Cô gái Việt là 'Anh hùng thầm lặng' của Microsoft

Thu Hương là một trong những tấm gương sáng trong cộng đồng người khuyết tật vì đã vượt lên số phận của mình một cách xuất sắc.

Từ biệt “Ánh sáng vật lý”


Từ biệt “Ánh sáng vật lý”

Từ khi mới chào đời, Hương đã bị dị tật ở mắt. Không muốn con gái thu hẹp bản thân, mẹ Hương vẫn cố xin cho con theo học ở trường tiểu học Quang Trung. Nhưng khi đến năm lớp 4, thị lực của Hương kém hẳn, không còn nhìn được những dòng phấn trắng trên bảng nữa. Cô bé 10 tuổi đành bỏ học trong một nỗi buồn và sợ hãi bất tận khi buộc phải thừa nhận mình đã bị mù…

Nhớ về khoảng thời gian buồn tủi đó, mẹ Hương rưng rưng kể: “Những ngày ấy, Hương rất buồn. Con bé thường xuyên khóc, và khóc rất nhiều. Đôi khi còn nổi giận vô cớ”.

Hương đang dạy học cho các em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu.

Hương đang dạy học cho các em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu.

Thắp lên ánh sáng của ý chí

Vượt qua tất cả những u ám ban đầu, Hương nằng nặc đòi mẹ cho đi học tiếp ở trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội, ngôi trường dành riêng cho người khiếm thị.

Chuyển từ cách học bằng mắt sang cách học bằng…tay, Hương đã phải mất ba năm để học lại. Trong khi tập viết chữ nổi, không ít lần chấm đầu bút ra ngoài bảng, thậm chí tay còn bị đâm đến chảy máu. Nhưng Hương vẫn kiên trì với những bài tập viết. Và kết quả đạt được đã không phụ sự cố gắng của cô bé giàu nghị lực này. Trong suốt những năm học tại trường Nguyễn Đình Chiểu và 3 năm cấp 3 sau đó, Hương luôn đứng đầu lớp với điểm tổng kết trên 9.0.

Với thành tích vượt trội, Hương đã được đặc cách vào học khoa Tiếng Anh của ĐH Sư phạm Hà Nội. Lần đầu tiên có một sinh viên khiếm thị vào học, các thầy cô trong khoa cũng không khỏi băn khoăn về cách giảng dạy, về khả năng thích ứng của Hương với các bạn cùng lớp. Nhưng sự cố gắng, ham học hỏi với kết quả tốt nghiệp thủ khoa 8.75 của Hương là một minh chứng sống cho câu nói “không gì là không thể”.

Niềm say mê học tập, khao khát tìm hiểu tri thức vốn có từ bên trong bản thân mình. Hơn nữa, mình học trong môi trường hòa nhập nên luôn muốn các bạn nhìn nhận năng lực của mình. Và mình cũng nghĩ rằng nếu như mình làm được thì các bạn khiếm thị học sau mình sẽ có niềm tin rằng họ cũng sẽ làm được” - Hương chia sẻ về sự thôi thúc học tập của mình.

Nhưng tự đứng lên bằng nỗ lực của mình bao nhiêu lần thì cũng là bấy nhiêu lúc Hương trăn trở về những khó khăn của học sinh, sinh viên khiếm thị.

Hương đang dạy học cho các em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu.

Hương (ở giữa, áo khoác ngoài váy cam) trong một buổi tập huấn kỹ năng giao tiếp cho người khiếm thị về an toàn giao thông.

Đào Thu Hương trao đổi cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Đào Thu Hương trao đổi cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Hương trong một chuyến đi đến Hàn Quốc để tham dự APDF và Đại hội RI.

Hương trong một chuyến đi đến Hàn Quốc để tham dự APDF và Đại hội RI.

Người khiếm thị có thể trượt tuyết không? Hãy hỏi Hương để có câu trả lời nhé!

Người khiếm thị có thể trượt tuyết không? Hãy hỏi Hương để có câu trả lời nhé!

Hương (ngoài cùng bên trái) nhận giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2010.

Hương (ngoài cùng bên trái) nhận giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2010.

Dự án CD tiếng Anh cho học sinh khiếm thị

“Hãy thắp lên một ngọn nến nhỏ, còn hơn là ngồi mà nguyền rủa bóng tối” không chỉ đơn thuần là câu nói mà Thu Hương yêu thích mà còn chính là con đường mà cô gái khiếm thị này đang đi với tất cả nỗ lực học tập và trái tim vì cộng đồng của mình.Đình Thắng, phụ trách khu nội trú của trường Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn nhớ rất rõ về những ngày loa phát thanh trường vang lên đĩa CD tiếng Anh do cô học trò cũ Đào Thu Hương thiết kế.

“Đợt đó, trường cho phát thanh đĩa CD của em Hương liên tục trong 1 tháng liền. Các em học sinh rất thích vì các bài giảng trong đĩa rất thực tế và dễ tiếp thu. Thấy sự hiệu quả đó, chúng tôi đã in sao đĩa phát cho các em. Rất nhiều học sinh coi đó là một cuốn sách bổ ích cho môn học tiếng Anh của mình”.

Nói về ý tưởng thiết kế đĩa CD cho học sinh khiếm thị, Hương cho biết: “Không phải vì để có được sự cám ơn từ các em học sinh mà mình làm. Mình thấy việc có ích thì mình làm thôi. Mình nghĩ tiếng Anh cần thiết cho tất cả mọi người. Với người khiếm thị thì có thể đặc biệt phát huy khả năng nghe và nói”.

Cũng từ đây, Hương xác định rõ con đường mà mình phải đi, đó là con đường “thắp lên một ngọn nến nhỏ” cho người khiếm thị. Ngay sau khi ra trường, cô chọn làm việc ở tổ chức phi chính phủ Samaritan's Purse tại Việt Nam - một tổ chức hướng tới người nghèo, người khuyết tật.

Mặc dù công việc chính là biên phiên dịch nhưng Hương luôn hỗ trợ đồng nghiệp về việc xây dựng ý tưởng, thực hiện dự án liên quan đến người khuyết tật. Hương cũng tích cực tìm kiếm những học sinh khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, kể cả các bạn học riêng lẻ ở các trường hòa nhập để kiến nghị tổ chức trao học bổng. Thêm khả năng đặc biệt về ngôn ngữ, Hương còn tham gia dẫn chương trình bằng song ngữ cho các buổi hòa nhạc từ thiện của người khuyết tật và các hoạt động của hội người mù.

Bùng cháy ánh sáng của trái tim

Vẫn thấy là chưa đủ, Hương tiếp tục nỗ lực để nhận được học bổng theo học Khóa đào tạo về những kỹ năng lãnh đạo cho người khuyết tật tại Nhật Bản. Kết thúc khóa học 1 năm, đầu tháng 7/2012, Thu Hương trở về nước với kỳ vọng áp dụng những gì mình đã học được để giúp đỡ người khiếm thị.

Và vào tháng 9/2012, cùng với 6 bạn khác, Hương đã lập ra nhóm Điểm tựa nhằm hỗ trợ cải thiện cuộc sống của người khiếm thị trên các lĩnh vực như sinh hoạt, học tập, tìm kiếm việc làm…

Các hoạt động hiện tại của nhóm là “Tập huấn kỹ năng giao tiếp với người khiếm thị trong giao thông”, “Gia sư và đọc sách cho người khiếm thị”. Những hoạt động này của nhóm đang tạo được hiệu ứng rất tốt, kết nối các bạn tình nguyện với các học sinh, sinh viên khiếm thị ở Hà Nội. Ngoài ra, Hương và các bạn cùng nhóm đang ấp ủ nhiều dự án lớn khác để giúp đỡ người khiếm thị như tổ chức lớp đào tạo giáo viên nguồn định hướng di chuyển cho các tình nguyện viên là người sáng mắt…

“Những gì mình làm cũng xuất phát từ sự đồng cảm với hoàn cảnh của các bạn khiếm thị. Ngoài việc bị thiếu sách vở, thiếu tài liệu học như hồi trước mình từng trải qua, thì nhiều bạn ở các tỉnh xa còn bị khó khăn về kinh tế, phải bươn chải làm thêm để học tập ở Hà Nội”. Hương thoáng nhẹ nụ cười, vừa hướng đôi mắt mở he hé về phía tôi vừa nói tiếp: “Vì thế, khi mình giúp đỡ được các bạn ấy chút gì đó, mình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”.

- Họ và tên: Đào Thu Hương

- Quê quán: Đống Đa, Hà Nội

- Ngày sinh: 19/9/1985

- Đồng sáng lập ra nhóm Điểm tựa

- Một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2010

- Tập đoàn Microsoft tặng danh hiệu “Anh hùng thầm lặng”

- Thành ủy Hà Nội khen thưởng gương “Người tốt việc tốt” trong nhiều năm.

- Hiện là biên phiên dịch của tổ chức phi chính phủ Samaritan's Purse tại Việt Nam.
















Theo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm