1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chính sách ngoại giao và giấc mơ Á-Âu của Tổng thống Putin

Năm 2013, thông qua sự hiện diện trên khắp lục địa Á-Âu và làm cầu nối giữa phương Đông và phương Tây, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin đang trên con đường khôi phục niềm kiêu hãnh cũng như ảnh hưởng đối với thế giới.

Tổng thống Nga Putin.
Tổng thống Nga Putin.

Từ việc đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria tới làm trung gian để giữa Iran và các cường quốc thế giới đạt được một thỏa thuận hạt nhân, hay tạo dựng quan hệ đối tác mới với những quốc gia "đàn em" tại chính sân sau của mình, nước Nga đang chiếm vị trí trung tâm trên vũ đài chính trị chính trị thế giới.

Tổng thống Putin đã đi những nước cờ ngoại giao khôn khéo tại "sân chơi" Syria. Moskva đã thuyết phục Damascus không chỉ thừa nhận sự tồn tại của các kho vũ khí hóa học mà còn chấp thuận đặt chúng dưới sự kiểm soát quốc tế. Điều này giúp đẩy lùi một cuộc tấn công quân sự chống lại Syria. Ông Putin một lần nữa ông chứng minh được rằng, tại Trung Đông bất ổn, Nga đóng vai trò một quan trọng, không thể bị phớt lờ.

Sự hợp tác trong chừng mực nào đó giữa Moskva và Washington trong vấn đề Syria đã giúp họ có tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Iran. Anatoli Adamishin, chính trị gia Nga đã về hưu, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội hợp tác châu Âu-Đại Tây Dương, đánh giá rằng quan điểm của Nga đang dần thắng thế tại vòng đàm phán hạt nhân mới đây của Iran. Mặc dù kết quả của thỏa thuận sơ bộ Geneva hiện vẫn chưa rõ ràng, song Nga đã nhen nhóm lên ánh sáng cuối đường hầm.

Trên trang xã luận của "Thời báo New York", Tổng thống Putin đã thuyết giảng cho các chính trị gia tại Washington, bằng cách trực tiếp phê phán chủ nghĩa đơn cực và biệt lập của Mỹ, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc xây dựng một thế giới đa cực. Ông Putin đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng: Nga không có ý định thách thức Mỹ về vấn đề Syria và đa số các vấn đề khác trên "bàn cờ" toàn cầu, song nước này yêu cầu tiến hành một cuộc đối thoại dựa trên sự công bằng và một trật tự thế giới đã được điều chỉnh lại. 

Một mặt trận ngoại giao khác mà Moskva can dự tích cực là việc Ukraine liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Theo quan điểm của Nga, việc đưa Kiev trở lại quỹ đạo của nước này được xem là một chiến thắng ngoại giao trước EU. Nga lâu nay rất cảnh giác trước tham vọng của EU muốn mở rộng về phía các nước láng giềng phía Đông nước Nga.

Tổng thống Putin đang tích cực cổ súy một liên minh Á-Âu để làm đối trọng với EU, bắt đầu từ một Liên minh Hải quan do Nga lãnh đạo, liên minh này bao gồm Belarus, Kazakhstan và Armenia đang là một ứng cử viên. Nga đang nỗ lực giành lại ảnh hưởng đối với các nước thuộc Liên Bang Xôviết cũ, đôi khi còn sử dụng biện pháp "cây gậy và củ cà rốt". Trong vòng 2 năm tới, Nga sẽ tập trung vào việc thúc đẩy tiến trình hội nhập Á-Âu, vì đây là trọng tâm trong kế hoạch định hình lại bức tranh địa chính trị của Nga về lâu dài. 

Mặc dù đang hợp tác trong các vấn đề Syria và Iran, song những mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây nhìn chung ngày càng trở nên gay gắt hơn. Điều này là hiển nhiên trong bối cảnh Nga đang tự xa lánh phương Tây và tìm sự đối trọng tại phương Đông. Các chuyên gia dự đoán tiềm năng của châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai sẽ có tác động mạnh mẽ lên chính sách ngoại giao của Nga hơn so với hiện nay, trong khi Mỹ cũng đang thực hiện chiến lược tái cân bằng tại khu vực này.

Là nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất của thế giới, Moskva cam kết giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào thị trường châu Âu. Điều này dang dần thu hẹp cửa sổ châu Âu-Đại Tây Dương và mở rộng cánh cửa châu Á-Thái Bình Dương. 

Các chuyên gia cho hay, vẫn chưa có "bước đột phá nào" trong chính sách hướng Đông của ông Putin trong năm 2013, song những động thái ngoại giao đang đi đúng hướng, thể hiện qua quan hệ hợp tác đối tác chiến lược với Trung Quốc, thành công mang tính chiến thuật trong quan hệ Nga-Nhật với việc cả hai bên lần đầu tiên tổ chức hội đàm "2+2" (hội đàm giữa các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước), hay hợp tác kỹ thuật-quân sự chặt chẽ với Ấn Độ và Việt Nam.
Timofei Bardachyov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về châu Âu và quốc tế tại Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia, cho biết Tổng thống Putin đã tiếp nối những truyền thống ngoại giao của Nga nhằm cân bằng giữa phương Tây và phương Đông, đóng vai trò cầu nối giữa châu Âu và châu Á.

Không ai có thể phủ nhận rằng Nga là một cường quốc với tiềm năng to lớn. Mặc dù sự sụt giảm dân số và sự yếu kém mang tính cấu trúc của nền kinh tế đang làm xói mòn sức mạnh của nước này, Nga vẫn là một cường quốc năng lượng với diện tích khổng lồ và kho vũ khí hạt nhân. Nga hiện đảm nhiệm vị trí thường trực và nắm giữ quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Với chính sách ngoại giao của ông Putin, không quyết đoán hay gây chiến, mà thay vào đó là kiến tạo hòa bình, Nga đang trên con đường phục hồi niềm tự hào dân tộc, đề ra chương trình nghị sự quốc tế và tham gia xây dựng trật tự thế giới mới.

Theo TTK
Baotintuc.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm