Cơ hội cuối cho gói cứu trợ Hy Lạp
Cuộc họp khẩn cấp giữa các Bộ trưởng Tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) diễn ra tại Brussels, Bỉ và kéo dài đến rạng sáng 12-2 đã không đạt được bất cứ kết quả khả quan nào. Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone quyết định sẽ nối lại vòng đàm phán vào ngày 16-2 tới.
Chưa đủ tiến triển để đi đến một thỏa thuận chung
Hy Lạp cũng đề cập tới việc tăng lương tối thiểu, hủy bỏ thuế bất động sản không được dân chúng ủng hộ, đảo ngược các cải cách chính mà EU và IMF yêu cầu Hy Lạp phải thực hiện như điều kiện nhận cứu trợ. Athens còn muốn chấm dứt sự giám sát của "Bộ ba" tham gia gói cứu trợ thứ nhất-gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF, đối với khu vực tài chính của Hy Lạp.
Gói cứu trợ thứ nhất dành cho Hy Lạp sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 2 này. Nếu gói cứu trợ này không được gia hạn, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, một kết cục có thể đẩy nước này ra khỏi Eurozone. Tuy nhiên, tân Thủ tướng nước này tỏ ra khá cứng rắn trong việc đàm phán thỏa thuận gia hạn gói cứu trợ 240 tỷ euro. Trước đó, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thề sẽ hủy bỏ mọi biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ cũ ở Athens đồng ý với EU và IMF để nhận gói cứu trợ. Quyết định này vấp phải sự phản đối dữ dội của các nước EU, đặc biệt là Đức.
“Không có ý định” rời khỏi Eurozone
Trong khi đó, tối 11-2, giờ địa phương, khoảng 15.000 người dân ở thủ đô Athens đã tham gia cuộc tuần hành bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương của chính phủ mới trong việc dỡ bỏ các chính sách khắc khổ của nước này. Nhiều thanh niên và người già đã tập trung tại Quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens, nơi cũng từng diễn ra các cuộc biểu tình chống lại các chính sách "thắt lưng buộc bụng" dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Những người tham gia tuần hành lần này cho rằng, những nỗ lực của chính phủ cánh tả hiện nay là vì lợi ích của người dân, đồng thời bảo đảm cho Hy Lạp "có tiếng nói bình đẳng" trong EU.