“Cô gái ngồi thiền” trong phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ Hong Kong
(Dân trí) - Trong những ngày qua, hình ảnh cô gái ngồi thiền trước hàng khiên chắn của cảnh sát Hong Kong được cho là đã gây chú ý trong phong trào biểu tình chống lại dự luật dẫn độ.
Màn đêm buông xuống. Một cô gái, trong tư thế thiền, ngồi yên lặng trước hàng khiên chắn của cảnh sát chống bạo động. Hình ảnh của cô đã gây chú ý trong cuộc biểu tình tại Hong Kong.
Được cư dân mạng gọi là “cô gái khiên chắn”, Lam Ka Lo, 26 tuổi, đã gây chú ý không chỉ cho những người biểu tình mà còn cho các nghệ sĩ. Một họa sĩ nổi tiếng để vẽ lại cô, thể hiện thần thái bình tĩnh, yên ổn trước khung cảnh hỗn độn.
Lam đã tới khu Admiralty vào tối ngày 11/6, vài giờ trước cuộc biểu tình diễn ra trước trụ sở của chính quyền đặc khu Hong Kong. Có hàng trăm người biểu tình đã ở đó với Lam, cũng như ngày càng nhiều cảnh sát với những tấm khiên chắn chống bạo động xuất hiện.
“Không ai dám đứng lại gần hàng rào khiên chắn”, Lam nói, nhấn mạnh cô không sợ cảnh sát nhưng lo rằng những người biểu tình có thể bị thương.
Cô bắt đầu ngồi xuống để thiền và đọc kinh khi căng thẳng leo thang dồn dập giữa 2 phía.
Tuy nhiên, Lam không muốn trở thành gương mặt chú ý của cuộc biểu tình. Theo cô gái trẻ, sự bình tĩnh của cô đến từ việc thiền định. Cô tự nhận mình là một người dễ xúc động từ khi mới sinh ra, nhưng thiền đã giúp cô chú tâm hơn tới cảm xúc và tìm đến sự bình yên trong tâm hồn.
Lam, người cũng từng tham gia vào phong trào biểu tình Ô dù năm 2014, buồn khi chứng kiến cảnh bạo lực xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình chiều ngày 12/6.
“Tôi thực sự cảm thấy buồn khi chứng kiến một số sinh viên bị cảnh sát làm bị thương”, cô nói, tin tưởng rằng các biện pháp phi bạo lực mới có thể giải quyết được vấn đề.
Vào ngày 15/6, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ trước áp lực dồn dập từ dư luận.
Nhưng Lam nhấn mạnh rằng cô không coi đó thành công vì cô muốn dự luật này phải được rút lại. Cô cũng muốn cuộc biểu tình ngày 12/6 không bị coi là bạo động và những người biểu tình đang bị bắt giữ phải được thả.
(Ảnh: Twitter)
Đức Hoàng
Theo BBC