Pháp điều tàu sân bay tham gia oanh tạc IS
(Dân trí) - Ngày 23/2, các chiến đấu cơ của Pháp đã có những đợt xuất kích đầu tiên từ tàu sân bay Charles De Gaulle chuẩn bị đánh phá IS, trong bối cảnh Mỹ đang triệu tập các tướng lĩnh quân đội cùng các nhà ngoại giao để rà soát lại chiến dịch chống nhóm cực đoan này.
Phát biểu tại một cuộc họp hơn hai chục sỹ quan quân đội cấp cao, các đại sứ và giới chức tình báo tại một căn cứ Mỹ ở Cô-ét, tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố các phiến quân sẽ phải hứng chịu một “thất bại lâu dài”.
Sau đó, ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định ông ủng hộ chiến lược hiện tại và không kêu gọi phải thực thi những thay đổi lớn. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có những nhân tố của một chiến lược”, Carter nói và cho biết thêm đây là một nỗ lực “kết hợp giữa quân sự và chính trị”.
Một quan chức quân sự xác nhận ông Carter không ủng hộ những thay đổi lớn đối với chiến lược chiến tranh hiện tại, cho dù một số đồng minh của Mỹ, cũng như các nghị sỹ tại Washington đòi hỏi có quan điểm cứng rắn hơn tại Syria.
“Điều có thể được tái khẳng định hôm nay đó là chiến lược vẫn không đổi. Chiến lược đó đang phát huy hiệu quả”, một quan chức giấu tên nói.
Tàu sân bay Pháp xuất kích
Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, hơn 2500 cuộc không kích đã được Mỹ và liên quân thực hiện nhắm vào các vị trí của IS. Trong ngày thứ Hai, Pháp lần đầu triển khai lực lượng khi các chiến đấu cơ xuất kích từ tàu sân bay Charles de Gaulle tại vùng Vịnh tiến hành oanh tạc.
“Mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố thánh chiến muốn đe dọa người dân của chúng ta, lợi ích và các giá trị của chúng ta. Phản ứng của Pháp sẽ hoàn toàn chắc chắn”, Bộ trưởng quốc phòng Jean-Yves Le Drian phát biểu từ tàu sân bay Charles de Gaulle, 7 tuần sau khi những kẻ cực đoan sát hại 17 người tại Paris.
4 chiến đấu cơ Rafale và 4 chiếc Super Etendard đã cất cánh từ tàu sân bay đang neo đậu tại vị trí cách Bahrain 200km về phía Bắc, và trở về sau những chuyến bay dài 5-6 giờ. Chuẩn đô đốc Eric Chaperon, tư lệnh nhóm tàu sân bay, cho biết các máy bay chưa thực hiện vụ không kích nào, nhưng đang làm quen với nhiệm vụ.
Charles de Gaulle, mang theo 12 chiếc Rafale và 9 chiếc Super Etendard, sẽ lưu lại vùng Vịnh trong 8 tuần, để phối hợp cùng tàu USS Carl Vinson của Mỹ, giúp tăng đáng kể năng lực điều động không quân của Pháp trong khu vực. Pháp, cùng với Úc, là những nước đóng góp lực lượng chính cho liên minh gồm 32 thành viên đang tiến hành các cuộc đánh phá IS.