1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Chú hề bác sỹ” Israel: Hi vọng bác sỹ, y tá VN có thêm “kỹ năng hề”

(Dân trí) - Dush, “chú hề bác sỹ” đầu tiên trên thế giới tới VN trong chương trình hợp tác y học giữa VN-Israel, hi vọng qua đợt đào tạo ngắn của ông, các y bác sỹ VN sẽ có thêm “kỹ năng, công cụ hề” khi làm việc với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nhí.

 
Chú hề bác sỹ Dush với một bệnh nhi tại Viện Nhi Trung ương, Hà Nội.
"Chú hề bác sỹ" Dush với một bệnh nhi tại Viện Nhi Trung ương, Hà Nội. 

 

David Barashi, hay “chú hề bác sỹ” Dush đến từ Israel, hiện đang có những chia sẻ về hình thức trị liệu “chú hề bác sỹ” cho các bác sỹ, y tá Việt Nam, trong đó có các bác sỹ, y tá tại bệnh viện Nhi Trung ương, Viện E ở Hà Nội và bệnh viện Nhi đồng 2 ở TPHCM. Đây là hình thức kết hợp nghệ thuật sân khấu với các kỹ năng điều dưỡng y khoa, nhằm gây tác động về tâm lý cho bệnh nhân. Chương trình “chú hề bác sỹ” là một phần chương trình hợp tác, chia sẻ y học giữa Việt Nam và Israel, nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác giữa hai nước.

 

PV Dân Trí đã có cuộc trò chuyện với “chú hề bác sỹ” Dush về công việc được xem là khá mới mẻ với Việt Nam này.

 

Chào Dush, đây là lần đầu tiên ông tới Việt Nam, vậy ông có thể cho biết đôi nét về mình?

 

Tên tôi là David Barashi. Tên “hề” của tôi là Dush. Thực tế, tên này không có nghĩa gì, nhưng như vậy lại tốt, vì mọi người có thể tạo ra bất kỳ ý nghĩa gì từ cái tên này. Tôi muốn mọi người nhớ đến tôi là Dush, là một chú hề mà họ đã từng gặp.

 

Tôi đã làm chú hề trong các nhà hát, nghệ thuật đường phố và các loại hình nghệ thuật khác hơn 15 năm và làm việc với tư cách là “chú hề bác sỹ” chuyên nghiệp, trong dự án “Dream Doctors” đã được 10 năm. Tôi làm việc tại các bệnh viện ở Israsel, làm các chương trình và các khóa thuyết giảng cho các nhân viên bệnh viện trên khắp thế giới như ở Mỹ, Nepal, Singapore, Bulgaria, Ethiopia,Việt Nam và một vài nước nữa.

 

Ở Israel có 90 “chú hề bác sỹ” chuyên nghiệp, làm việc 28 bệnh viện với khoảng 200.000 trẻ mỗi năm. Dự án của chúng tôi không chỉ làm việc với các bệnh nhân nhí mà còn với cả bệnh nhân lớn tuổi, người già.

 

Mục đích công việc của ông với tư cách là “chú hề bác sỹ” là gì?
 
 
Các em bé Việt Nam tỏ ra thích thú với chú hề bác sỹ Dush.
Các em bé Việt Nam tỏ ra thích thú với "chú hề bác sỹ" Dush.
 

Tôi muốn mang đến cho các bác sỹ, y tá, điều dưỡng, những người làm việc cùng với bệnh nhân, thêm những kỹ thuật, công cụ để tạo ra mối liên kết với bệnh nhân, để phát triển những điều điều cơ bản như làm thế nào để bắt đầu chơi một trò chơi, làm thế nào để đưa trò chơi đến với cuộc sống.

 

Tất cả mọi thứ có thể là trò chơi, nhưng trong cuộc sống, mỗi trò chơi đều có ý nghĩa. Trong một trò chơi, bạn phải học cách tự kiềm chế, điều khiển chính mình. Nếu không tự điều khiển được mình, bạn sẽ bắt đầu cư xử không tốt với người chơi khác trong trò chơi. Trong trò chơi bạn cũng phải trung thực, nếu không mọi người không muốn chơi tiếp nữa. Đích của trò chơi là niềm vui, là sự tôn trọng lẫn nhau. Đây là những gì tôi muốn đưa từ trò chơi vào cuộc sống.

 

Trẻ em khi chơi, chúng tập trung 100% vào trò chơi, và chúng không muốn bạn hay người khác lừa dối chúng. Chúng ta, là những người lớn, đôi khi quên mất niềm vui, hạnh phúc bên trong những điều nhỏ bé này. Và khi chúng ta làm việc với trẻ em, chúng ta phải luôn nhớ: phải tìm kiếm đứa trẻ bên trong chúng ta nếu chúng ta muốn hiểu đứa trẻ ở trước mặt chúng ta.

 

Là một chú hề, khi chơi với đứa trẻ trong bệnh viện, tôi chơi hết mình trong trò chơi, tôi chiến thắng khi chúng chiến thắng. Khi tôi thua, với tôi điều tốt nhất là tôi thua để cho chúng.

 

Có phải bệnh viện nào cũng cần “chú hề bác sỹ” không thưa ông?

 

Tôi ước mọi bệnh viện đều có “chú hề bác sỹ” nhưng điều này khó có thể đạt được. Không phải tất cả mọi bệnh viện đều cho phép hoặc có đủ tiền để trả cho “chú hề bác sỹ”. Nhưng nếu không thể mang “chú hề” tới bệnh viện, tôi muốn ít nhất các bác sỹ, y tá có một số kỹ năng, “công cụ” của “chú hề bác sỹ”, để dùng chúng với bệnh nhân, nhất là với trẻ nhỏ.

 

Nếu bệnh viện có khả năng đưa “chú hề bác sỹ” vào, “chú hề bác sỹ”, bác sỹ, y tá nên cùng làm việc với nhau. Khi đó, bác sỹ, y tá chăm sóc mặt ốm yếu của cơ thể bệnh nhân, trong khi “chú hề bác sỹ” chăm sóc mặt tích cực, khỏe mạnh của cơ thể bệnh nhân. Như vậy, cùng nhau, họ chăm sóc toàn bộ cơ thể bệnh nhân.

 

Tôi tin rằng, ở những bệnh viện nhi, chú hề sẽ làm cho môi trường bệnh viện bớt căng thẳng, sợ hãi hơn cho trẻ em. Với những người nghĩ rằng không cần thiết phải có chú hề bác sỹ, thì có thể họ không biết con cháu họ cần gì.

 

Ông nói rằng làm “chú hề bác sỹ” giống như trò chơi, vậy có những trò chơi khác nhau cho những kiểu bệnh nhân nhỏ tuổi khác nhau không?

 

Hầu hết các trò chơi đều giống nhau bởi hầu hết trẻ em trên khắp thế giới đều giống nhau. Còn với những đứa trẻ nhút nhát, hay sợ hãi, rất ốm yếu sẽ mất thời gian hơn. Sẽ luôn có cách để làm việc hay chơi cùng chúng. Thậm chí, bạn có thể dùng những đứa trẻ khác để chơi với chúng và qua một đứa trẻ, bạn thường lôi kéo thêm được nhiều đứa trẻ hơn.

 

Ông đã làm việc với các bác sỹ, y tá ở Bệnh viện Nhi Trung ương, ông đánh giá thế nào về họ? Liệu họ có thể trở thành “chú hề bác sỹ” như ông?

 

Họ không thể trở thành người như tôi. Bởi để trở thành một “chú hề bác sỹ” cần phải mất nhiều năm để học làm “hề” trong nhà hát. Tôi muốn họ vẫn là họ, nhưng muốn mang đến cho họ thêm kỹ năng, công cụ để kết nối với bệnh nhân của họ. Tôi muốn họ có thêm “công cụ” trong chiếc cặp bác sỹ của họ. Tôi nghĩ luôn có chỗ cho “chú hề” trong bệnh viện, nhất là các bệnh viện nhi.

 
Dush trong một buổi hướng dẫn các nhân viên bệnh viện Nhi Trung ương.
Dush trong một buổi hướng dẫn các nhân viên bệnh viện Nhi Trung ương.
 

Trong nhóm các bạn sinh viên tôi làm việc cùng, có một số đến từ các trường đào tạo nghệ sỹ, sân khấu. Tôi nghĩ 4, 5 người trong số họ có khả năng làm “hề” và tôi muốn được tiếp tục chương trình của chúng tôi với họ, để họ có thể làm việc ở bệnh viện này hoặc các bệnh viện khác tại Hà Nội. Bởi họ có “công cụ” để làm “hề” ở Việt Nam, làm hề theo phiên bản Việt Nam, cho trẻ em Việt Nam.

 

Điều khó khăn nhất khi làm “chú hề bác sỹ” là gì?

 

Là tôi không có đủ năng lượng để làm việc. Nếu tôi có năng lượng làm việc, mọi thứ đều trở nên dễ dàng.

 

Ông có thể kể một kỷ niệm đáng nhớ trong 10 năm làm nghề của mình?

 
Dush trong một buổi hướng dẫn các nhân viên bệnh viện Nhi Trung ương.
Dù không kỳ vọng các y bác sỹ mình hướng dẫn trở thành "chú hề bác sỹ chuyên nghiệp", Dush hi vọng họ có thêm "công cụ, kỹ năng hề" khi làm việc.
 

Tôi có rất nhiều câu chuyện khó quên trong những năm làm “hề bác sỹ”. Gần đây nhất, là khi tôi làm việc tại Singapore. Tôi đã “làm việc” cùng với một cậu bé, khoảng 5 tuổi, bị ốm rất nặng, hình như là tới từ Ấn Độ. Cậu ở trong phòng chỉ có bác sỹ, y tá và người nhà được vào. Giữa chúng tôi là cửa kính. Tôi đã làm rất nhiều thứ để “kết nối” với cậu, như nói chuyện, đưa ra trước mặt cậu bé nhiều thứ. Sau đó, tôi mang ra một cây bút, vẽ lên cửa kính. Và chúng tôi đã khiến cậu bé bắt đầu vẽ. Cậu bé vẽ từ phía cửa kính của cậu bé, còn tôi vẽ từ phía cửa cửa kính của tôi. Bức vẽ trở thành một câu chuyện.

 

Sau khoảng 20 phút, tôi phải tới nơi khác. Sáng hôm sau, bà của cậu bé kể lại với một cô y tá trong lớp tôi đào tạo rằng, sau khi tôi đi, cậu bé luôn miệng nói tới “chú hề”, cho tới tận sáng hôm đó. Cậu bé tràn đầy năng lượng, sau một thời gian dài dường như không có chút năng lượng nào.

 

Hai ngày sau, tôi gặp lại cậu bé. Giây phút trước khi cậu bé gặp lại tôi, cậu bé rất mệt, yếu, nhưng sau giây phút cậu bé nhìn thấy tôi, cậu bé đứng dậy, đi về phía cửa sổ với sự trợ giúp của bà. Rồi một lần nữa chúng tôi lại tạo ra “chiến trường” trên cửa sổ, giống như là một bản hòa tấu tuyệt vời chúng tôi cùng nhau chơi. Tất cả mọi người chứng kiến đều cười vui vẻ.
 
Làm “hề bác sỹ” thường có thể thấy ngay được kết quả như vậy. Đây cũng chính là điều giúp tôi tiếp tục làm những gì tôi đang làm.

 

Xin cảm ơn Dush nhiều!

 

Vũ Quý