1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

CIA, 60 năm sai lầm và thất bại (phần 1)

(Dân trí) - Năm 2008 Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có lẽ sẽ phải kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 trong bão táp, bởi trong 60 năm ấy cơ quan tình báo đầu não này của nước Mỹ đã phạm không biết bao nhiêu sai lầm và nếm trải không biết bao nhiêu thất bại.

Cơ quan tình báo đầu não của Mỹ bị cáo buộc cung cấp các chứng cứ giả về vũ khí huỷ diệt hàng loạt ở Iraq, thuê 26 máy bay chở các nghi can khủng bố tới các nhà tù bí mật và ra lệnh phá huỷ các cuốn băng cho thấy các cực hình tra tấn khi thẩm vấn. Nhưng trên hết, họ đã thất bại trong dự báo các vụ tấn công ngày 11/9, cho dù trước đó đã được Cơ quan tình báo đối ngoại của Pháp (DGSE) chuyển giao nhiều bản báo cáo cảnh báo về một vụ tấn công lớn nhằm vào nước Mỹ. Sau những thất bại đó, nhiều người đã đưa ra câu hỏi, vậy thành lập CIA để làm gì?

 

Được thành lập ngày 26/7/1947, CIA có nhiệm vụ cung cấp thông tin về mọi vấn đề trên thế giới cho tổng thống Mỹ (lúc đó là Harry Truman). Nhưng ngay từ ban đầu, họ đã mắc sai lầm. CIA dự báo, Liên Xô không có khả năng cho nổ bom nguyên tử trước năm 1953, nhưng thực ra Mátcơva đã tiến hành vụ thử đầu tiên vào năm 1949.

 

Sai lầm khi do dự loại trừ Bin Laden năm 1999

 

5h35 ngày 7/8/1998, Tổng thống Bill Clinton bị đánh thức bởi cú điện thoại khẩn cấp. Các đại sứ quán Mỹ tại Nairobi (Kenya) và Dar es-Salaam (Tanzania) vừa bị nổ tung cách nhau 4 phút. Vụ nổ đầu tiên làm 213 người thiệt mạng, trong đó có 12 người Mỹ và hơn 4.500 người bị thương. Vụ nổ thứ hai làm 11 người chết và 85 người bị thương.

 

Vài tháng trước đó, Osama Bin Laden tuyên bố, ông ta lãnh nhiệm vụ thần thánh là tiêu diệt người Mỹ. Washington buộc tội ông ta tham gia các vụ tấn công, treo giải 5 triệu USD cho bất cứ ai tiêu diệt được nhân vật này. CIA không lạ gì trùm khủng bố người Arập Xêút, người từng cung cấp tài chính cho các nhóm nổi loạn ở Afghanistan chống lại quân đội Liên Xô. Để tóm được ông ta, CIA kích hoạt mạng lưới gián điệp ỏ Kabul. Chỉ huy Massoud, anh hùng trong cuộc chiến chống Taliban cũng nhận được đề nghị hợp tác.

 

Trong bài viết của mình, phóng viên Tim Weiner của tờ New York Times đã thu thập toàn bộ lời kể của John MacGaffin, nhân vật số 2 trong chiến dịch bí mật này. MacGaffin tiết lộ, từ tháng 12/1998, các đồng minh của CIA ở Afghanistan nắm rất rõ mọi đường đi nước bước của trùm khủng bố. Ngày 20/12/1998, ông ta ngủ trong khu nhà nghỉ của thị trưởng thành phố Kandahar. Ngày 8/2/1999, vệ tinh đã xác định được vị trí ông ta đang ở. Tháng 5/1999, ông ta án binh bất động trong suốt 36h. Có ít nhất đến 3 lần, CIA có thể dùng tên lửa để tiêu diệt ông ta, nhưng do lo ngại cái chết của Bin Laden sẽ gây ra các tác động phụ nghiêm trọng, nên giám đốc CIA lúc bấy giờ, ông George Tenet từ chối đồng ý ra lệnh tiêu trừ nhân vật này. Tuy nhiên, Tổng thống Bill Clinton lại cho phép bí mật loại bỏ trùm khủng bố của al-Qeada. Sau khi chuyển giao quyền lực cho ông George Bush năm 2000, tổng thống của đảng Dân chủ đã dặn dò người kế nhiệm: “Mối đe doạ lớn nhất đối với ông chính là Bin Laden”.

 

Thất bại trong âm mưu xâm lược Cuba năm 1961

 

Năm 1960, CIA muốn lật đổ một cách nhẹ nhàng chính quyền của Chủ tịch Fidel Castro với hy vọng nhận được sự hậu thuẫn của chính người dân Cuba. Ban đầu, CIA chỉ dự kiến huấn luyện khoảng 60 phần tử li khai được tuyển mộ từ dân di cư Cuba đang sống tại Mỹ. Nhưng một cuộc thăm dò sau đó cho thấy uy tín của Chủ tịch Fidel rất lớn nên CIA quyết định chuyển sang cung cấp vũ khí cho các thành phẩn nổi loạn tại chỗ thông qua đường hàng không.

 

Ngày 28/9/1960, máy bay Mỹ thả dù rất nhiều vũ khí lên hòn đảo lệch mục tiêu đã định 10km nên toàn bộ số vũ khí này rơi vào tay quân đội Cuba. Bất chấp thất bại trên, CIA vẫn ngoan cố trình lên Tổng thống Kennedy một kế hoạch đầy tham vọng: tiến hành xâm lược Cuba. Nửa đêm ngày 16/4/1961, 1.511 tên biệt kích đổ bộ lên khu đầm lầy trong vịnh Con Lợn và được quân đội Cuba đã đón lõng ở đó: 1189 tên bị bắt và 114 tên bị tiêu diệt. Các nhân viên tình báo của Cuba đã thâm nhập được vào mạng lưới phe đối lập lưu vong và nắm rõ từng chi tiết trong cuộc đổ bộ của CIA.

 

CIA vi phạm quy định của chính họ khi theo dõi các công dân Mỹ năm 1967:

 

Cuối thập niên 60, những người Mỹ phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã xuống đường biểu tình, 75 cuộc nổi dậy chống phân biệt chủng tộc bùng phát tại các khu tập trung của người da đen. Tổng thống Mỹ Johnson lúc đó bị ám ảnh bởi ý nghĩ cho rằng Liên Xô đứng đằng sau các vụ biểu tình nổi dậy trên, nên đã ra lệnh cho CIA tiến hành chiến dịch “Chaos” điều tra các bằng chứng cho thấy sự nhúng tay của Mátcơva.

 

Các nhân viên mật vụ của CIA được chi tiền mua trang phục để thâm nhập vào giới hippi, điều này đã được tiết lộ trong một hồ sơ tuyệt mật của cơ quan này. Chiến dịch tiến hành thẩm tra thông tin liên quan đến 30.000 người và tổ chức trong cơ sở dư liệu cùng 7.200 hồ sơ cá nhân. Cuối cùng, CIA chỉ phát hiện thấy huyền thoại âm nhạc của Anh John Lennon đã chi tiền cho một nhà hoạt động hoà bình đi du lịch mà không hề tìm thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa chính quyền Xô viết và những người biểu tình.

 

Nghiêm trọng hơn, cơ quan tình báo Mỹ đã vi phạm chính hiến chương của chính họ, theo đó cấm CIA theo dõi các công dân Mỹ. Tháng 12/1974, phóng viên Seymour Hersh của tờ New York Times có bài viết tiết lộ vụ việc, khiến uy tín của CIA sụp đổ.

 

Không có khả năng dự đoán trong cuộc chiến tranh Việt Nam

 

CIA nhúng mũi từ rất sớm vào các chiến dịch mật thám tại Việt Nam. Từ năm 1959, họ đă thả dù 250 biệt kích xuống miền bắc Việt Nam: 217 tên bị tiêu diệt, mất tích. Sau đó, CIA tiến hành các vụ tấn công vào các căn cứ của Việt Cộng, nhưng đều thất bại và tất cả các hành động đó không mang lại bất kỳ hiệu quả nào lên cục diện cuộc chiến. Cho dù được trang bị các vũ khí tối tân, CIA không có khả năng dự báo về cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta. Ngày 31/1/1968, 40.000 bộ đội miền Bắc đã đồng loạt tấn công các thành phố ở miền Nam và bao vây các căn cứ quân sự chính của Mỹ ở Huế và Khe Sanh. CIA hoàn toàn bất ngờ trước chiến dịch này của quân ta.

 

(Còn nữa)

Ngọc Nhàn

Theo Ca m’intéresse