1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

2 ngày “ngập trong sáng tạo” trên đất Thụy Điển

Chuyện về chiếc hộp nhỏ xíu biết kể chuyện

(Dân trí) - Chiếc hộp đã theo chân chúng tôi, đoàn các nhà báo đến từ 5 nước, gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore, Brazil và Kazakhstan, trong suốt 2 ngày làm việc tại Stockholm, Thụy Điển vào trung tuần tháng 3 vừa qua.



Chuyện về chiếc hộp nhỏ xíu biết kể chuyện

Phóng viên Indonesia với "chiếc hộp kể chuyện" 2 ngày làm việc của chúng tôi được cài trên dây đeo túi xách.

Chúng tôi đến Stockholm với tâm thế tìm hiểu về những sáng tạo, đổi mới hiện nay tại đất nước có vẻn vẹn hơn 9 triệu dân, tức chiếm 0,14% dân số, nhưng lại có thứ hạng cao trong bản đồ xếp hạng của thế giới: đứng thứ bảy thế giới xét về thu nhập bình quân đầu người (hơn 57.000USD/người/nằm) dựa trên dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF năm 2013; đứng thứ bảy trong Chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2013; nước cạnh tranh thứ tư thế giới theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2012, đứng thứ nhất trong tổng số 130 nước về Chỉ số khả năng sáng tạo, đổi mới; đứng thứ nhất trong Chỉ số sáng tạo của Liên minh châu Âu, do Ủy ban châu Âu đánh giá..

Chiếc hộp có tên gọi “Narrative Clip” (Clip tường thuật), thực chất là một chiếc máy chụp ảnh tự động 30 giây/hình, với độ nét 5 megapixel.

Chúng tôi lần lượt thay nhau đeo chiếc hộp để ghi lại toàn bộ 2 ngày của chúng tôi ở Stockholm. Người thì đeo nó trên ve áo, cổ áo, người đeo trên khăn quàng cổ, người cài vào dây chuyền, người cài trên dây đeo túi xách. Trong thời đại có vẻ như ai ai cũng thích chụp hình, đoàn chúng tôi cũng không cưỡng lại được sự hấp dẫn của món “đồ chơi” mới lạ này.

Một số người dân ở Stockholm nói rằng chúng tôi đã may mắn khi gặp được tuyết rơi vào thời gian này trong năm. Nhưng quả đúng là may mắn, ít nhất là đối với những người sống ở đất nước nhiều nắng nóng như Việt Nam, Indonesia, Singapore hay Brazil. Được thời tiết “ủng hộ”, một số phấn khích lôi người đeo “hộp kể chuyện” ra công viên ngập trắng tuyết để tạo dáng, hay bốc những nắm tuyết to trên đường để được lưu giữ hình ảnh mà họ cho rằng nhiều năm mới gặp một lần. Để chụp được một khoảnh khắc nhất định, chỉ cần gõ gõ nhẹ lên “chiếc hộp”.

Chiếc hộp nhỏ biết kể chuyện bằng hình ảnh này cũng là minh chứng cho vì sao Thụy Điển đã phát triển lại càng phát triển. Và theo như ông Jan Sandred, giám đốc dự án của VINNOVA (Cơ quan Các hệ thống sáng tạo chính phủ Thụy Điển) là bởi họ “không ngủ quên trên chiến thắng” và “không ngồi lại để nghỉ ngơi”. VINNOVA là cơ quan chính phủ phát triển khả năng sáng tạo, đổi mới của Thụy Điển, mà việc làm cụ thể của họ là thúc đẩy, hỗ trợ cho các dự án sáng tạo, đổi mới như “chiếc hộp biết kể chuyện”.

Sarah Massengale, Giám đốc cộng đồng của công ty Narrative, cho biết, công ty mới được thành lập chưa đầy 2 năm qua và “con đẻ” của họ mới được thai nghén từ năm 2011, khi một trong 6 người sáng lập trẻ tuổi mong muốn có thể ghi nhớ được càng nhiều giây phút trong cuộc sống càng tốt. Mong muốn này xuất phát từ hoàn cảnh bản thân, do cha, mẹ người sáng lập này đã qua đời từ khi anh còn nhỏ và anh không có cơ hội chụp nhiều ảnh lưu giữ về họ. Đây chính là động lực để anh tìm tòi, phát triển sản phẩm có thể tự động lưu giữ được càng nhiều giây phút quý báu trong cuộc đời càng tốt.

Sarah Massengale với chiếc điện thoại có hình ảnh về 2 ngày của chúng tôi tại Stockholm.

Sarah Massengale với chiếc điện thoại có hình ảnh về 2 ngày của chúng tôi tại Stockholm.

Trong suốt 2 ngày, chiếc hộp nhỏ xíu theo chân chúng tôi có thể lưu giữ tới 4.000 bức ảnh mà không cần phải xạc pin. Sau đó, chúng tôi sao các bức ảnh vào máy tính rồi tải toàn bộ ảnh lên ứng dụng viết cho “Narrative Clip”. Chúng tôi cũng có thểm xem lại hình trên điện thoại (Iphone hoặc Android).

Chiếc hộp nhỏ cũng được gắn định vị GPS, nên nơi nào chúng tôi đi qua cũng được lưu lại cụ thể. Do tất cả chúng tôi đều lần đầu tiên đến Thụy Điển, nên chỉ cần nhìn lại các bức ảnh, chúng tôi có thể biết chính xác đã đi qua những đâu, đã dừng chân chụp ảnh ở công viên nào, tạo dáng trên cây cầu cổ kính nào, hay đã ghé qua nhà hàng nào trong buổi tối đầu tiên ở đất nước Thụy Điển. Chúng tôi cũng có thể xem lại toàn bộ hình ảnh ở dạng video theo trình tự thời gian.

Có phóng viên trong đoàn đã ngay lập tức chia sẻ hình ảnh chúng tôi ăn trưa ở Bảo tàng Nobel với chiếc ghế có chữ ký của Obama được treo ngay trên đầu lên facebook để “khoe” với cô con gái yêu ở nhà.

Cũng theo Sarah Massengale, mặc dù giữa tháng 4 tới “chiếc hộp biết kể chuyện” mới chính thức được đưa ra thương mại hóa, nhưng hàng ngàn sản phẩm đã được người dùng ở Thụy Điển và nhiều nước khác ưa chuộng. Có người đã mua về đeo lên cổ vật cưng như chó, mèo, để ghi lại hình ảnh trong cuộc sống thường ngày của nó.

Sarah cũng hé lộ , trong tương lai, Narrative còn tiếp tục phát triển phần mềm, phần cứng và ứng dụng thêm cho “chiếc hộp” và cũng có thể họ sẽ phát triển một chiếc hộp tương tự, nhưng không phải kể chuyện bằng ảnh, mà bằng video.

Bà Inger Envall, Giám đốc dự án, Đơn vị tổ chức sự kiện của INNOVA, cho biết “chiếc hộp biết kể chuyện” cũng đã chu du khắp thế giới cùng với Triển lãm những sáng tạo Thụy Điển. Bà hi vọng Triển lãm cùng “chiếc hộp” có thể tới ở Việt Nam vào năm nay, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Vũ Quý