1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính sách “Hướng Đông” và tiềm năng hợp tác Việt - Nga

(Dân trí) - Tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã tái khẳng định chính sách hướng Đông của nước này. Ông Putin tuyên bố, với chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, Nga sẽ biến vùng Viễn Đông thành một trung tâm chính để hội nhập có hiệu quả với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Chính sách “Hướng Đông” và tiềm năng hợp tác Việt - Nga - 1

Tổng thống Putin (Ảnh: RT)

Từ chiến lược phát triển đến chính sách ưu tiên vùng

Trong 4 nội dung về “chiến lược biển mới” của Nga, Moscow đã xác định sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng Viễn Đông với các giải pháp thiết thực nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư châu Á, trong đó có Việt Nam.

Viễn Đông là vùng xa nhất của nước Nga, có diện tích trên 6.169.300km2, chiếm 36% so với cả nước, với dân số 6.500.000 người. Mật độ bình quân 1km2/người.

Tuy là vùng mật độ dân cư rất thấp, nhưng Viễn Đông lại tiềm ẩn nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú, da dạng gần như có tất cả các kim loại giá trị, ở tầm quan trọng chiến lược, đặc biệt trong việc đưa nước Nga trở thành một siêu cường về nhiều lĩnh vực.

Trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực Viễn Đông và Baikal đến năm 2025”. Nga đã xác định 3 giai đoạn. Kể từ  năm 2016 đến 2020 là giai đoạn 2, với trọng tâm là phát triển các dự án năng lượng, vận tải hành khách và hàng hóa, thiết lập mạng lưới vận chuyển, gia tăng sản xuất và xuất khẩu nguyên vật liệu.

Công dân Nga cư trú tại đây sẽ được cấp ba ha đất để xây dựng nhà ở. Dự kiến đến năm 2025, GDP/đầu người sẽ tăng từ 19 nghìn rúp lên 66 nghìn rúp; diện tích nhà ở trung bình tăng từ 19m2 lên 32m2; tỷ trọng số lượng sản phẩm sáng tạo chiếm từ 8,9% lên 16%.

Năm 2009 Chính phủ Nga đã đầu tư 6 tỷ USD cho khu vực và khởi công xây dựng đường ống dẫn dầu từ Đông Sibiar đến Viễn Đông, nhằm kết nối nguồn dầu mỏ của Nga với các nền kinh tế ở châu Á.

Trong 10 - 15 năm tới, Viễn Đông sẽ xuất khẩu sang Đông Bắc Á các mặt hàng như: nhiên liệu, điện năng, lâm, hải sản và sản phẩm công nghệ cao. Trong đó xuất khẩu nhiên liệu rắn 45%, sản phẩm hoá dầu 60% và hải sản 97%.

Cơ hội khai thác tiềm năng hợp tác

Việt Nam - Nga đã có mối quan hệ gắn bó lâu đời (1/1950), hai bên đã có hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Kim ngạch thương mại Việt - Nga hiện nay gấp ba lần so với chỉ số trung bình của thế giới. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 4 tỷ USD (2013) và dự kiến đạt 7 tỷ USD (2015), 10 tỷ USD (2020).

Chính phủ Nga đang có chính sách kêu gọi nguồn lao động từ các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Năm 2013, nhân chuyến thăm của Tông thống Putin đến Việt Nam, 2 nước đã quyết định thành lập “Tổ Công tác chung về hợp tác giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với chủ thể của Đại khu liên bang Viễn Đông”.

Hai bên cho rằng cần tích cực thúc đẩy hợp tác giữa địa phương hai nước theo hướng thực chất, hiệu quả, trong đó có việc hợp tác đầu tư xây dựng khu công nghiệp nhẹ tại vùng Viễn Đông của Nga.

Những ngành mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng hợp tác với Nga như: khai thác dầu khí; những ngành thu hút nhiều lao động (dệt may, da giày, chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất)... Việt Nam cũng đã có hơn 1.000 lao động đang sống và làm việc tại vùng Viễn Đông của Nga.

Việt Nam hiện là một trong 6 quốc gia hàng đầu về đóng tàu và sẵn sàng tham gia tích cực vào việc hiện đại hóa và phát triển ngành tàu biển tại vùng Viễn Đông của Nga. Công ty Petrovietnam hiện đang liên doanh đầu tư khai thác dầu có hiệu quả trên lãnh thổ Nga như ở các mỏ Visovoi, Nhenhetxky, Nagumanov và condensate…

Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam năm 2013, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh “quan hệ Nga - Việt là quan hệ đặc biệt, còn trên cả đối tác chiến lược, vì quan hệ hai nước là quan hệ truyền thống đã vượt qua nhiều thử thách và không phản bội nhau”.

Điều đó cho thấy tính chất của quan hệ hợp tác Việt - Nga được ông Putin nhấn mạnh với niềm tin mãnh liệt, vì quan hệ hai nước không chỉ có lợi ích kinh tế mà còn là niềm tin chính trị. “Uống nước nhớ nguồn” - lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng được ông Putin trân trọng nhắc lại đã nói lên điều đó.

Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần này ông Putin nhấn mạnh, về môi trường đầu tư, các dự án cụ thể với các ưu đãi đặc biệt. Tổng thống Nga cam kết, Chính phủ Nga sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết từ cơ sở hạ tầng đến việc cung cấp các chính sách ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp.

Đối Việt Nam, hai bên đã và đang xem xét các ưu tiên xoay quanh việc cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp mới thành lập, miền trừ thuế tài sản và thuế đất đai; điều chỉnh thuế khai khoáng, nhập khẩu các thiết bị công nghệ, sản phẩm và xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga.

Việt Nam khẳng định hợp tác với Nga khai thác vùng Viễn Đông là một chủ trương hết sức đúng đắn, không chỉ về lợi ích kinh tế mà còn về lợi ích chính trị có liên quan tới việc tạo cơ hội phát triển nhanh và đồng đều cho các vùng, miền của cả hai quốc gia.

Tham gia Diễn đàn lần này, đoàn doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế đầu tư với vùng Viễn Đông của Nga và đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Nga trong việc tổ chức Diễn đàn.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thoả thuận ban đầu cho việc đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, sử dụng lao động, dầu khí và than đá.

Vì thế, việc tăng cường hợp tác Việt - Nga khai thác vùng Viễn Đông của Nga cũng là cơ sở để đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nga trong thời kỳ mới.

Nguyễn Nhâm

 

Chính sách “Hướng Đông” và tiềm năng hợp tác Việt - Nga - 2