1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện về một quốc vương làm hộ lý tại Mỹ

(Dân trí) - Trong suốt nhiều năm Charles Wesley Mumbere làm hộ lý ở Mỹ, chăm sóc cho người già và người ốm yếu. Nhưng không ai ngờ rằng ông đã được truyền ngai vàng tại đất nước quê nhà Uganda ở châu Phi từ năm 13 tuổi.

 
Chuyện về một quốc vương làm hộ lý tại Mỹ - 1
Quốc vương Charles Wesley Mumbere tại nhà ông ở Kasese, vài giờ trước khi được chính thức đăng ngôi.

 

Vào ngày hôm qua, sau nhiều năm trải qua giai đoạn dài bất ổn chính trị và vật lộn với “cuộc chiến” tài chính, Mumbere, 56 tuổi, cuối cùng đã chính thức trở thành quốc vương ở Uganda trong tiếng trống và tiếng hò reo của hàng ngàn người ủng hộ.

 

Tại một cuộc tập hợp của quần chúng sau đó trong ngày, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã chính thức công nhận Vương quốc Rwenzururu. Tổng thống Museveni đã phục hồi các vương quốc truyền thống mà người tiền nhiệm của ông cấm từ năm 1967. Tuy nhiên, các vương quốc chỉ có “nhiệm vụ” liên quan đến văn hóa và không được can dự vào chính trị.

 

“Đây là giây phút tuyệt vời bởi cuối cùng chính phủ trung ương đã hiểu được mong muốn của người Bakonzo, những người đã rất mong được công nhận giá trị riêng của họ”, ông Mumbere cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn tại tòa nhà một tầng quét vôi màu trắng được dùng làm cung điện.
 
 
Chuyện về một quốc vương làm hộ lý tại Mỹ - 2
Hàng ngàn người tới tham dự lễ đăng quang của ông.
 
Quốc hội Rwenzururu tọa lạc gần đó, nhưng hầu hết cấu trúc này làm bằng tranh tre. Chính tại đây những nghi lễ riêng truyền thống đã được tổ chức vào tối ngày chủ nhật và sáng hôm qua để cho ông Mumbere được đăng quang.

 

Hàng ngàn người đã đi bộ nhiều cây số để được nhìn thấy Mumbere, mặc bộ áo choàng xanh và đội mũ sặc sỡ màu sắc, chính thức được công nhận là quốc vương.

 

Để đến được ngày hôm nay, Tân Quốc vương Dãy núi Mặt trăng của Uganda đã trải qua rất nhiều sóng gió, từ một lãnh đạo tuổi “teen” của một lực lượng nổi dậy, đến một sinh viên nghèo, một hộ lý tại nhà dưỡng lão ở Mỹ. Ông đã sống ở Mỹ gần 25 năm.

 

Nhưng xuất thân hoàng tộc của Mumbere chỉ được công chúng ở Pennsylvania biết đến vào tháng 7 vừa qua, khi ông đồng ý trả lời phỏng vấn với tờ The Patriot-News of Harrisburg lúc chuẩn bị trở về Uganda.
 
 
Chuyện về một quốc vương làm hộ lý tại Mỹ - 3
Nhiều người đi bộ nhiều km để tham dự lễ đăng quang của tân quốc vương.
 

Ông thừa kế ngai vàng của vua cha, Quốc vương Isaya Mukirania Kibanzanga, sau khi vua cha qua đời trong thời điểm đang lãnh đạo một nhóm người chủ trương ly khai ở Dãy núi Rwenzori, hay còn được gọi là Dãy núi Mặt trăng. Nhóm người này khi đó phản đối sự đàn áp của những người trị vì ở Vương quốc Toro đối với người dân tộc Bakonzo.

 

Người Bakonzo đòi được công nhận như là một thực thể riêng và bầu Kibanzanga, một cựu giáo viên tiểu học, làm quốc vương của họ vào năm 1963.

 

“Thật khó khăn khi lớn lên trong hoàn cảnh đó”, Quốc vương Mumbere nhớ khi lên 9 tuổi cha ông đưa cả nhà lên núi. Mặc dù được đào tạo trong quân ngũ, nhưng ông đã không chiến đấu.

 

“Đất nước tôi đã độc lập (khỏi Anh) được khoảng 40 năm, nhưng tại Rwenzururu bạn không thể tìm thấy nước máy, cũng không có bệnh viện”, ông nói.
 
 
Chuyện về một quốc vương làm hộ lý tại Mỹ - 4
Điệu nhảy truyền thống trong lễ đăng quang của Quốc vương Mumbere.
 

Ngay sau khi Quốc vương Kibanzanga qua đời, con trai của ông đã dẫn những người lính chiến đấu xuống núi và giao nộp vũ khí. Mumbere tới Mỹ vào năm 1984, theo suất học bổng của chính phủ Uganda. Ông học ở một trường kinh doanh cho tới khi ban lãnh đạo ở Uganda thay đổi khiến phụ cấp cho ông bị ngừng lại. Sau đó, vào năm 1987, ông xin được tị nạn chính trị và được đào tạo làm hộ lý, xin được việc ở một nhà dưỡng lão tại ngoại ô Washington.

 

Năm 1999, ông chuyển tới Harrisburg, thủ phủ bang Pennsylvania. Ông làm việc tại ít nhất 2 cơ sở y tế ở đây.

 

Ông ấy là “người rất trung kiên, chăm chỉ và cũng rất kín đáo”, Johnna Marx, giám đốc điều hành của cơ sở y tế Golden Living Center-Blue Ridge Mountain ngoại ô Harrisburg cho hay.

 

Theo Mumbere, ông chọn ngành đào tạo là hộ lý bởi công việc này “ổn định hơn. Những việc khác rất dễ bị sa thải”.

 

Tuy nhiên, sống ở Mỹ “rất vất vả”, ông nói. “Đôi khi bạn phải làm 2 việc. Bạn phải tới trường vào buổi sáng, từ 8h sáng tới 12h trưa. Rồi bạn chuẩn bị đi làm vào 3h chiều, trở về nhà lúc 11h tối”.

 

Hiện Mumbere đã có thẻ xanh tại Mỹ, con trai, con gái ông sống ở Harrisburg. Nhưng ông không bao giờ quên được những người ở quê nhà. Khi chính phủ Uganda quyết định phục hồi các vương quốc truyền thống, ông Mumbere đã nỗ lực hết mình vận động cho vương quốc Rwenzururu.

 

Sau 10 năm đàm phán, hồi tháng 8 vừa qua Tổng thống Museveni tuyên bố chính phủ công nhận vương quốc Rwenzururu là vương quốc thứ bảy của Uganda. Sự công nhận của chính phủ không cho các vương quốc quyền hành pháp nhưng cho phép họ được quyết định những vấn đề văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến người dân của họ.

 

Phan Anh

Theo AP