1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chung tay chống khủng bố

Chỉ trong vòng vài ngày, 2 hội nghị quốc tế lớn về chống chủ nghĩa khủng bố đã liên tiếp diễn ra tại Mỹ và Arab Saudi nhằm tìm tiếng nói chung và nhất là nỗ lực chung của cộng quốc tế nhằm chống lại hiểm họa này.

Các phiến quân IS đang là một hiểm họa nghiêm trọng không chỉ với khu vực Trung Đông
Các phiến quân IS đang là một hiểm họa nghiêm trọng không chỉ với khu vực Trung Đông

Lên tiếng tại Hội nghị quốc tế với chủ đề “Hồi giáo và chiến dịch chống khủng bố” diễn ra từ ngày 22-2 ở ngay thánh địa Mecca của Arab Saudi, tân Quốc vương nước này Salman bin Abdulaziz Al Saud phát đi thông điệp rằng “Cần phải bảo vệ hình ảnh của người Hồi giáo toàn cầu khỏi sự hủy hoại của chủ nghĩa khủng bố”. Tham dự Hội nghị do Liên đoàn Thế giới Hồi giáo (MWL) tổ chức này có hơn 700 đại biểu là quan chức, học giả… các nước Hồi giáo trên toàn thế giới.

Trong 4 ngày hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận về những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố, để từ đó vạch ra kế hoạch toàn diện chống khủng bố. Hội nghị còn là dịp để các quốc gia và học giả Hồi giáo xem xét các nguyên nhân tôn giáo của chủ nghĩa khủng bố, cũng như các nguyên nhân kinh tế và xã hội, giáo dục, văn hóa và truyền thông… của chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành trên thế giới hiện nay.

Ngay trước hội nghị trên, tại nước Mỹ cũng đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh quốc tế chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong 3 ngày (từ ngày 18 đến 20-2) với sự tham gia của hàng trăm đại diện của hơn 60 quốc gia, trong đó có các nhà lãnh đạo cảnh sát, các nhà lập pháp, thống đốc và thị trưởng các thành phố của Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Tại hội nghị, đại diện hơn 60 nước đã nhất trí phác thảo một lộ trình hướng tới các cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố.

Những hội nghị liên tiếp trên đã thêm một lần nữa khẳng định chống chủ nghĩa khủng bố đang trở thành một vấn đề cấp bách với thế giới hiện nay. Chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả thế giới sau sự kiện khủng bố đẫm máu nhằm vào nước Mỹ ngày  11-9-2001 khiến khoảng 3 nghìn người thiệt mạng.

Sau cuộc tấn công khủng bố trên, nước Mỹ và thế giới đã phát động cuộc chiến khốc liệt, bằng sức mạnh quân sự nhằm chống chủ nghĩa khủng bố. Song thực tế cho thấy, khủng bố không những không bị tiêu diệt mà còn tiếp tục tồn tại, lây lan với điển hình là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải lên tiếng thừa nhận tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan vừa diễn ra rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan là “cuộc chiến không thể giành chiến thắng nếu chỉ dùng sức mạnh quân sự”.

Có nhiều nguyên nhân khiến chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trỗi dậy, trở thành một hiểm họa với thế giới ngày nay. Song một trong những điều nguy hiểm đang được chính những kẻ khủng bố và cực đoan lợi dụng để khoét sâu vào, đó là bóp méo, khơi dậy hận thù để đưa những kẻ cuồng tín cực đoan tham gia vào các tổ chức khủng bố mà điển hình là IS.
Chính vì thế mà đối thoại, khoan dung, không đánh đồng Hồi giáo với chủ nghĩa cực đoan và khủng bố… Đó chính là những thông điệp chính rút ra từ 2 hội nghị chống khủng bố tại Mỹ cũng như tại Arab Saudi để mang tới cuộc đối thoại về chống chủ nghĩa khủng bố diễn ra bên lề Đại Hội đồng LHQ vào tháng 9 tới.
 
Theo Hoàng Hà
An ninh Thủ đô