1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện Mỹ "mượn" máy bay của Liên Xô để nghiên cứu

Vào những năm 50 của thế kỷ XX, Trung tâm Tình báo kỹ thuật của Không quân Mỹ (ATIC) và CIA đã "mượn" 1 máy bay chiến đấu Yakov - 23 của Liên Xô để bay thử và đánh giá về tính năng, hiệu quả chiến đấu của loại máy bay này.

 Tháng 10/1953, một nhóm nhân viên tình báo của Nam Tư đã đến cơ quan tình báo của CIA tại nước này, thông báo rằng họ có thể cung cấp cho phía Mỹ 1 chiếc máy bay chiến đấu kiểu mới mà Liên Xô vừa nghiên cứu, chế tạo.

 

Chiếc máy bay Liên Xô mang tên Yakov - 23 đang được cất giữ trong một côngtenơ lớn, trên tàu hỏa ở Nam Tư. Nhân viên tình báo Nam Tư còn gợi ý rằng, họ có thể cho nước Mỹ tạm thời “mượn” chiếc máy bay này trong một thời gian ngắn để  nghiên cứu và bay thử, sau đó sẽ đưa nó trở lại vị trí cũ để vận chuyển sang Rumania.

 

Gợi ý này của phía Nam Tư đã giúp CIA hình thành một kế hoạch tuyệt mật để đánh cắp tạm thời máy bay của Liên Xô, mang mật danh “Kế hoạch Alpha”.

 

Ngay sau khi thống nhất kế hoạch với phía Nam Tư, tháng 11/1953, Không quân Mỹ đã lệnh cho một máy bay vận tải C-124 từ căn cứ Patterson ở bang Ohio bay qua Munich, Đức rồi bay đến địa điểm quy định ở Nam Tư. Chiếc C-124 này đã mang theo chiếc máy bay chiến đấu Yakov - 23 của Liên Xô được tháo rời và cả 3 nhân viên tình báo của Nam Tư. Tới căn cứ của Mỹ, nó nhanh chóng được lắp ráp lại hoàn chỉnh.

 

Ngay sau đó, Herman - phụ trách “Kế hoạch Alpha” đã triệu tập 2 phi công đến giao nhiệm vụ tiến hành bay thử.

 

Đúng vào đêm 4/11/1953, máy bay Yakov - 23 đã được Không quân Mỹ tiến hành bay thử lần đầu tại căn cứ Patterson.

 

Trong quá trình bay thử, Không quân Mỹ đã sử dụng loại sơn màu đặc biệt để ngụy trang cho máy bay phù hợp với màu sơn và kiểu dáng của máy bay Mỹ.

 

Để phòng ngừa một số người hiếu kỳ hỏi thăm đó là loại máy bay gì những người lập ra "kế hoạch Alpha" đã có sẵn lập luận: đó là máy bay thử nghiệm X-5 của Mỹ, bởi cấu tạo của máy bay Yakov - 23 và X-5 tương đối giống nhau. Chiếc máy bay được bay khoảng 8 lần và lần cuối cùng vào ngày 25/11/1953.

 

Sau chuyến bay này, các thợ kỹ thuật và chuyên gia của căn cứ Không quân Mỹ đã phủ lên nó một tấm bạt đen và bí mật tiến hành tháo lắp như hiện trạng ban đầu để đưa vào chiếc côngtenơ cũ. Cuối cùng, chiếc côngtenơ được đưa lên chiếc máy bay vận tải C-124 có số hiệu 0097 quay trở về Nam Tư.

 

Xong nhiệm vụ, chiếc C-24 được lệnh không bay thẳng về căn cứ Patterson, mà bay qua sân bay Orly, cách trung tâm thủ đô Paris về phía nam 14 km, sau đó mới bay về Mỹ.

 

Trong giai đoạn đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, giữa Nam Tư và Mỹ đã tiến hành thỏa thuận ngầm về một kế hoạch hợp tác an ninh, quân sự. Chính phủ Nam Tư cho rằng, chỉ có thể dựa vào phương Tây, đặc biệt là có sự ủng hộ của Mỹ thì mới có thể có được địa vị tương xứng trên thế giới. Còn Mỹ cũng đang tìm cơ hội chia rẽ khối Vacsava để có một điểm đứng trên bán đảo Balkan.

 

Việc Nam Tư cho Mỹ “mượn” máy bay Yakov - 23, mặc dù chỉ là tạm thời, nhưng vẫn là nhằm mục đích củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa họ.

 

Tuy về mặt kỹ thuật và tính năng, tác dụng máy bay Yakov - 23 không phải là hiện đại nhất lúc bấy giờ, nhưng nó là loại máy bay chiến đấu của Liên Xô cung cấp cho nhiều nước thuộc khối Vacsava sử dụng, vì vậy đối với Trung tâm Tình báo kỹ thuật Không quân Mỹ và Không quân Mỹ, được “mượn” máy bay để nghiên cứu, bay thử, là một thuận lợi nhằm chống lại không quân Liên Xô

 

Theo Thanh Trung

An ninh thế giới/Thời báo Hoàn cầu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm