1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia Mỹ: Triều Tiên có thể tự chế thiết bị bom hạt nhân chủ chốt

(Dân trí) - Các nhà khoa học Triều Tiên hiện đủ khả năng chế tạo các thiết bị chủ chốt tạo ra bom hạt nhân sử dụng uranium, khiến nước này không còn lệ thuộc vào thiết bị nhập khẩu, các chuyên gia Mỹ nhận định.

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn đang là vấn đề thời sự trên bán đảo Triều Tiên
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn đang là vấn đề thời sự trên bán đảo Triều Tiên

Các chuyên gia cho rằng, dựa trên những tài liệu khoa học được xuất bản tại Triều Tiên và thông tin từ truyền thông cho thấy, Bình Nhưỡng đang làm chủ quá trình sản xuất các thiết bị chủ chốt của các máy li tâm khí, cần thiết để chế tạo bom hạt nhân.

Diễn biến này càng khiến các nỗ lực buộc Triều Tiên ngừng chương trình bom hạt nhân thêm khó khăn. Thời gian qua, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, nước này vẫn tuyên bố sẽ mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân.

Theo chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân Joshua Pollack đến từ Washington, nếu Bình Nhưỡng có thể tự sản xuất các thiết bị chủ chốt của máy li tâm, các nước khác không thể theo dõi việc nhập khẩu các thiết bị nhạy cảm của Triều Tiên.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các chính sách dựa trên kiểm soát xuất khẩu, cấm vận và ngăn chặn mà cộng đồng quốc tế vẫn đang sử dụng bị vô hiệu hóa. Suốt thập kỷ qua, đây vẫn là trọng tâm trong các nỗ lực buộc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân. Nhận định trên dự kiến sẽ được ông Pollack đưa ra trong một hội nghị chuyên đề tại Seoul vào ngày mai (25/9).

“Nếu ngay từ đầu họ không còn nhập khẩu loại hàng hóa này, chúng ta sẽ không thể bắt quả tang họ”, ông Pollack khẳng định với hãng tin AP. Ông là người thu thập các bằng chứng cùng với chuyên gia về công nghệ li tâm Scott Kemp, đến từ Viện công nghệ Massachusetts. “Chúng ta khó có thể biết được điều gì ngoài những việc Triều Tiên muốn chúng ta thấy”.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên được Washington quan tâm đặc biệt bởi Bình Nhưỡng có ý định chế tạo những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới bờ biển Mỹ. Từ năm 2006 đến nay, nước này đã thực hiện 3 vụ thử hạt nhân với uy lực tăng dần.

Gần đây nhất, hồi tháng 2 vừa qua, Bình Nhưỡng được cho là đã có trong tay một số quả bom chế tạo từ plutonium dạng thô. Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng vẫn chưa làm chủ công nghệ thu nhỏ, để gắn một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa.

Nhiên liệu cho các quả bom plutonium của Triều Tiên được tạo ra tại một lò phản ứng lớn và dễ bị theo dõi. Nhưng các vũ khí uranium thì khó bị phát hiện hơn bởi các thiết bị li tâm sử dụng cho quá trình làm giàu uranium có thể dễ dàng bị che giấu khỏi các vệ tinh do thám và thanh sát viên.

Thông tin từ báo giới và tài liệu công khai của Bình Nhưỡng cho thấy họ đã nhập một lượng lớn thiết bị li tâm đầu những năm 2000, Pollack khẳng định. Nhưng kể từ đó đến nay, nước này hầu như không còn nhập khẩu. Điều này cho thấy Triều Tiên đang tự chế tạo được những thiết bị quan trọng đó. Chuyên gia này nhận định, có vẻ Triều Tiên đã làm chủ công nghệ sản xuất các thiệt bị then chốt từ khoảng năm 2009 trở về đây.

Pollack cho biết ông và Kemp đã tìm thấy “những bằng chứng mạnh mẽ và rõ ràng” từ các bức ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải, chụp bên trong các xưởng có các máy tiện đặc biệt, có thể tạo ra các ống kim loại rất cứng, vốn cần thiết cho các máy li tâm.

Ông cũng đề cập đến các tài liệu tuyên truyền và tạp chí công nghệ về sắt, thép của Triều Tiên cho thấy nước này có thể tạo ra các hợp kim thép siêu cứng, có thể chịu được tốc độ xoay cao trong các máy li tâm, cho dù bước cuối cùng trong tiến trình này chưa được mô tả.

Pollack khẳng định nghiên cứu của họ cũng tìm thấy các báo cáo khoa học và công bố bản quyền, mô tả các nghiên cứu về công nghệ sản xuất các thiết bị li tâm chủ chốt. Trong số đó có các máy bơm chân không giúp hút không khí khỏi máy li tâm và ống, trước khi các khí gas mang uranium được đưa vào, cùng các thiết bị điện tử kiểm soát tốc độ động cơ điện ở dưới của mỗi máy li tâm.

Thanh Tùng
Theo AP