Chuẩn bị xét xử cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
Theo Tân Hoa xã, tại cuộc họp Bộ Chính trị diễn ra ngày 20/7, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã quyết định triệu tập Hội nghị TW 5 khóa 18 vào tháng 10 và Hội nghị Bộ Chính trị cũng thông qua "Báo cáo thẩm tra vụ án vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Lệnh Kế Hoạch" do Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương đệ trình.
Quyết khai đao
Cũng trong ngày 20/7, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc thông báo, mở cuộc điều tra đối với ông Lệnh Kế Hoạch với cáo buộc tình nghi nhận hối lộ.
Vợ con đều “có phần”
Ngày 24/12/2014, tờ Đa Chiều cho biết, bà Cốc Lệ Bình từng bị bắt hôm 16/12/2014 khi đang dự hội nghị tại khách sạn Bác Nhã ở Bắc Kinh, nhưng vẫn thoát khỏi trại giam nhờ thân tín giúp đỡ. Song sau đó, bà Cốc Lệ Bình đã bị bắt tại Thành phố Thanh Đảo và đang bị thẩm vấn, chờ ngày hầu tòa. Bởi cơ quan chức năng đã phát hiện Quỹ Thanh niên Trung Quốc lập nghiệp (YBC) do bà Cốc Lệ Bình thành lập thường xuyên liên hệ với kênh Tin tức tài chính của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV-9) cùng người dẫn chương trình Nhuế Thành Cương (bị bắt hồi tháng 6/2014 vì bị tình nghi tham nhũng, tiết lộ bí mật quốc gia). YBC được lập (tháng 11/2003) sau khi ông Lệnh Kế Hoạch trở thành Chánh văn phòng trung ương.
Năm 2010, bà Cốc Lệ Bình (từng dẫn chương trình truyền hình ở Sơn Tây và từng làm việc cho Đài truyền hình Trung ương) lập Quỹ Từ thiện Ying Foundation để hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận nhằm trợ giúp YBC đầu tư và trốn thuế dễ dàng. Có tin đồn rằng, gia đình bà Cốc Lệ Bình có khoảng 5,9 tỉ USD gửi tại các ngân hàng Nhật Bản và Singapore.
Ngày 22/12/2014, tờ South China Morning Post đưa tin, ông Lệnh Kế Hoạch thăng tiến rất nhanh trước khi sự nghiệp bị phá hỏng sau cái chết đầy tai tiếng của cậu con trai Lệnh Cốc trong vụ tai nạn xe Ferrari hôm 18/3/2012. Lệnh Cốc đã chết sau khi mất kiểm soát chiếc Ferrari 458 trên đường cao tốc ở thủ đô Bắc Kinh vào sáng sớm 18/3/2012.
Theo tài liệu của cảnh sát, Lệnh Cốc chết ngay tại chỗ, còn 2 phụ nữ trẻ (một người khỏa thân và một người bán khỏa thân) bị thương nặng. Những bức ảnh về hiện trường vụ tai nạn được phát tán trên mạng với những đồn đoán khác nhau. Một số người cho rằng, tên trên giấy chứng tử của Lệnh Cốc bị thay đổi để che giấu sự thật. Tuy gây ra vụ tai nạn thảm khốc trên đường phố Bắc Kinh, nhưng báo chí Trung Quốc khi đó không có một dòng nào nhắc đến vấn đề này.
Ông Lệnh Kế Hoạch sinh ngày 22/10/1956, trong một gia đình cán bộ bậc trung (có 5 anh chị em: Lệnh Phương Châm, Lệnh Chính Sách, Lệnh Lộ Tuyến, Lệnh Kế Hoạch và Lệnh Hoàn Thành) tại huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây; có bố là ông Lệnh Hồ Dã, từng hoạt động cách mạng tại Diên An. Ông Lệnh Kế Hoạch là phó Chánh văn phòng Trung ương đảng trẻ tuổi nhất, và từng được coi là "Tổng quản Trung Nam Hải" sau khi trở thành Chánh văn phòng Trung ương đảng dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Tờ South China Morning Post từng dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho rằng, ông Lệnh Kế Hoạch có thể phải đối mặt với kết cục giống như cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai - nhận án chung thân do nhận hối lộ, tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Bởi ông Lệnh Kế Hoạch là 1 trong 4 thành viên của "bè lũ 4 tên thế hệ mới", gồm Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch. |