1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Anh dự đoán tương lai Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia Mike Tildesley cho biết làn sóng Omicron đang hạ nhiệt và Anh có thể đối phó với Covid-19 như một dạng cúm mùa trong tương lai.

Chuyên gia Anh dự đoán tương lai Covid-19 - 1

Làn sóng Omicron được cho là đang hạ nhiệt tại Anh (Ảnh: PA).

Giáo sư Mike Tildesley tại Đại học Warwick, thành viên của Nhóm khoa học về mô hình đại dịch cúm (Spi-M), cho rằng các số liệu mới nhất về số ca mắc Covid-19 tại Anh là "tin tốt" và ông hy vọng nước này có thể ứng phó với Covid-19 như một dạng "cúm mùa" vào cuối năm nay.

Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca mắc Covid-19 giảm 38% trong 7 ngày tại Vương quốc Anh, tính đến ngày 16/1. Ông Tildesley tin rằng làn sóng Omicron đang hạ nhiệt.

Giáo sư Tildesley nói với BBC Breakfast rằng "số ca nhiễm mới có vẻ đang giảm trên toàn quốc".

"Anh từng ghi nhận số ca nhiễm rất lớn vào cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022, có lúc lên đến đỉnh điểm 200.000 ca. Hiện tại, tỷ lệ nhập viện vẫn tương đối cao, nhưng có một số bằng chứng cho thấy tỷ lệ này đang ổn định hoặc có thể đang giảm ở London. Đây là một tin vui, nhưng cần thận trọng", chuyên gia Tildesley nói thêm.

Giáo sư Tildesley kỳ vọng Anh sẽ có cách ứng phó khác với Covid-19 vào cuối năm nay.

"Giả sử chúng ta đạt đến thời điểm mà virus trở nên rất nhẹ và con người có thể sống chung với nó. Chúng ta vẫn chưa đến viễn cảnh đó, nhưng hy vọng nó sẽ diễn ra trong năm nay. Chúng ta không chỉ nói về số ca nhiễm, mà còn số ca nhập viện và số người chết vì dịch bệnh. Nếu những con số đó càng thấp, các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ và chúng ta có thể sống chung với virus", ông Tildesley nói.

Theo giáo sư Tildesley, các biến chủng mới của virus có xu hướng dễ lây lan hơn nhưng "nhìn chung cũng nhẹ hơn".

"Vì vậy, tôi hy vọng trong năm nay và năm tới, chúng ta sẽ chỉ đối phó với các phiên bản nhẹ hơn của Covid-19 và đối phó với đại dịch như một dạng cúm mùa. Khi đó, chúng ta có thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương ngay cả khi thời tiết lạnh hơn mà không cần áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế", giáo sư Tildesley nhấn mạnh.

Hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới vẫn đang chật vật đối phó với đợt bùng phát mới do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Biến chủng Omicron được phát hiện hồi cuối năm 2021 đang khiến số ca nhiễm mới ở nhiều nơi trên thế giới tăng đột biến, kéo theo thách thức lớn cho hệ thống y tế.

Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng, mặc dù có khả năng lây lan cao hơn, nhưng Omicron dường như gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng khác của SARS-CoV-2. Vì Omicron dường như ít có nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, nên sự xuất hiện của biến chủng này đã làm dấy lên hy vọng rằng, đây sẽ là khởi đầu của xu hướng virus trở nên nhẹ hơn, như cúm thông thường.

Nhiều chuyên gia dự đoán, Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu trong thời gian tới. Một số nhà khoa học thậm chí tin rằng, Omicron có thể đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi, Mỹ và Anh cho thấy, các kháng thể được tạo ra trong quá trình nhiễm Omicron có thể bảo vệ con người khỏi Delta cũng như các biến chủng khác và Omicron có thể là loại "vaccine tự nhiên" đẩy lùi làn sóng dịch bệnh.

Đại diện của WHO tại Nga Melita Vujnovic ngày 16/1 cho biết, cách đại dịch Covid-19 phát triển cho thấy virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn, thay vào đó nó sẽ lưu hành như một bệnh đặc hữu. Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập hãng dược Moderna, Noubar Afeyan, cũng dự đoán "năm 2022 có thể là năm mà đại dịch bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào những gì xảy ra trên thực tế và các quyết định được đưa ra trên toàn thế giới".

Theo www.bloomberg.com