1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chung sống với Trung Quốc

Trong mấy thập niên trở lại đây, chính sách Trung Quốc của Mỹ luôn dựa trên sự kết hợp giữa chính sách can dự (engagement) và đối trọng (balancing).

Chính quyền Obama đã quá chú trọng can dự, và các nỗ lực ngoại giao đã không thể góp phần ngăn chặn hoạt động tăng cường quân sự của Bắc Kinh. Chính phủ Mỹ tới đây sẽ phải nhìn nhận thực tế hơn về Trung Quốc và quan tâm tạo đối trọng hơn trong cân bằng chiến lược trên của Washington.

Ngược lại với chiến lược ngăn chặn (containment), cách tiếp cận hiện nay của Washington đối với Trung Quốc không phải là sản phẩm của quá trình hoạch định có chủ định từ trước. Nó không được ghi nhận trong các văn bản chính thức. Thực tế, nó thậm chí còn không có một cái tên cụ thể. Thế nhưng, trong suốt phần lớn thời gian hai thập niên qua, Mỹ đã theo đuổi một chiến lược hai hướng và nhất quán, kết hợp giữa can dự và đối trọng.

Các tổng thống Mỹ từ Richard Nixon cho tới Barack Obama đều cố gắng can dự vào Trung Quốc thông qua ngoại giao, thương mại, hợp tác khoa học và trao đổi văn hóa-giáo dục. Từ giữa những năm 1990, các chính quyền kế tiếp nhau cũng thực hiện các biện pháp duy trì cân bằng quyền lực có lợi cho Mỹ tại Đông Á. Khi Trung Quốc trở nên mạnh hơn, Mỹ cũng củng cố năng lực quân sự của mình tại khu vực, gia cố các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đồng minh truyền thống, và xây dựng các quan hệ đối tác mới với các quốc gia khác cùng chia sẻ những mối quan ngại, chẳng hạn như Ấn Độ và Singapore.

Phần can dự trong chiến lược này được định hướng nhằm đưa Trung Quốc vào trong khuôn khổ thương mại quốc tế và các thể chế toàn cầu, ngăn chặn nước này thách thức thế nguyên trạng, và tạo động lực để Trung Quốc trở thành cái mà chính quyền George W. Bush gọi là "một cổ đông có trách nhiệm" trong hệ thống quốc tế hiện hành.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã có vẻ cảnh giác hơn với Bắc Kinh trong những năm gần đây, họ vẫn hy vọng thương mại và đối thoại sẽ giúp biến Trung Quốc trở thành một nền dân chủ tự do.

Phần tạo đối trọng trong chính sách Trung Quốc của Washington hướng tới duy trì ổn định và ngăn chặn sự gây hấn hay các nỗ lực áp bức khi chính sách can dự đạt hiệu quả.

Chung sống với Trung Quốc  - 1

Ảnh minh họa

Những sự kiện gần đây đặt ra mối nghi ngờ lớn đối với cả hai mặt trong chính sách trên. Nhiều thập niên thương mại và đối thoại vẫn không hé mở thêm tự do hóa chính trị tại Trung Quốc. Quả thực, mấy năm trở lại đây đã đánh dấu sự quyết liệt hơn của Trung Quốc đối với những người bất đồng chính kiến trong nước. Trong khi đó, mối quan hệ kinh tế được ca tụng nhiều giữa hai cường quốc Thái Bình Dương cũng trở thành căn nguyên gây căng thẳng lớn.

Và mặc dù vẫn có hy vọng tăng cường hợp tác, nhưng Bắc Kinh thực tế đã chưa thể giúp Washington giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách, như việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay các nỗ lực tương tự của Iran.

Cuối cùng, không chỉ không chấp nhận nguyên trạng hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang càng trở nên mạnh bạo hơn trong nỗ lực kiểm soát các vùng biển và tài nguyên ngoài khơi.

Trong cán cân quyền lực, việc Trung Quốc không ngừng củng cố sức mạnh quân sự, cùng với những sự cắt giảm ngân sách quân sự của Mỹ, chỉ càng cho thấy sự phân bổ quyền lực trong khu vực Đông Á đang chuyển dịch mạnh mẽ về phía có lợi cho Bắc Kinh.

Chung sống với Trung Quốc

Lúc này, giới cầm quyền của Trung Quốc vừ kiêu ngạo vừa thiếu thận trọng. Theo quan điểm của họ, chính phủ hiện nay đóng vai trò thiết yếu đối với sự ổn định, thịnh vượng và uy tín của Trung Quốc. Trung Quốc cũng chỉ chấp nhận một số khía cạnh của chủ nghĩa tư bản trong lĩnh vực kinh tế.

Cơ chế cầm quyền hiện nay quyết định những định nghĩa về mối đe dọa, mục tiêu và chính sách của chính phủ Trung Quốc. Các nhà cầm quyền Trung Quốc đang tự mệnh danh là người bảo vệ danh dự quốc gia. Mặc dù họ tin tưởng Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc thế giới sánh ngang với Mỹ, họ vẫn quan ngại sâu sắc về nguy cơ bị bao vây và lật đổ. Và mặc dù Washington đã cố gắng trấn an về ý đồ thiện chí, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn quả quyết Mỹ có mục tiêu ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc và cuối cùng là đánh đổ hệ thống chính phủ hiện nay.

Giống như Mỹ, kể từ sau Chiến tranh lạnh, Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận nhất quán đối với thách thức bên ngoài lớn nhất của mình. Chủ yếu Bắc Kinh muốn tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ trong khi đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và từng bước xây dựng tất cả các năng lực của "một sức mạnh quốc gia toàn diện", một quan điểm chiến lược của Trung Quốc, bao gồm quyền lực kinh tế, sức mạnh công nghệ và ảnh hưởng ngoại giao.

Ngay cả khi chỉ hướng tới tính phòng thủ, các quan chức Trung Quốc cũng không còn muốn phòng thủ bị động nữa. Họ đang có những củng cố mạnh mẽ, từng bước mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tạo chỗ đứng vững chắc ở châu Á trong khi ngấm ngầm làm xói mòn vị thế của Mỹ. Mặc dù họ luôn thận trọng không nói ra trực tiếp, nhưng trong tương lai xa, họ muốn Trung Quốc sẽ thế chân Mỹ và lấy lại cho Trung Quốc cái mà họ coi là vị trí đáng được hưởng của một cường quốc khu vực có ảnh hưởng lớn hơn.

Các nhà chiến lược Trung Quốc không tin họ có thể đạt được mục tiêu này nhanh chóng thông qua đối đầu bạo lực. Thay vào đó, họ tìm cách trấn an láng giềng, dựa vào sức hấp dẫn từ nền kinh tế khổng lồ của mình để chống lại các nỗ lực đối trọng chống lại Trung Quốc.

Học theo binh pháp Tôn Tử, Bắc Kinh muốn "không đánh mà thắng", chỉ cần dần dần tạo lập tình thế giúp phá tan các trở lực đạt được khát vọng của họ.

Việc không thể đạt được một hiệp ước thân thiện giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là kết quả của sự thiếu nỗ lực mà cơ bản do lợi ích không song trùng. Mặc dù hợp tác hạn chế trong nhiều vấn đề cụ thể có thể vẫn diễn ra, nhưng khoảng cách ý thức hệ giữa hai nước đơn giản còn quá lớn, và mức độ lòng tin quá thấp, để cho phép đạt được một tạm ước ổn định. Điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay mong muốn nhất - bá quyền khu vực - không phải là thứ mà giới lạnh đạo Mỹ sẵn sàng cho đi. Nó sẽ đi ngược lại với mục tiêu có tính tiền đề trong chiến lược tổng thể của Mỹ vốn vẫn duy trì ổn định trong mấy thập niên qua: ngăn chặn sự đô hộ ở bất kỳ đầu nào của lục địa Á-Âu bởi một hay một vài cường quốc hiếu chiến nào. Lý do của mục tiêu này bao gồm một tập hợp những toan tính chiến lược, kinh tế và ý thức hệ cho phép họ tiếp tục có cơ sở vững chắc trong tương lai gần.

Một Trung Quốc không được báo động bởi sự hiện diện của Mỹ trong khu vực có thể không tham gia vào cuộc xâm chiếm trực tiếp, nhưng sẽ ở vào vị trí thuận lợi để áp đặt các tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ và tài nguyên tranh chấp. Khi không phải lo phòng ngự chống lại các mối đe dọa từ xung quanh, Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh quân sự ra khu vực xa hơn để mở rộng lợi ích sang Ấn Độ Dương, Trung Đông và châu Phi.

Trong phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng lớn của Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ thấy khả năng tiếp cận thị trường, sản phẩm và tài nguyên thiên nhiên bị hạn chế bởi các dàn xếp thương mại của Bắc Kinh. Và đáng nguy ngại hơn, từ cơ sở vững chắc ở châu Á, Bắc Kinh có thể sẽ ra sức hậu thuẫn cho các chế độ độc tài ở những khu vực khác.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc đạt được những chuyển biến chính trị, điều đó cũng không xóa bỏ ngay lập tức tất cả mọi căng thẳng với Washington. Lịch sử đã chỉ ra, quá trình tự do hóa sẽ đồng hành với những rối ren bên trong và rủi ro xung đột với các quốc gia khác tăng lên. Một Trung Quốc dân chủ chắc chắn sẽ cố gắng tìm kiếm tiếng nói có sức mạnh hơn trong các vấn đề khu vực, và mục tiêu hướng tới không phải lúc nào cũng đồng nhất với toan tính của Mỹ. Thế nhưng, trong dài hạn, triển vọng hợp tác Trung-Mỹ sẽ được củng cố đáng kể. Một chính phủ tự tin với tính chính đáng của mình sẽ không có lý do gì lo ngại bị bao vây cấm vận bởi các nền dân chủ trên thế giới.

Mỹ có thể học cách chung sống với một Trung Quốc dân chủ như một cường quốc chủ đạo tại Đông Á, giống như Anh chấp nhận vai trò chi phối của Mỹ ở Tây bán cầu. Tuy nhiên, nếu thực tế không diễn ra như trên, Washington sẽ vẫn không sẵn lòng từ bỏ chính sách tạo đối trọng và rút khỏi khu vực. Trong khi đó, để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hay cuộc đối đầu lớn, Washington có thể sẽ không từ bỏ các nỗ lực can dự. Một dạng thức chính sách kết hợp nào đó sẽ vẫn được áp dụng, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhưng để đạt được hiệu quả, cả hai phần trong chính sách này cần phải có những điều chỉnh lớn.

Từ khẩu hiệu đến chiến lược

Điều quan trọng nhất là, Mỹ phải chống lại với hoạt động tăng cường quân sự của Trung Quốc bằng cách củng cố phần tạo đối trọng trong cấu trúc chiến lược của mình. Chính quyền Obama ban đầu đã đi theo hướng ngược lại, hạ thấp tầm quan trọng của khả năng lập hàng rào phong tỏa, chú trọng triển vọng can dự rộng hơn và sâu hơn, và thể hiện rõ ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Mỹ-Trung nên là thứ mà James Steinberg, nguyên Phó Ngoại trưởng Mỹ, từng viết là "bảo đảm chiến lược". Nhưng đến năm 2010, chính phủ Mỹ đã bắt đầu thay đổi.

Đáp lại một loạt các sự kiện trong năm qua dẫn tới căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Philippine, Hàn Quốc, Việt Nam, các quan chức Mỹ dần đề cao cam kết tạo đối trọng. Chính phủ Mỹ thậm chí còn đặt ra khẩu hiệu để diễn tả ý đồ của mình: khi giảm dính líu với Afghanistan và Iraq, Mỹ sẽ "xoay trục chiến lược" về Đông Á.

Vấn đề với cuộc xoay chuyển này là cho tới nay nó vẫn thiếu thực chất nghiêm trọng. Các hành động diễn ra hoặc chỉ quá mang tính biểu trưng, như việc triển khai số lượng nhỏ lính thủy quân lục chiến Mỹ tới Australia, hoặc chỉ đơn giản bao gồm tái điều động các tài sản không quân và hải quân từ các sân khấu khác.

Ngoài việc mơ hồ nhắc đến khái niệm "chiến tranh không-biển" mà Lầu năm góc đã miêu tả trong cách nói khó hiểu như "cuộc tấn công chiều sâu có mạng lưới, phối hợp nhằm ngăn chặn, phá hủy và đánh bại" các lực lượng đối phương, chính phủ Mỹ chưa hề nói rõ thực tế sẽ phản ứng như thế nào với sức mạnh quân sự đang tăng lên của Trung Quốc.

Ngược lại, khi tuyên bố cách tiếp cận mới này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ còn tránh thừa nhận thực tế rõ ràng rằng sẽ nhằm chủ yếu vào Trung Quốc. Đặc biệt trong môi trường tài chính hiện nay, chính quyền Mỹ sẽ khó có thể huy động sự ủng hộ cần thiết của người dân cho việc tạo một cân bằng quyền lực có lợi tại châu Á nếu không sãn sàng rõ ràng hơn về bản chất mối thách thức từ thứ sức mạnh mới của Trung Quốc.

Tình hình đang rất đáng báo động. Kể từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đã đạt được cái mà các nhà hoạch định Lầu Năm Góc miêu tả là năng lực "chống tiếp cận/chống xâm nhập" (A2/AD). Trọng tâm của A2/AD là kho vũ khí tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chính xác, tương đối tiết kiệm và vũ trang thông thường. Với những vũ khí như vậy, Trung Quốc có thể nhắm tới gần như mọi căn cứ không quân và cảng tại tây Thái Bình Dương, cũng như đe dọa nhấn chìm tàu nổi của đối phương  (kể cả tàu sân bay Mỹ) hoạt động cách ngoài khơi cách Trung Quốc hàng trăm dặm. Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng đã thử nghiệm các vũ khí chiến tranh không gian và vũ khí chống vệ tinh, và đã bắt đầu mở rộng lực lượng tên lửa hạt nhân liên lục địa nhỏ của mình.

Mỹ không phản ứng mạnh mẽ, các nhà hoạch định Trung Quốc càng được nước tin rằng năng lực A2/AD của họ đủ ấn tượng để dọa Mỹ không can thiệp hay khiêu khích đối đầu trong khu vực. Tệ hơn, họ còn tự thuyết phục mình rằng nếu Mỹ can thiệp, họ có thể sẽ không đưa các vũ khí thông thường ra tây Thái Bình Dương, mà lấy cái cớ để nói rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài leo thang hạt nhân. Ngoài ra, việc đối phó thiếu hợp lý với hoạt động tăng cường quân sự của Trung Quốc có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín bảo đảm an ninh mà Washington muốn mang đến cho các đồng minh châu Á. Nếu Mỹ không gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ về việc tiếp tục duy trì cam kết và quyết tâm, các đồng minh sẽ trở nên ngày càng lo sợ bị bỏ rơi, rồi mất hẳn lòng tin và chịu nhượng bộ [Trung Quốc].

Và đi vào thực tế

Khi Mỹ tăng cường các nỗ lực tạo đối trọng với Trung Quốc, Mỹ cũng cần phải tiếp tục can dự vào Trung Quốc. Giới chức Mỹ nên thể hiện rõ bằng lời nói và hành động rằng họ đang mong muốn một mối quan hệ tốt nhất có thể với Trung Quốc. Các hoạt động ngoại giao đơn thuần sẽ không giúp thay đổi cảm nhận của Bắc Kinh đối với dụng ý của Washington và thay vào đó thể hiện một bức tranh thiếu hiện thực về quan hệ Mỹ-Trung đối với người Mỹ và các quốc gia thân thiết với Mỹ.

Thay vì coi can dự là cách để phục vụ lợi ích của riêng mình, Mỹ cần phải có cách tiếp cận rõ ràng và định hướng kết quả hơn. Hãy bắt đầu với lĩnh vực thương mại. Quan hệ kinh tế song phương vẫn mang lại lợi ích cho cả hai bên nhưng gần đây có vẻ đang ngày càng mất cân bằng. Bắc Kinh sử dụng chính sách tiền tệ và các loại trợ cấp khác nhau để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời đòi hỏi các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc nếu muốn được tham gia thị trường nước này. Không giống như Nhật Bản những năm 1970 và 1980, Trung Quốc không chỉ là một đối tác thương mại nhiều rắc rối khi chính phủ nước này triển khai nhiều biện pháp mang tính trọng thương để gia tăng lợi thế; mà còn là một đối thủ địa chính trị giỏi lợi dụng các mối quan hệ thương mại phục vụ cho các lợi ích chiến lược.

Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ và khối lượng tài sản dự trữ tích lũy bằng đồng đôla do vậy đáng lo ngại vì những lý do vượt ra ngoài khuôn khổ kinh tế học. Những năm gần đây, giới phân tích và quan chức Trung Quốc luôn cho rằng nếu Washington khước từ mong muốn của Bắc Kinh trong một số vấn đề, trong đó có hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan và các cuộc viếng thăm của tổng thống với Dalai Lama, Trung Quốc sẽ bắt đầu bán hết các tài sản này, thay đổi lãi suất tiền USD và làm giảm tăng trưởng của Mỹ. Như vậy, điều quan trọng là, nếu Washington còn muốn được tự do quyết định hành động, thì cần phải giảm ngay tình trạng nợ nần quá mức với đối thủ địa chính trị chính là Trung Quốc.

Ngoài ra, bên cạnh vấn đề cán cân thương mại với Trung Quốc, lĩnh vực công nghệ cao cũng cần phải được các nhà hoạch định chính sách Mỹ quan tâm đặc biệt. Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Washington vẫn đang băn khoăn câu hỏi liệu có nên duy trì kiểm soát xuất khẩu những mặt hàng công nghệ mà các đối thủ tiềm tàng có thể sử dụng để phát triển các loại vũ khí tinh vi. Điều này có lý do của nó. Trung Quốc có rất nhiều phương tiện giúp họ tiếp cận các công nghệ nhạy cảm. Hoạt động gián điệp khoa học và công nghiệp của Trung Quốc diễn ra khá rộng. Nước này sử dụng cả những cách thức đã có từ lâu, như hối lộ và đánh cắp, và cả những giải pháp mới có trong không gian mạng.

Thái đội quyết liệt của Bắc Kinh gần đây đang gây quan ngại sâu sắc cho nhiều quốc gia láng giềng, khiến họ càng có xu hướng phối hợp cùng nhau tạo đối trọng hơn. Cũng vì lý do này, nhiều chính phủ trong khu vực nhìn chung đã hoan nghênh những tuyên bố "có chất thép" hơn từ phía Washington như đã phát ra trong những tháng gần đây. Nhưng họ cũng không chắc liệu Mỹ sẽ có đủ nguồn lực và quyết tâm để chứng minh cho những lời lẽ mạnh bạo đó hay không. Do vậy, vị tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới đây sẽ cần phải làm sao để xua đi những mối hoài nghi đó. Phát triển và nuôi dưỡng một chiến lược đáng tin cậy chống lại sự tăng cường quân sự của Trung Quốc và theo đuổi cách tiếp cận quyết liệt hơn khi can dự về kinh tế đều có ý nghĩa quan trọng.

Theo Đình Ngân
Vietnamnet/Foreign Affairs

  • ARON L. FRIEDBERG là giáo sư Chính trị học và Các vấn đề quốc tế của Trường Chính sách công và Các vấn đề quốc tế Woodrow Wilson thuộc Đại học Princeton và tác giả cuốn sách A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for Mastery in Asia.