1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyện ít biết về chàng thanh niên Văn Ba ở Mỹ

(Dân trí) - Bài viết tiếp của Laura Lam về thời gian Bác Hồ ở Mỹ, nơi Người ấn tượng với Tuyên ngôn Độc lập, nơi sự thật về người da đen khiến Người sửng sốt, nơi Người phát hiện có những dân tộc đồng nỗi khổ với dân tộc mình ở Đông Dương.

Bài viết trên trang tiếng Anh của báo Điện tử Dân trí Dtinews tại đây.
 
“Chàng thanh niên bắt đầu dùng cái tên “Văn Ba” cho chuyến hành trình trên biển của mình. Trên tàu Đô đốc Latouche-Tréville, công việc của anh là lau rửa nhà bếp, bốc than, đun nước và khuân những thùng thịt, cá, rau và đá từ phòng ướp lạnh đến cho các nhân viên làm bếp. Có 800 người trên tàu. Trong bộ quần áo thủy thủ màu xanh, mỗi ngày, Văn Ba làm việc cần cù từ sáng sớm đến tối mịt. Quần áo và da anh phủ đầu bụi, khói và đẫm mồ hôi. Mỗi đêm về, Ba chỉ có thời gian rất ít để nghỉ ngơi, sau đó anh đọc và viết, cho đến đêm.

Mùa Thu năm 1911, sau một thời gian ngắn làm vườn tại thành phố Le Havre, Tây Bắc nước Pháp, Ba trở lại biển với hãng vận tải đường biển của Pháp Messageries để đi New York. Thời tiết ở Le Havre ngày càng lạnh và anh không đủ sức khỏe để làm công việc ngoài trời. Vẫn chưa rõ anh đã làm công việc gì trong chuyến đi biển lần này.

Chuyện ít biết về chàng thanh niên Văn Ba ở Mỹ - 1

Một tàu của Hãng vận tải đường biển của Pháp Messageries

Ba luôn luôn thận trọng, khéo léo và luôn tìm được cách thông minh để né tránh cơ quan chức năng nước ngoài. Anh dùng tên gì và khai báo thông tin gì cho cơ quan nhập cư Mỹ khi đến nước này vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời cho các sử gia quan tâm.

Ba từng một thời gian ngắn làm người giúp việc cho gia đình một người giàu có ở Brooklyn. Anh bị thành phố Boston cuốn hút và chẳng bao lâu sau đã tìm được công việc là người phụ giúp người làm bán tại khách sạn Parker House. Chẳng bao lâu sau, anh đã trở thành người làm bánh chuyên nghiệp.

Boston là một thành phố lịch sử và người dân ở đây tự hào về truyền thống văn chương nổi tiếng của thành phố. Parker House được xây dựng năm 1855 và trở thành nơi hội họp thường xuyên của các cây bút xuất sắc của nước Mỹ, trong số này có Emerson, Thoreau, Hawthorne và Longfellow. Thời kỳ này được xem là Thời đại Hoàng kim đối với nền văn học Mỹ.
 
Chuyện ít biết về chàng thanh niên Văn Ba ở Mỹ - 2


Bếp trưởng Văn Ba

Tác giả người Anh Charles Dickens thường đến thăm Parker House và trầm trồ trước vẻ tráng lệ của khách sạn rực rỡ nhất Boston này cũng như hương vị các món ăn được phục vụ ở đây. Parker House còn là nơi các thế hệ chính trị gia quốc gia và địa phương, trong đó có Ulysses Grant, Franklin Roosevelt, John F. Kennedy và Bill Clinton, họp các cuộc thảo luận riêng hay họp báo. Do Parker House gần khu vực nhà hát của Boston, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của thế kỷ thứ 19 đã coi đây như nhà của mình. Trong số này có Charlotte Cushman, Sarah Bernhardt, Edwin Booth, và anh trai của ông là John Wilkes Booth. Người ta đã nhìn thấy John Wilkes, nam diễn viên nổi tiếng, đang thực hành với khẩu súng lục gần khách sạn này ngay trước khi anh ta ám sát Tổng thống Abraham Lincoln.

Trong thế kỷ thứ 20, một loạt ngôi sao màn bạc và sân khấu kịch lẫy lừng – từ Joan Crawford, Judy Garland, và William Boyd, đến Adam ‘Batman’ West, Kelsey Grammer, và David Shiner, cũng coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình.

Bếp ăn của Parker House nổi tiếng với phong cách nấu ăn Mỹ. Khi Văn Ba là người làm bánh chính, anh sẽ làm loại bánh kinh điển của Parker House. Parker House cũng được tín nhiệm với món bánh kem Boston và bánh trứng đường với chanh tuyệt vời. Ba rất giỏi làm những món bánh này.

Chuyện ít biết về chàng thanh niên Văn Ba ở Mỹ - 3


Khách sạn Parker House ở Boston, nơi Văn Ba từng làm việc

Khi sống ở Boston, Ba thường đi tàu đến Harlem, một khu dân cư chính của người Mỹ gốc Phi ở New York. Anh đã tham dự những cuộc họp do Marcus Garvey, người Mỹ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo phong trào chính trị chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tổ chức. Ba đã quan sát thái độ của đảng Ku Klux Klan (3K) và lấy làm kinh khiếp trước lòng căm thù và thái độ ngược đãi của người Mỹ đối với những người da đen. Đã nhìn thấy tượng Nữ thần Tự do ở bến cảng New York, nên sự thật này khiến Văn Ba sửng sốt và ấn tượng mãi về sau này. Anh đã viết về tình trạng phân biệt chủng tộc với tư cách là người chứng kiến bằng những chi tiết sâu sắc.

Ba cũng gặp một số người Triều Tiên theo chủ nghĩa dân tộc ở Boston và anh cảm thấy thông cảm nhất đối với họ. “Hiệp ước Sáp nhập Nhật-Triều” vẫn có hiệu lực ở Triều Tiên. Người Triều Tiên đang trải qua những đau khổ cùng cực. Với mưu toan triệt tiêu văn hóa Triều Tiên, nhà cầm quyền Nhật Bản khi đó đã buộc các gia đình ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này dùng tên họ Nhật Bản, ngôn ngữ Triều Tiên bị bài trừ khử một cách tàn nhẫn. Làn sóng kháng cự lan rộng dẫn đến phong trào chủ nghĩa dân tộc tháng 3/1919. Ba so sánh tình hình ở Triều Tiên với tình hình ở Đông Dương. Bài báo được đăng đầu tiên của anh về tình trạng này là “Indochine et Corée”, trên Le Populaire tháng 9/1919.

Từ Boston, Ba gửi bưu thiếp cho cụ Phan Chu Trinh, người đang sống lưu vong ở Paris. Ba cũng viết thư cho cha. Anh lo ngại sức khỏe của cha ngày càng kém đi. Khi Ba gặp lại một vị thuyền trưởng tại bến cảng New York, vị thuyền trưởng này đã đề nghị chuyển thư cho Ba, đến Khâm sứ ở Huế. Ba đã xin ông này cho lập một đường dây gửi tiền cho ngân hàng ở Đông Dương để gửi tiền cho cha. Ba không biết rằng chị gái mình đã bị bắt và cha anh không còn ở Huế. Cả hai hiện đang bị theo dõi vì tình nghi có những hoạt động bí mật chống lại chế độ thực dân Pháp.

Rất thích đọc sách, Ba đã dành nhiều thời gian tại phòng đọc của thư viện công cộng Boston gần khu phố Tàu Chinatown. Ba đọc về cuộc Cách mạnh Mỹ năm 1776 và ấn tượng sâu sắc với Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Khả năng tiếng Anh của Ba còn hạn chế, nhưng anh thông thạo tiếng Tàu và có thể hiểu các văn bản tiếng Anh với sự giúp đỡ của những người bạn Trung Quốc. Anh nghĩ người Mỹ đã tự giải phóng mình từ sự cai trị của Anh, vì vậy, sẽ thông cảm đối với người Việt Nam. Anh hy vọng Mỹ sẽ giúp Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập từ Pháp.

Văn Ba là người Việt Nam duy nhất ở Boston (khi đó). Anh hòa hợp với những người Trung Quốc, sống với họ và nói ngôn ngữ của họ. Anh cũng thích đến rạp chiếu phim với những người bạn Trung Quốc. Một số bộ phim câm mới được chiếu trong năm 1911 và 1912, một trong số này nói về cuộc Cách mạng Mỹ với tựa đề “Hand Across the Sea”.

Khách sạn Parker House được nâng cấp toàn diện vào những năm cuối thập niên 1920. Mặc dù thế hệ các nhân viên hiện nay không biết chi tiết về chàng thanh niên Văn Ba làm việc trong khu bếp của khách sạn gần một thế kỷ trước đây, nhưng họ cảm thấy tự hào là anh đã ở đây. Tất cả những khách thuê phòng ở đây cũng biết rằng Hồ Chí Minh đã là một phần trong lịch sử của khách sạn từ năm 1911 đến 1913.

Ý kiến bạn đọc:

Bruce Judson: “Nhiều năm trước, tôi đã đọc sách lịch sử về Việt Nam. Tôi biết mối liên hệ giữa Hồ Chí Minh và nước Mỹ cũng như hy vọng của ông rằng nước Mỹ sẽ giúp thống nhất Việt Nam. Tôi không biết về những năm đầu của ông ở Boston. Thật thú vị khi biết thêm những điều này.”
 
Hannah Howland: “Thật tuyệt khi biết về mối quan hệ của Hồ Chí Minh với Boston và đặc biệt là với khách sạn Parker House. Đây là một cánh cửa khám phá những năm đầu của Hồ Chí Minh mà tôi không biết.”
 
Laura Lam
(Việt Hà dịch)