1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chọn chính sách khôn ngoan, tương lai Việt Nam sẽ sáng lạn

Tổng giám đốc Chương trình Phát triển LHQ cho rằng với những điểm mạnh của mình, nếu lựa chọn chính sách khôn ngoan, tương lai của Việt Nam sẽ rất sáng lạn.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy

Hội thảo “Cải cách kinh tế cho tăng trưởng bền vững và bao trùm” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam tổ chức, khai mạc tại Hà Nội hôm nay (23/3).

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ một số băn khoăn của Việt Nam trong việc tìm kiếm tư duy phát triển mới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng cho biết sự phát triển của Việt Nam trong gần 30 năm Đổi mới là nhờ thay đổi tư duy, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, giải phóng sức sản xuất, và hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở và chủ động.

Nhưng hiện trạng nền kinh tế đang thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình cũng đặt ra những thách thức về tụt hậu và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Vì vậy, Việt Nam đang cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy, tầm nhìn phát triển cũng như bản lĩnh và quyết tâm lớn của cả nền kinh tế, ông Phạm Bình Minh nhận định.

Phó Thủ tướng cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của Việt Nam có hai quan quan điểm chủ đạo quan trọng là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và phát huy tối đa nhân tố con người. Cụ thể là các nhiệm vụ đổi mới thể chế, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, đào tạo và đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng mong các chuyên gia, học giả quốc tế và trong nước dự hội nghị chia sẻ với Việt Nam những nhận thức mới, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về những vấn đề như vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước, xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và cải cách cơ cấu trong trung và dài hạn, vị trí, vai trò mới của nông nghiệp, cần làm gì trong xu thế liên kết kinh tế đa tầng nấc để có thể tham gia,tranh thủ được tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu?...

“Con đường đến đích phát triển bền vững bao giờ cũng nhiều chông gai và trở ngại. Bên cạnh sức mạnh nội sinh và khát vọng vươn lên của cả dân tộc, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đồng hành của UNDP và cộng đồng quốc tế để Việt Nam thực hiện thành công chiến lược phát triển của mình”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Bảo đảm sự tham gia của người dân

Đáp từ, bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP gợi ý một số lĩnh vực quan trọng Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP

Bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP

Đó là cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; công nghiệp hướng tới các ngành có giá trị cao hơn, xác lập lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới, tạo thêm nhiều việc làm tốt.

Mở mang nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và phù hợp có vai trò then chốt, bà Helen Clark nói.

Cùng với đó là một hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại, bà lưu ý về sự bất bình đẳng đang gia tăng trong việc tiếp cận các dịch vụ có chất lượng.

Bà Helen Clark cũng không quên nhắc Việt Nam về nguy cơ thảm họa do biến đổi khí hậu. “Mỗi đôla đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa hôm nay có thể tiết kiệm được hơn 4 đôla chi phí về cứu trợ và tái thiết trong tương lai”, Tổng giám đốc UNDP cho rằng môi trường bền vững thì nền kinh tế mới bền vững.

Cuối cùng, bà Heken Clark chia sẻ quan điểm về việc phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn.

“Đấu tranh chống tham nhũng và bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển là hai trong số những tập quán quốc tế tốt được ghi nhận trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững”, bà nói.

Bà Helen Clark lạc quan: “Việt Nam có nhiều điểm mạnh của riêng mình, trong đó có lực lượng lao động tương đối trẻ và cạnh tranh, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý ở trung tâm một khu vực phát triển năng động. Với những lựa chọn chính sách khôn ngoan, tương lai của Việt Nam sẽ rất sáng lạn”.


Theo Chung Hoàng
VietnamNet