1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nhận định về căng thẳng nghiêm trọng xuyên eo biển Đài Loan

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc Trung Quốc triển khai gần 150 máy bay áp sát Đài Loan trong vài ngày qua đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột ở eo biển này.

Chuyên gia nhận định về căng thẳng nghiêm trọng xuyên eo biển Đài Loan - 1

Máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Trung Quốc đã xuất kích gần 150 máy bay áp sát Đài Loan trong những ngày gần đây. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm gây sức ép lên hòn đảo bằng cách phô diễn sức mạnh.

Sự xuất hiện của hàng loạt máy bay quân sự Trung Quốc, trong đó có máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay chống ngầm, buộc lực lượng phòng vệ Đài Loan phải điều động máy bay quân sự để đáp trả. Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến leo thang căng thẳng, thậm chí xung đột giữa hai bên.

Người đứng đầu lực lượng phòng vệ Đài Loan Chiu Kuo-cheng ngày 6/10 nhận định, tình hình hiện nay tại eo biển Đài Loan đang ở trong tình trạng nghiêm trọng nhất trong 40 năm. Bình luận của ông Chiu được đưa ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cảnh báo "hậu quả thảm khốc" nếu Đài Loan rơi vào tay Bắc Kinh. Bà Thái cũng nhấn mạnh rằng, Đài Loan sẽ làm bất cứ điều gì để tự vệ nếu nền dân chủ bị đe dọa.

Các vụ áp sát Đài Loan của máy bay quân sự Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trong khu vực, cùng với đó là sự hiện diện hải quân ngày càng tăng của Mỹ và các nước phương Tây ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Số chuyến bay quân sự kỷ lục của Trung Quốc gần Đài Loan trong tuần qua cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị gia tăng sức ép đối với giới lãnh đạo Đài Loan.

Song Yu-Ning, biên tập viên cấp cao của tạp chí Defense International, cho rằng các hoạt động quân sự của Trung Quốc nhằm gây áp lực lên Đài Bắc.

"Chúng ta không biết lý do đằng sau hoạt động đó, nhưng cường độ diễn tập quân sự có thể làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh", ông nói, đồng thời cảnh báo Đài Loan nên cẩn trọng trước các hành động gây sức ép của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, nguy cơ căng thẳng vượt tầm kiểm soát hiện vẫn ở mức thấp.

"Chúng ta không nên chỉ tập trung vào số lượng máy bay, mà còn phải chú ý tới loại máy bay chiến đấu được triển khai", Lin Ying-yu, chuyên gia về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Sun Yat-sen, nói.

Theo chuyên gia Lin, nếu quân đội Trung Quốc điều động KJ-500, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không thế hệ thứ ba, đến vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đó có thể là động thái "đáng báo động", nhưng vẫn chưa đủ để kết luận liệu Trung Quốc có tấn công Đài Loan hay không.

Wen-Ti Sung, giảng viên nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Trung Quốc hiện không có khả năng quân sự cũng như ý chí chính trị để phát động một cuộc tấn công quân sự toàn diện nhằm vào Đài Loan. Ông nhận định Đài Loan là vấn đề quan trọng, nhưng không phải là vấn đề cấp bách đối với Trung Quốc, đồng thời cho biết ban lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề trong nước.

"Ngoài ra, mục tiêu "thịnh vượng chung" về kinh tế cũng là một ưu tiên (của Trung Quốc)", ông Sung nói.

Theo chuyên gia Sung, điều quan trọng hơn đối với Trung Quốc hiện nay là kiên nhẫn về mặt chiến lược và đợi cho đến khi cán cân quân sự có lợi hơn cho Bắc Kinh. Khi đó, Trung Quốc mới có thể xem xét phương án thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Chuyên gia Lin cũng tin rằng, phát động chiến tranh là lựa chọn cuối cùng của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh việc định hình quan điểm của Đài Loan về Trung Quốc và thống nhất hòn đảo một cách hòa bình là lựa chọn ưu tiên của Bắc Kinh.

Bất chấp lo ngại về nguy cơ leo thang quân sự giữa hai bên, người dân Đài Loan dường như không quá lo lắng về tình hình hiện nay. Người dân Đài Loan đã quen với việc Trung Quốc tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực lân cận hòn đảo kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức hồi năm 2016.