1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính trường Australia "nổi sóng" vì vấn đề người tị nạn

(Dân trí) - Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Scott Morrison và 2 cơ quan lập pháp Australia đang mâu thuẫn nhau về cách tiếp cận đối với vấn đề người tị nạn, dẫn tới những căng thẳng trong suốt thời gian qua.

Chính trường Australia nổi sóng vì vấn đề người tị nạn - 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison (Ảnh: AFP)

 

Sau khi Thượng Viện Australia bỏ phiếu thông qua dự luật về sơ tán y tế cho người tị nạn ở Nauru và Đảo Manus của Papua New Guinea, Thủ tướng Australia, Scott Morrison ngay lập tức đã công bố mở cửa lại trại tị nạn trên đảo Giáng Sinh (nằm cách đất liền Australia 1.550km). Trại này vừa đóng cửa vào tháng 10 năm ngoái.

Trước đó, ngày 12/2, Đạo luật sơ tán y tế cho người tị nạn được đảng Lao động, đảng Xanh và các nghị sĩ độc lập ủng hộ thông qua ở Hạ viện. Đạo luật này cho phép bác sỹ có thể tham gia vào việc quyết định đưa người tị nạn từ các cơ sở ngoài khơi vào biên giới Australia để chữa bệnh. Theo giới quan sát, đây được coi là một đạo luật có tính nhân đạo và vì vậy đảng Lao động đã có thể thuyết phục được các nhà lập pháp khác liên minh và qua mặt chính phủ.

Trong vòng 90 năm qua, chỉ có hai lần chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu thông qua luật ở Hạ viện. Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm qua chính phủ Australia đánh mất đa số phiếu ủng hộ ở cơ quan lập pháp.

Luật mới vẫn cho phép Bộ trưởng Nội vụ có quyền phủ quyết về việc sơ tán y tế dựa trên cơ sở an ninh quốc gia và các tiêu chuẩn cụ thể về hồ sơ.

Tuy nhiên, chính phủ ông Morrison cho rằng việc đưa quyết định của bác sĩ vào sẽ làm giảm quyền quyết định của Bộ trưởng Nội vụ và sẽ dẫn đến một làn sóng tị nạn mới tìm cách “lách” luật để vào được Australia.

Ông Morrison đã chỉ trích chủ tịch đảng Lao động Bill Shorten sử dụng “lá bài” chính trị, bắt tay với đảng Xanh và các nghị sĩ độc lập để sửa đổi một đạo luật của chính phủ, rộng cửa việc sơ tán y tế cho người tị nạn từ các trại giam ngoài khơi đến Australia và làm suy yếu biên giới nước này.

Ngoài mở cửa lại trại tị nạn ở đảo ngoài khơi, ông Morrison cũng công bố một chiến dịch toàn diện nhằm siết chặt hơn nữa việc bảo vệ đường biên giới bao gồm tăng cường tuần tra trên không và trên biển, tích cực thu thập thông tin tình báo nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng đến những người có ý định lên thuyền vượt biên đến Australia rằng cánh cửa đến Australia vẫn đang đóng chặt.

Không chấp nhận thất bại, ông Morrison tuyên bố sẽ huỷ luật này nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới với đa số phiếu.

Cựu chỉ huy Lực lượng Biên phòng Australia Roman Quaedvlieg cho rằng chính phủ ông Morrison cần phải gửi đi những thông điệp “mạnh mẽ và nhất quán” đến những người nung nấu kế hoạch vượt biên trái phép rằng con đường đến Australia không dễ dàng. 

Về phía mình, dù đảng Lao động bỏ phiếu thông qua nhưng ông Shorten khẳng định rằng luật mới chỉ áp dụng cho những người tị nạn đang ở Manus và Nauru.

Ông nói rằng Đảng Lao động không muốn làm suy yếu an ninh biên giới. “Chúng tôi muốn biên giới Australia an toàn. Chúng tôi không muốn nạn buôn người bùng phát trở lại,” ông Shorten nói.

Thiên An

Tổng hợp