1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chương trình nghe lén mang mật danh Minaret

Ngày 25/9 vừa qua, Cơ quan lưu trữ quốc gia thuộc đại học George Washington (Mỹ) đã công bố các tài liệu giải mật về hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong hai thập kỉ 1960, 1970. Theo đó, NSA từng thực hiện một chương trình do thám “ít vẻ vang và thậm chí còn bất hợp pháp” có mật danh Minaret, chuyên nghe lén các cuộc đàm thoại của hàng nghìn công dân Mỹ, trong số đó có nhiều nhân vật nổi tiếng kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

 

Kỳ 1: Sự ra đời của Minaret

 

Đầu năm 1965, trước nguy cơ phá sản của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân chư hầu cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam. Can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam chính thức chuyển sang giai đoạn "Chiến tranh cục bộ". Nếu như số lính Mỹ có mặt ở miền Nam cuối năm 1964 là 26.000 quân, thì đến cuối năm 1965 đã lên tới 180.000 người, chưa kể 2 vạn quân chư hầu. Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường không chuyển biến theo đúng ý đồ của Mỹ, nguy cơ thất bại của “Chiến tranh đặc biệt” đã hiển hiện rõ, khi mà chỉ trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt 290.000 tên địch, trong đó có 128.000 quân Mỹ và chư hầu.

 
Tổng thống Lyndon B. Johnson - người chỉ đạo và bật đèn xanh cho chương trình Minaret.


Tổng thống Lyndon B. Johnson - người chỉ đạo và bật đèn xanh cho chương trình Minaret.

 

Trước các bước leo thang chiến tranh do Nhà Trắng phát động, trong lòng nước Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là phong trào phản chiến) xuất hiện từ giữa thập kỉ 1960 bùng phát mạnh. Quy mô và cấp độ các cuộc biểu tình phản chiến này ngày một lớn, gây nhiều lo ngại cho Tổng thống Johnson và tiếp đến là người kế nhiệm Richard Nixon. Là những người chống cộng điên cuồng, hai nhân vật đứng đầu Nhà Trắng luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Liệu các cuộc biểu tình trong nước này có sự liên hệ gì với các chính phủ nước ngoài? Chính quyền Johnson và Nixon yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ phải tìm cho được câu trả lời.

 

Cục Tình báo Trung ương (CIA) được giao trọng trách thực hiện “Chiến dịch hỗn loạn” (Operation Chaos) bằng phương thức theo dõi các công dân Mỹ có liên quan đến làn sóng phản đối chiến tranh, xác định xem có sự hỗ trợ của các tổ chức hay chính phủ nước ngoài nào đối với phong trào phản chiến này hay không. Trong khi đó, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) nhận được chỉ thị phối hợp với các cơ quan tình báo khác như CIA, Cục Điều tra Liên bang (FBI)... lập danh sách những nhà hoạt động phản chiến nổi bật, theo dõi các cuộc điện đàm của những người này với nước ngoài. Chương trình mà NSA theo đuổi mang mật danh Minaret.

 

Toàn cảnh trụ sở NSA tại Fort Meade, bang Marlyland.

Toàn cảnh trụ sở NSA tại Fort Meade, bang Marlyland.

Minaret được xem là chiến dịch nghe lén đồ sộ nhất của NSA trong thời kì chiến tranh Lạnh. Dự án này được bắt đầu triển khai từ năm 1967, chính thức được công công khai vào năm 1969 và kéo dài trong 6 năm (1967 - 1973). Tuy nhiên, các ý tưởng đã được manh nha hình thành từ những năm đầu thập niên 1960, với tên gọi “danh sách theo dõi” (Watch List - WL).

 

Mục đích của Minaret là tìm kiếm, theo dõi, thu nhận, xử lý thông tin theo yêu cầu từ Nhà Trắng, FBI, Tổng chưởng lý. Nội dung báo cáo bao gồm: Các dấu hiệu về việc chính phủ nước ngoài hậu thuẫn, kiểm soát hoặc có ý đồ hậu thuẫn, kiểm soát hoạt động của các nhóm “hòa bình” Mỹ, “các tổ chức quyền lực của người da đen”; những chứng cứ về hoạt động của nước ngoài nhằm phát triển, thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và các cuộc biểu tình trong nước; xác định các cá nhân và tổ chức tại Mỹ có mối liên hệ với các điệp viên, cá nhân thuộc chính phủ nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, NSA cũng được FBI đề nghị hỗ trợ cung cấp danh sách “quấy rối dân sự”, đệ trình “tên các tổ chức, cá nhân có tham gia vào phong trào phản chiến, các phong trào nhân quyền”. Cuối cùng, theo yêu cầu của CIA, NSA tổ chức theo dõi “các hoạt động của các công dân Mỹ có tham dự vào các hoạt động gây bạo loạn dân sự, các hoạt động của thanh niên, sinh viên, phong trào chống chiến tranh, trốn nghĩa vụ quân sự...” mà CIA cho là quá khích.

 

Sau khi nhận được chỉ thị từ Nhà Trắng và yêu cầu của các cơ quan tình báo Mỹ, Giám đốc NSA đã thiết lập đường thông tin trực tiếp nối thẳng với Giám đốc CIA, tất cả các thành viên trong Ban tình báo Mỹ. Nhưng NSA cũng nhận ra rằng, nhiệm vụ lập “danh sách theo dõi” có sự khác biệt lớn so với các nhiệm vụ tình báo truyền thống của tổ chức mật này. Nó đi vào những chủ đề nhạy cảm, trong đó có cả việc bảo vệ Tổng thống, chống chủ nghĩa khủng bố, bạo động dân sự. Việc xử lý hậu quả khi chương trình này bại lộ sẽ gặp nhiều rắc rối từ dư luận. Thêm nữa, Minaret lúc đó nằm trong lằn ranh giới mong manh về tính hợp pháp. Các quan chức NSA lúc đó đã gọi đây là “điệp vụ chưa có trong tiền lệ, hoàn toàn khác biệt so với nhiệm vụ thông thường của NSA”.

 

Nhận thấy rõ những yếu tố nhạy cảm trên, giới lãnh đạo NSA đã nghĩ ra nhiều cách thức để “vượt rào cản”. Khi mà các cuộc thoại thu được chỉ liên quan đến 1 người Mỹ, sản phẩm tình báo của NSA chỉ được phổ biến đến một số đầu mối giới hạn. Nhưng nếu đó là cuộc thoại của 2 người Mỹ, NSA không để lộ ra mình là đầu mối cung cấp tin. Báo cáo dạng này đều được in trên giấy trắng không kèm theo biểu tượng (logo) của NSA hoặc là dấu mật, chỉ có dòng chữ “sử dụng tham khảo” đề góc trên, kèm theo đó là dấu “không tái bản” ở góc dưới. Nhân viên NSA sau đó cầm trực tiếp các báo cáo này đến các địa chỉ nhận là các cá nhân tại Nhà Trắng hoặc ở Washington - những người hiểu rõ rằng đây là báo cáo mật. Phó Giám đốc NSA giải thích rằng, cách làm như vậy là để đảm bảo “không có bất kì một dấu vết nào của các dữ liệu này lộ ra ngoài NSA”. Như vậy, với Minaret, NSA có thẩm quyền theo dõi tất cả các cuộc đàm thoại “đến, đi” có liên quan đến công dân Mỹ, dù về mặt công khai, nó được thực hiện trong phạm vi “tình báo nước ngoài”.

 

Minaret chính thức bị ngừng năm 1973 khi Giám đốc NSA ký lệnh hủy. Các tài liệu vừa được công bố cho thấy, trong suốt 6 năm, NSA đã cho “ra lò” 1.900 báo cáo tình báo chuyên về phong trào chống đối, phản chiến trong nước; theo dõi hơn 1.650 cá nhân, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King, nhiều nghị sĩ quốc hội, nhà báo tên tuổi...

 

Đón đọc kỳ tới: Đối tượng do thám của NSA

 

Theo Hoài Thanh

Báo tin tức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm