự giúp đỡ của Islamabad trong cuộc chiến chống khủng bố ở Pakistan và Afghanistan.
Ở Washington, một chuyên gia về Nam Á của Viện Brookings lại cho rằng việc Mỹ không đánh giá đúng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trình độ công nghệ và tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ đã dẫn đến nhiều bất đồng giữa hai nước. Chuyến thăm Ấn Độ lần này của Ngoại trưởng Clinton sẽ là nỗ lực cấp cao đầu tiên của Chính quyền Obama nhằm giải quyết các bất đồng với chính phủ Ấn Độ, là cơ hội để khởi động việc giải quyết các bất đồng và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước.