1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chuyến công du đa cực của Chavez

Ngày 23/7, Tổng thống Venezuela Chavez đã tới Minsk, thủ đô Belarus. Đây là chặng dừng đầu tiên của chuyến công du nhiều nước gồm Belarus, Nga, Iran, Qatar, Việt Nam, Mali và có khả năng thêm một vài nước châu Phi nữa.

Phát biểu tại sân bay Minsk, ông Chavez tuyên bố quan điểm của hai tổng thống Belarus và Venezuela về những vấn đề quốc tế là tương đồng và ông cảm thấy như "đang ở giữa anh em, bè bạn".

 

Theo ông, Belarus đang xây dựng một quốc gia xã hội, bảo vệ quyền con người "thay cho lợi ích cá nhân và bá chủ của các chủ tư bản Bắc Mỹ hoặc châu Âu". Dự kiến tại Belarus, hai bên sẽ ký bảy hiệp ước hợp tác trong các lĩnh vực và ra tuyên bố chung về hợp tác. 

 

Belarus và Iran là những quốc gia đang có căng thẳng với Mỹ và bị liệt vào cái gọi là "trục ác". Mỹ không ủng hộ cuộc bầu cử đưa Tổng thống Lukashenko (người được Mỹ và phương Tây gọi là "nhà độc tài cuối cùng của châu Âu") tiếp tục cầm quyền; trong khi với Iran, cuộc khủng hoảng kéo dài về chương trình hạt nhân tới nay vẫn chưa được giải quyết.  

 

Venezuela là một trong những nước "lội ngược dòng" khi công khai quan hệ với hai quốc gia mà Mỹ không thích.

 

Trước chuyến công du, Tổng thống Hugo Chavez thậm chí đã cùng Chủ tịch Cuba Fidel Castro kết thúc cuộc làm việc của Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) bằng chuyến thăm Bảo tàng Che Guerava tại Argentina - một hành động biểu dương sự tiếp nối truyền thống  cánh tả ở châu Mỹ Latin.

 

Không những thế, theo các kênh thông tin của Mỹ, mỗi năm Venezuela cung cấp cho Cuba tới 90.000 thùng dầu với giá thấp hơn giá thị trường, việc tái xuất khẩu số dầu này giúp Cuba không nhỏ trong cuộc bao vây cấm vận hiện nay.

 

Ngược lại, Cuba gửi tới Venezuela 50.000 chuyên gia kỹ thuật, trong đó có 30.000 bác sĩ, giúp Venezuela phát triển dịch vụ xã hội tại những vùng nghèo nhất đất nước.

 

Tuy nhiên, trong chuyến công du, ông Chavez sẽ tới LB Nga, nơi Tổng thống Vladimir Putin từng  tuyên bố coi Tổng thống Bush là bạn và vừa chứng minh thành công sự lớn mạnh về thanh thế và thực lực của Nga sau hội nghị G8 vừa qua.

 

Dự kiến Venezuela sẽ ký với Nga hợp đồng mua máy bay chiến đấu SU 30 và trực thăng trị giá 1 tỉ USD, xây dựng hai nhà máy sản xuất súng AK tại Venezuela.

 

Chuyến thăm cũng là cơ hội ông Chavez tìm kiếm đồng minh trước cuộc bỏ phiếu tháng mười của LHQ về việc luân phiên các nước thành viên không thường trực LHQ (Mỹ không ủng hộ Venezuela). Ông Chavez cũng sẽ thăm VN, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

 

Larry Birns - giám đốc Hội đồng các vấn đề của bán cầu - nói trên BBC rằng chuyến đi của ông Chavez là một "sự pha trộn không gò bó các hướng đi, với những động cơ khác nhau", thể hiện đường lối ngoại giao hiện nay của Venezuela, mà theo ông đó là việc "tìm kiếm các hợp đồng dầu khí, lá phiếu cho Venezuela tại Hội đồng Bảo an, một mặt trận tư tưởng chung".

 

Nói cách khác, chuyến đi của Tổng thống Hugo Chavez cho thấy thế giới không còn thống lĩnh bởi một trật tự đơn cực mà đang vận hành quanh những mối quan hệ lợi ích song phương và toàn cầu đan quyện.              

 

Theo Duy Văn

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm