1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chính trị gia châu Âu nhận định thời điểm kết thúc xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quan chức và chính trị gia châu Âu đã đưa ra nhận định về khả năng xung đột Nga - Ukraine kết thúc sau hơn hai năm leo thang căng thẳng.

Chính trị gia châu Âu nhận định thời điểm kết thúc xung đột Ukraine - 1

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (Ảnh: RT).

Hãng thông tấn TASR đưa tin, Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 16/10 cho biết xung đột ở Ukraine nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc.

"Khả năng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong thời gian ngắn là rất cao", nhà lãnh đạo Slovakia nói, đồng thời cho biết ông hy vọng cuộc họp của Hội đồng châu Âu sẽ chỉ ra thời điểm xung đột Ukraine có thể kết thúc.

Ông Fico đưa ra nhận định trên trước khi lên đường đến Brussels, Bỉ để tham dự cuộc họp của Hội đồng châu Âu, nơi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được mời trình bày "kế hoạch chiến thắng" do ông đề xuất.

Thủ tướng Fico nhắc lại rằng Slovakia, một quốc gia thành viên NATO, phản đối việc mời Ukraine gia nhập liên minh vì ông tin rằng điều đó sẽ dẫn đến Thế chiến 3.

Đầu tháng này, ông Fico cũng từng nói rằng Slovakia sẽ phủ quyết khả năng Ukraine gia nhập khối NATO do Mỹ lãnh đạo và sẽ "không bao giờ đồng ý" vì động thái như vậy có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới.

Chính trị gia kỳ cựu người Séc Vaclav Klaus dự đoán Ukraine và Nga sẽ vẫn tiếp tục xung đột vũ trang cho đến khi "Mỹ tuyên bố rằng chiến tranh phải kết thúc".

Ông Klaus là tổng thống thứ hai của Cộng hòa Séc từ năm 2003 đến năm 2013, trước đó từng giữ chức thủ tướng và giữ nhiều chức vụ trong nội các. Ông đã chia sẻ quan điểm ảm đạm của mình về cuộc xung đột ở Ukraine với kênh truyền thông trực tuyến XTV vào tuần trước.

Ông Klaus từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán nào về thời điểm chính xác xung đột kết thúc, nhưng cho biết ông dự đoán Ukraine và Nga "sẽ phải đổ máu thêm một thời gian nữa".

Chính trị gia người Séc trước đây đã bày tỏ lo ngại về cái gọi là Bẫy Thucydides có thể đang dẫn dắt Washington. Thuật ngữ này được nhà khoa học chính trị người Mỹ Graham Allison đặt ra để mô tả xu hướng một cường quốc đang suy yếu sẽ tham gia vào chiến tranh khi vị trí đứng đầu của họ bị đe dọa bởi một đối thủ mới nổi.

Trong một bài phát biểu tại Munich vào tháng 2 năm ngoái, ông Klaus cho biết Mỹ dường như đang cố gắng tránh bị gạt ra ngoài lề bằng cách làm phức tạp mọi thứ, đồng thời gia tăng hỗn loạn và bất ổn.

"Hành vi như vậy có thể gây ra một cuộc xung đột quy mô lớn trong trường hợp một số bên tham gia khác tính toán sai lầm về mặt chiến lược", ông cảnh báo, chỉ ra sự leo thang của bạo lực ở Đông Âu và Trung Đông.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã trình bày "kế hoạch chiến thắng" của Ukraine trước quốc hội nước này vào ngày 16/10. Ông Zelensky nói rằng "nếu bắt đầu hành động theo ý tưởng này và thực hiện kế hoạch chiến thắng cụ thể ngay bây giờ, chiến tranh có thể kết thúc vào năm tới".

Phát biểu hôm 11/10 nhân chuyến thăm tới Đức, Tổng thống Zelensky cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc xung đột sẽ kết thúc "muộn nhất là vào năm 2025".

Lực lượng Ukraine đã gặp nhiều khó khăn trong vài tuần qua khi mất quyền kiểm soát nhiều khu vực then chốt ở vùng Donbass miền Đông. 

Cho đến nay, Kiev vẫn tiếp tục nhấn mạnh "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky để làm cơ sở cho việc giải quyết xung đột với Nga. Đây là một danh sách gồm 10 điểm, trong đó có điều khoản yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Nga đã bác bỏ mọi cuộc thảo luận về công thức hòa bình mà Moscow cho là vô ích và vô nghĩa. Vào tháng 6, Tổng thống Vladimir Putin đã nêu ra một loạt điều kiện cho lệnh ngừng bắn với Ukraine, bao gồm việc công nhận các yêu cầu của Nga đối với một số vùng lãnh thổ nhất định, phi phát xít hóa Kiev và từ chối có ràng buộc pháp lý đối với tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Theo RT