1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện lạ về một gia đình người lùn Do Thái

Chuyện về gia đình lùn may mắn thoát chết trong trại tập trung của phát xít Đức, vì tên “bác sĩ tử thần” Josef Mengele muốn dùng họ làm vật thí nghiệm là một trong những câu chuyện kỳ lạ nhất Thế chiến II.

Chuyện bắt đầu ở làng Rozavlea, vùng Transylvania (Hungary), nơi người Do Thái chiếm 20% dân số, từ những năm đầu thế kỷ 20. Một người lùn tên là Samson Ovitz kết hôn với người phụ nữ có thể hình bình thường là Blance.

 

Bà Blance sinh cho ông Samson 2 cô con gái lùn trước khi mất ở tuổi 26. Ông Samson tái hôn với bà Bertha cũng có thể hình bình thường. Bà Bertha sinh cho ông thêm 8 đứa con, trong đó có 5 người lùn.

 

Ông Samson chết vì ngộ độc thức ăn năm 46 tuổi và một mình bà Bertha phải nuôi 10 đứa con. Bà phát hiện ra năng khiếu đặc biệt về các môn nghệ thuật biểu diễn của các con và gửi tất cả tới trường nhạc.

 

Gia đình những người lùn thành lập một nhóm nhạc lấy lên là Lilliput vào đầu những năm 1930. Các nghệ sĩ lùn chơi các nhạc cụ nhỏ, mặc quần áo tự may và có một chiếc ô tô để đưa gia đình đi biểu diễn.

 

Nhóm nhạc gia đình này có thể hát được nhiều thứ tiếng từ tiếng Iđít (tiếng Đức cổ của người Do Thái), tiếng Hungary, Rumania tới tiếng Nga và cả tiếng Đức... Ngoài khả năng ca hát, nhảy múa, chơi các nhạc cụ, nhóm Lilliput còn biểu diễn những vở kịch trào phúng ngắn.

 

Từ làng Rozavlea, nhóm Lilliput của những người lùn nhanh chóng trở nên nổi tiếng qua các chuyến biểu diễn tại nhiều nước Đông Âu.

 

Tháng 3/1944, phát xít Đức bắt đầu chiếm Hungary và không lâu sau, gia đình những người lùn Do Thái bị tống vào xe đưa đến trại tập trung Auschwitz. Anh Leon, có thể hình bình thường trong gia đình những người lùn, đã cố trốn bằng cách sử dụng giấy tờ giả. Một người hàng xóm báo cho lính phát xít biết việc này nên anh Leon bị xử tử cùng vợ. Còn cô con gái nhỏ của họ sau này bị nhiễm khí độc ở trại tập trung Auschwitz.

 

Khi gia đình những người lùn bị đưa đến trại tập trung Auschwitz vào một buổi sáng tháng 5/1944, trời vẫn còn tối. Họ vừa trải qua cuộc hành trình khủng khiếp từ Hungary trên chiếc xe tải hôi hám.

 

Lính phát xít trong trại tập trung nhanh chóng vây kín họ. Lúc đầu chúng tỏ ra ngạc nhiên với gia đình 9 anh chị em này nhưng sau đó chế nhạo họ là “những quái vật Do Thái”.

 

Bà Perla Ovitz, người trẻ nhất và sống lâu nhất trong gia đình những người lùn kể, khi nhìn thấy khói bốc lên từ ống khói gần đó, bà đã vô tư hỏi rất to rằng: “Cái đó nghĩa là gì nhỉ?” Một người đàn ông mặc bộ đồ trong trại tập trung giải thích cho họ hiểu rằng, Auschwitz chính là địa ngục của người Do Thái và tất cả sẽ sớm chấm hết ở đây.

 

Một tiếng sau khi đến trại tập trung, gia đình những người lùn bị buộc phải lột bỏ mọi thứ trên người, nhưng đến lúc đó họ vẫn nghĩ đơn giản phải làm điều này để chuẩn bị tắm.

 

Cuốn sách vừa xuất bản “In our hearts we were giants...” (Trong trái tim, chúng tôi là những người khổng lồ) của Vera Laska và Eilat Negev, ĐH Massachusetts (Mỹ) cho biết thêm nhiều thông tin về số phận của những người Do Thái có hình thể thấp bé này.

Bà Perla kể: “Cánh cửa sắt nặng nề đóng sầm lại phía sau chúng tôi. Tôi nhìn lên và tự hỏi sao không có vòi nước. Đột nhiên, chúng tôi ngửi thấy mùi gas. Chúng tôi cố thở và một người đã gục xuống. Còn chút sức lực tôi oà lên khóc. Ngay sau đó tôi nghe thấy tiếng quát to ngoài cửa: “Gia đình lùn của tôi ở đâu?”. Cửa mở và một tên lính kéo chúng tôi ra ngoài sau đó dội nước lạnh lên người chúng tôi”.

 

7 người lùn và 2 người bình thường trong gia đình này được uống sữa để làm ói gas độc trong người ra, trước khi được đắp chăn ấm. Sau đó, họ xếp hàng diễu qua trước mặt Josef Mengele, bác sĩ khét tiếng của phát xít Đức được biết đến với cái tên “Thần chết”.

 

Chỉ riêng Josef Mengele phải chịu trách nhiệm trước cái chết của khoảng 400.000 người Do Thái thông qua các cuộc thí nghiệm. Gia đình lùn được bố trí sống riêng một khu và được hưởng những ưu tiên đặc biệt so với những tù nhân khác trong trại tập trung. Họ không phải đứng hàng giờ giữa thời tiết giá lạnh, không phải cạo trọc đầu và ăn uống cũng khá hơn, có khi có cả cà phê, bánh mì...

 

Đổi lại, Josef Mengele tiêm các loại vi khuẩn vào người các anh chị em trong gia đình lùn, lấy máu của họ để nghiên cứu... Hắn ta tiêm cả hóa chất vào mắt của họ, có thể để thử nghiệm việc thay đổi màu mắt. Tai của họ có lần bị đổ đầy nước sôi hoặc nước đá lạnh ngắt mà không rõ lý do. Họ còn bị chọc kim vào bất kỳ chỗ nào trên cơ thể...

 

Bà Perla kể: “Mỗi ngày có 2 người bị lấy máu. Chúng tôi bị kiệt sức và hàng đêm luôn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Josef Mengele xuất hiện và muốn biết sau một đêm sức chịu đựng của chúng tôi thế nào để phục vụ cho cuộc thí nghiệm của hắn”.

 

Gã bác sĩ này khiến họ luôn phải chịu đau đớn, nhưng điều quan trọng là nhờ hắn ta đang cần họ để thí nghiệm nên họ không bị giết. Josef Mengele tin rằng, thông qua các cuộc nghiên cứu với 7 người lùn và 2 người bình thường trong cùng một gia đình này sẽ giúp hắn sớm tìm ra một giống người hoàn hảo. Josef Mengele còn làm một bộ phim ngắn về gia đình lùn và gửi cho trùm phát xít Hitler xem.

 

Một ngày Josef Mengele khiến họ ngạc nhiên. Họ được trang điểm, được xịt nước hoa và sau đó được đưa đến một căn phòng lớn, nơi có hàng trăm sĩ quan SS. Josef Mengele lên sân khấu giới thiệu nhóm nhạc Lilliput. Họ bắt đầu biểu diễn.

 

Đột nhiên, Josef Mengele hét to: “Lột hết quần áo của chúng ra!”. Sau đó hắn ta sử dụng một chiếc gậy dài, chỉ trỏ từng bộ phận trên cơ thể mỗi người cùng với lời giải thích về những phát hiện mới qua thí nghiệm. Bà Perla kể: “Chúng tôi đứng như trời trồng, mắt nhìn xuống sàn”...

 

Trước sự sụp đổ của quân phát xít Đức, ngày 17/1/1945, Josef Mengele chất tài liệu lên xe riêng của hắn và trốn khỏi trại tập trung. 10 ngày sau, Hồng quân Liên Xô giải phóng cho trại tập trung với gần 5.800 người, trong đó có gia đình những người lùn.

 

Sau những ngày tháng kỳ lạ và khủng khiếp trên, gia đình những người lùn trở về quê hương ở làng Rozavlea vào tháng 8/1945. Có 650 người Do Thái trong ngôi làng này bị bắt đi, nhưng chỉ 50 người trở về.

 

Năm 1949 họ chuyển đến định cư ở Haifa (Israel). Tại đây gia đình lùn tiếp tục các buổi trình diễn tới năm 1955 mới chấm dứt. Từ số tiền dành dụm, họ mua 2 rạp hát, 1 hiệu cà phê và 1 căn nhà lớn.

 

Hầu hết các thành viên trong gia đình qua đời vào những năm 1980 - 1990. Bà Perla, em út trong gia đình, mất năm 2001, thọ 81 tuổi.

 

“Bác sĩ tử thần” Josef Mengele chạy trốn pháp luật suốt phần đời còn lại và chết năm 1979 tại Brazil.

 

Theo Trí Đường

Tiền Phong