1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyến du hành đặc biệt đến Triều Tiên

CHDCND Triều Tiên cho đến nay còn xa lạ với nhiều người bởi có quá ít thông tin về đất nước này. Ít đến mức mỗi khi nhắc đến Triều Tiên, người ta chỉ nói về hồ sơ hạt nhân, nhưng Triều Tiên không chỉ là vậy.

Dominique Garret, một người Pháp sinh sống và làm việc tại Thượng Hải (Trung Quốc), đã ghi lại những gì anh chứng kiến và cảm nhận trong chuyến tham quan Triều Tiên.

 

Tháng 10/2003, tôi đến Triều Tiên trong chuyến du lịch theo tour một tuần. Với mật độ tham quan dày đặc, chuyến đi này lạ lùng ở mọi góc độ.

 

Tôi cảm thấy như quay lại các nước Đông Âu những năm 1960. Chúng tôi hẹn nhau ở sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) để làm quen với những người đi cùng trong nhóm và chuẩn bị các thứ liên quan đến visa và vé máy bay. Từ Bắc Kinh, chúng tôi phải qua Thẩm Dương rồi mới bay tới Bình Nhưỡng.

 

Năm người tham gia chuyến đi đều là người Tây Âu, trừ một thành viên Mỹ đi với hộ chiếu của Anh (người mang quốc tịch Mỹ không được phép vào thăm Triều Tiên).

 

Chúng tôi phải để lại điện thoại cho hãng lữ hành ở Bắc Kinh vì không được mang di động sang Triều Tiên.

 

Tại sân bay Thẩm Dương, tôi tranh thủ học gạo mấy câu tiếng Triều Tiên. Một người bạn từng sang đây khuyên tôi nên học thuộc vài câu kiểu như: “đồng chí tiếp viên”, “đả đảo đế quốc Mỹ”, “đế quốc Mỹ là kẻ thù chung của chúng ta" để lúc tiện thì dùng.

 

Chuyến du hành đặc biệt đến Triều Tiên - 1

 Máy bay IL 62 của CHDCND Triều Tiên do Liên Xô sản xuất tại sân bay Bắc Kinh - Ảnh: Stephen Codrington

 

Khi tới sân bay Thẩm Dương, tôi chú ý những người Triều Tiên đầu tiên tôi gặp, đều đeo chiếc huy hiệu chủ tịch Kim Nhật Thành trên ngực áo.

 

Sau này tôi mới nghe thông tin là tất cả đảng viên Đảng Lao động Triều Tiên đều đeo huy hiệu này và chỉ họ mới được phép ra nước ngoài. Theo tính toán và quan sát của cá nhân tôi, có lẽ phải hơn một nửa số người lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng là đảng viên Đảng Lao động Triều Tiên.

 

Chúng tôi đi bằng một chiếc máy bay Liên Xô cũ, sơn quốc kỳ của Triều Tiên ở đuôi. Nội thất bên trong khá duyên dáng và khác biệt với máy bay phương Tây. Chúg tôi là năm hành khách phương Tây trong số cả trăm khách Trung Quốc và vài người Triều Tiên.

 

Sau khi hành khách ổn định chỗ ngồi, người ta chia bánh kẹo và nhật báo Bình Nhưỡng cho chúng tôi. Tôi nhìn qua tờ Thời Báo Bình Nhưỡng in năm 1991 (Triều Tiên sử dụng lịch Juche, theo đó lịch bắt đầu tính từ năm sinh chủ tịch Kim Nhật Thành - 1912).

 

Mục mỗi ngày một sự kiện của báo viết về việc một tác phẩm của chủ tịch Kim Jong Il (con trai của cố chủ tịch Kim Nhật Thành) đã được dịch ra tiếng Romania và phát hành tại nước này.

 

Tôi lật những trang tiếp theo, đa số bài báo đều liên quan đến cuộc chiến Triều Tiên xảy ra cách nay hơn 50 năm. Trong chuyến bay, tôi chú ý tới các nữ tiếp viên, họ đẹp tuyệt vời. Tôi uống hết cốc rượu táo và trả nó bằng cách gọi “đồng chí tiếp viên” bằng tiếng Triều Tiên. Cô tiếp viên quay lại và đi về phía tôi, vẻ mặt và ánh mắt nhìn tôi thật trìu mến.

 

Chuyến du hành đặc biệt đến Triều Tiên - 2

 Không gian thanh vắng ở sân bay quốc tế Bình Nhưỡng - Ảnh: Stephen Codrington

 

Sau 50 phút bay, chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế Bình Nhưỡng nằm giữa thiên nhiên và cách biệt với thành phố. Ngay khi xuống máy bay, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là tấm chân dung cỡ lớn của chủ tịch Kim Nhật Thành.

 

Nhìn một lượt xung quanh, có hơn chục máy bay cỡ nhỏ của Hãng hàng không quốc gia Air Koryo đậu trong không gian thanh vắng của sân bay. Xe buýt nhanh chóng đưa chúng tôi vào chỗ làm thủ tục nhập cảnh. Không có một máy tính nào. Trong những cabin bằng gỗ, các cảnh sát Triều Tiên xem xét rất kỹ hộ chiếu trước khi đóng dấu lên visa và cho chúng tôi đi qua.

 

Thủ tục này diễn ra không vấn đề gì. Thủ tục hải quan mới đáng nói. Tôi là người cuối cùng qua kiểm tra trong số các hành khách phương Tây, bốn người kia làm thủ tục một cách đơn giản.

 

Mấy anh cảnh sát có vẻ như được trang bị hiện đại hơn đồng nghiệp làm thủ tục nhập cảnh nên dường như họ có thể nhìn thấy mọi thứ bên trong vali. Có cái gì làm họ chú ý thì họ sẽ mở ra xem.

 

Các nhân viên hải quan lấy máy ảnh của tôi. Biết rõ đó là vật bị cấm nhưng tôi cố gắng không thể hiện sự lo lắng. Tôi khá nhanh trí lôi từ balô ra một chiếc MP3 đời mới - vật hoàn toàn xa lạ với người Triều Tiên. Cái MP3 đã đánh lạc hướng sự chú ý của hải quan. “Dĩ nhiên đây là thứ các anh tìm”, tôi nói bằng tiếng Anh và họ không hiểu.

 

Mấy anh hải quan quên mất cái máy ảnh để chú tâm vào soi xét kỹ càng máy MP3 trước khi trả lại cho tôi. Kiểm tra xong cái máy, họ cho phép tôi sắp xếp lại và để tôi đi qua.

 

(Còn nữa)

Theo Nguyễn Văn Quân (Dịch)

 Tuổi Trẻ