Chu Vĩnh Khang có thể bị giam tại nhà tù sang trọng bậc nhất Trung Quốc
(Dân trí) - Nằm ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, nhà tù Qincheng là nơi giam giữ một số cựu lãnh đạo quyền lực bị "ngã ngựa" của Trung Quốc.
Nhà tù Qincheng, nằm tại quận Xương Bình ở ngoại ô Bắc Kinh, được canh gác rất nhiêm ngặt, nơi vài cựu quan chức cấp cao đang thụ án. Tù nhân tiếng tăm nhất cùa nhà tù này cho tới nay là Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh từng bị kết án về tội tham nhũng.
Giờ đây, dường như ông Bạc sẽ sớm hối nghộ với Chu Vĩnh Khang, cựu giám đốc công an, cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc.
Hồi tuần trước, giới chức Trung Quốc đã chính thức thông báo điều tra ông Chu, 71 tuổi, vì các cáo buộc tham nhũng khi ông còn điều hành Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).
CNPC đã trở thành "điểm nóng" tham nhũng sau khi cựu chủ tịch của tập đoàn này là Tưởng Khiết Mẫn bị khai trừ khỏi đảng hồi tháng trước vì các cáo buộc tham nhũng.
Các cáo buộc nhằm vào ông Chu, chính trị gia cấp cao nhất từng bị điều tra tại Trung Quốc, đã gây xôn xao báo chí thế giới. Vụ việc cũng gây bất ngờ cho nhiều người tại Trung Quốc, vốn nghi ngờ rằng liệu Chủ tịch Tập Cận Bình - người đã phát động cuộc truy quét tham nhũng khi lên năm quyền hồi tháng 3 năm ngoái - có đủ sự kiên cường chính trị để truy tố ông Chu hay không.
Ông Tập đã nhận được sự ủng hộ từ những người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân để điều tra ông Chu.
Bản chất ồn ào của vụ việc đồng nghĩa với việc nhiều khả năng ông Chu sẽ ngồi tù tại nhà tù Qincheng, nơi ông sẽ bị cách ly do thân thế và vị trí của ông.
Người vợ cũ của lãnh đạo Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh, từng bị giam tại nhà tù Qincheng trước khi tự sát.
He Diankui, 80 tuổi, một cựu giám sát viên tại nhà tù, cho hay là nhà tù này rất sang trọng, đặc biệt khi so sánh với các điều kiện sống thông thường trên khắp Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa.
Cũng tại nhà tù Qincheng, ông He lần đầu tiên nhìn thấy và được thử món súp vây cá mập, một món ăn đắt đỏ thường xuất hiện tại các nhà hàng sang trọng ở Trung Quốc.
"Có các nhà vệ sinh riêng biệt được trải thảm và các giường sofa. Khi tôi còn làm việc ở đó, các bữa ăn tại nhà tù do một đầu bếp tại Khách sạn Bắc Kinh, chuẩn bị", ông He cho biết.
"Các tù nhân được uống sữa, ăn súp và 2 món khác cho bữa trưa và tối. Họ cũng được phục vụ hoa quả tươi và cà phê. Thâm chí khi Trung Quốc trải qua những giai đoạn rất khó khăn, các điều kiện sống tại nhà tù không bao giờ thay đổi", ông He nói thêm.
Nữ nhà văn Đới Tình, người từng tham gia biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn, đã thụ án 10 tháng tại nhà tù Qincheng sau vụ việc năm 1989, vốn làm hàng trăm người thiệt mạng.
"Khi vào nhà tù, tôi đã rất bất ngờ. Trần nhà rất cao, buồng tắm đẹp và thậm chí các nhân viên bảo vệ rất chu đáo và tử tế với chúng tôi", bà Đới Tình cho hay.
Nhà nghiên cứu của Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) Nicholas Bequelin cho hay các tù nhân tại nhà tù Qincheng sống trong điều kiện sang trọng so với các nhà tù nhà nước khác của Trung Quốc.
An Bình
Tổng hợp