1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia: Trung Quốc “nuốt lời hứa” ở Biển Đông

(Dân trí) - Chuyên gia về Biển Đông Richard Heydarian nhận định, Trung Quốc rõ ràng đã “nuốt lời hứa” không quân sự hóa Biển Đông mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp cựu Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào năm 2015.


Học giả Richard Heydarian trao đổi với báo chí bên lề hội thảo ngày 4/12 (Ảnh: An Bình)

Học giả Richard Heydarian trao đổi với báo chí bên lề hội thảo ngày 4/12 (Ảnh: An Bình)

Ông Richard Heydarian từ Đại học De La Salle (Philippines), người đã có nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông và từng viết 2 cuốn sách về chủ đề này, đã đưa ra các nhận định về tình hình khu vực trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông”, diễn ra tại Hà Nội ngày 4/12.

Đánh giá về các diễn biến trên Biển Đông gần đây, ông Heydarian nhận thấy tình hình khu vực khá phức tạp. “Vài năm trước khi nói tới Biển Đông, chúng ta nói về vạn lý tường thành bằng cát mà Trung Quốc bồi đắp trên biển. Nhưng điều chúng ta phải đối mặt hôm nay là vạn lý tường thành tên lửa”, học giả Philippines nói.

Ông Heydarian nhận định, rất đáng quan ngại khi năm nay Trung Quốc đã đưa các tên lửa tiên tiến, các vũ khí quân sự, các thiết bị điện tử, các hệ thống theo dõi tới Biển Đông. Điều này cho thấy Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm lời hứa không quân sự hóa Biển Đông khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào năm 2015.

Học giả trên nói, các hành động đó của Trung Quốc rõ ràng cũng vi phạm phán quyết hồi năm 2016 của Tòa trọng tài đối với vụ kiện của Philippines về yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông. Theo phán quyết, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc không có “quyền lịch sử” với các vùng biển ở Biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Tôi cho rằng rõ ràng là Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Mặc dù Trung Quốc giờ đây không mấy khi sử dụng cụm từ đường 9 đoạn vì nó vi phạm phán quyết của Tòa trọng tài nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa khu vực và đó là điều rất đáng lo ngại”, ông nói.

Ông Heydarian cho hay, một điều đáng ý trong năm qua là các nước lớn trên thế giới ngày càng quan tâm tới vấn đề Biển Đông. Giờ đây, không chỉ Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) mà nhiều nước khác như Australia, Anh, Pháp cũng đã làm điều đó.

Ông Heydarian cho biết, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đang kêu gọi Australia, Nhật Bản và Ấn Độ cùng tiến hành FONOP. Các nước cũng có thể thực hiện FONOP theo cách riêng của mình như Australia đã tiến hành các chuyến bay để khẳng định quyền tự do hàng hải. Nhật Bản đã điều tàu sân bay trực thăng tham gia tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông. Ông cho rằng các hành động phối hợp này đang cho Trung Quốc thấy rằng đây không phải vấn đề riêng giữa Trung Quốc với Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế.

“FONOP không nên chỉ do một quốc gia thực hiện. Cần phải tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra tự do hàng hải để đảm bảo rằng Biển Đông mở cửa cho tất cả mọi người, không một quốc gia nào có quyền riêng lẻ hạn chế quyền đi lại của các nước khác trong vùng biển này. Biển Đông không của riêng một nước nào. Việc bất kỳ nước nào quân sự hóa, triển khai các vũ khí, tên lửa tại khu vực tranh chấp là đi ngược với lợi ích hợp pháp của cộng đồng quốc tế”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Heydarian cho rằng chỉ FONOP là không đủ mà cần kết hợp nó với các hành động khác nữa. Ông cho rằng các nước lớn cần hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải và lực lược tuần duyên của các nước nhỏ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, kết hợp với việc gia tăng sức ép ngoại giao trên mọi mặt trận.

"Không để Trung Quốc gây sức ép trong đàm phán COC"

Trao đổi với báo chí, học giả Philippines cũng bày tỏ hi vọng rằng ASEAN có thể làm nhiều hơn trong việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để kiềm chế một cách hợp pháp các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Heydarian cũng bày tỏ lo ngại quá trình đàm phán bản dự thảo COC, mà Trung Quốc có thể gây sức ép lên các nước nhỏ hơn trong khu vực để đạt được một COC có lợi cho riêng mình. “Tôi nghĩ rằng thà không có COC còn hơn là có bộ COC như vậy”, ông nhấn mạnh.

Bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gần đây rằng Trung Quốc hy vọng các cuộc đàm phán về COC sẽ hoàn tất trong vòng 3 năm tới, ông Heydarian nghi ngờ rằng Trung Quốc đưa ra thời gian này là có chủ ý, vì sau 3 năm nữa cũng là thời điểm Philippines kết thúc vai trò điều phối viên quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Trung Quốc trong giai đoạn 2018-2021.

“Tôi cho rằng Trung Quốc tự tin là có thể gây sức ép với Philippines trong thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Duterte. Philippines đã chuyển hướng nghiêng về Trung Quốc, thay vì Mỹ, kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền. Tôi hi vọng rằng với tư cách là điều phối viên, Philippines không hành động giống như những gì Tổng thống Duterte nói, mà phải thể hiện quan điểm của cả chính phủ. Tôi nhận thấy có sự khác biệt lớn về quan điểm giữa điều ông Duterte nói và điều chính phủ Philippines muốn”, ông Heydarian cho hay.

Học giả Philippines cũng lưu ý rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng và quân sự hóa Biển Đông trong khi đang đàm phán về COC. Ông cho rằng điều rất cần thiết là một khi đang đàm phán thì các bên phải ngừng ngay các hoạt động xây dựng, quân sự hóa.

“Làm thế nào để chúng ta có thể đàm phán với vị thế đúng đắn và một cách công bằng khi họ thay đổi thực địa hàng ngày?”, ông đặt câu hỏi.

Cuối cùng, ông Heydarian nhấn mạnh rằng cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phải bằng con đường ngoại giao chứ không phải bằng đổ máu hay chiến tranh. Ông cho rằng các nước cần gây sức ép đủ lớn để Trung Quốc không có cách nào khác là phải lùi lại một bước.

Ông Heydarian nói giống như cách thức Mỹ đang thực hiện cuộc chiến thương mại với Mỹ, các nước cần mạnh mẽ và cứng rắn với Trung Quốc mới có tác dụng.

Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Takashi Hosoda, từ Đại học Charles tại Praha, Cộng hòa Séc cũng nhấn mạnh tới sự ủng hộ ngày càng tăng của các nước lớn, đặc biệt từ châu Âu, về các vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, ông tỏ ra quan ngại về các căng thẳng leo thang và nguy cơ xảy ra các vụ va chạm trong khu vực, vì vậy ông cho rằng cần có các cơ chế thích hợp để ngăn chặn điều đó.

Bình luận về phát biểu của Thủ tướng Singapore gần đây về việc lo ngại rằng Đông Nam Á có thể phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Hosoda nói ASEAN không nên nghiêng về bên nào mà cần duy trì tính trung tâm và sự đoàn kết. Ông cho rằng ngoài FONOP, các nước lớn cần gây sức ép thêm đối với Trung Quốc về mặt trận kinh tế và trợ giúp các quốc gia ASEAN nhằm tăng cường năng lực hàng hải.

An Bình