1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính phủ Mỹ đóng cửa: Khi voi, lừa đánh nhau

(Dân trí) - Câu chuyện Chính phủ Mỹ đóng cửa ngừng hoạt động một phần đã làm cả thế giới chấn động và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tại nền kinh tế số 1 thế giới, đồng thời nó cũng bộc lộ ra một điểm yếu lâu đời trong hệ thống chính trị Mỹ.

 
Nhiều cơ quan, dịch vụ của chính phủ Mỹ đóng cửa vì thiếu ngân sách.
Nhiều cơ quan, dịch vụ của chính phủ Mỹ đóng cửa vì thiếu ngân sách.

Gần 2 năm sau khi thoát trong gang tấc thảm họa đóng cửa chính phủ năm 2011, Chính quyền Washington đã không thể lặp lại lần thứ 2 cú thoát hiểm ngoạn mục. Ngày 1/10/2013, thời điểm kết thúc ngân sách tài khóa 2013, đã đánh dấu lần đầu tiên sau 17 năm các cơ quan chính phủ liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động vì hết ngân sách do Quốc hội lưỡng viện Mỹ không thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng về dự thảo ngân sách mới.

Việc một bộ phận công sở của Chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa lần đầu tiên trong 17 năm qua này đã ngay lập tức tác động không chỉ tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân Mỹ.

Ước tính có  từ 800.000 đến một triệu công chức liên bang phải nghỉ việc không lương; 1,4 triệu binh lính tiếp tục thi hành nhiệm vụ nhưng có thể phải lĩnh lương chậm; Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên. Các địa điểm du lịch quốc gia từ Tượng Nữ thần Tự do ở New York đến Công viên Quốc gia Denali ở Alaska đều được lệnh đóng cửa trong khi các dịch vụ chính phủ không cần thiết đều bị ngừng hoạt động. Người dân Mỹ cũng đã không còn được nhận các khoản hỗ trợ cho vay liên bang hay hỗ trợ thực phẩm cho trẻ em và phụ nữ có thai.  

Trong khi đó, giới chuyên gia cũng lần lượt đưa ra cảnh báo về những tác động nghiêm trọng có thể sinh ra từ việc ngừng hoạt động của chính phủ. Theo đó, việc đóng cửa công sở liên bang dự báo sẽ gây thiệt hai cho nền kinh tế Mỹ mỗi tuần một tỷ USD, nhưng nếu đóng cửa kéo dài từ 3 đến 4 tuần thì tổng thiệt hại sẽ lên tới 55 tỷ USD. Các chuyên gia cảnh báo việc đóng cửa các công sở liên bang nếu kéo dài một tuần có thể làm giảm 0,2% đến 0,4% tốc độ tăng GDP của Mỹ.

Cũng theo các chuyên gia, việc đóng cửa có thể làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong khi các nhà đầu tư thị trường chứng khoán trong ngày 1/10 đã đua nhau bán bớt tài sản, khiến cổ phiếu đồng loạt mất giá. Việc đóng cửa nếu kéo dài sẽ làm giảm nguồn thu từ ngành du lịch và người tiêu dùng Mỹ có thể cũng phải giảm bớt chi tiêu.

Kể từ đợt chính phủ đóng cửa lần trước cách đây 17 năm, các dự luật ngân sách tạm thời thường không phải là vấn đề gây tranh cãi, không một đảng nào sẵn sàng đánh liều việc đóng cửa để đạt được các mục tiêu lập pháp mà họ không thể giành được. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu mới nhất này, Thượng viện do đảng Dân chủ đứng đầu và Hạ viện do đảng Công hòa nắm quyền kiểm soát đã không thể tìm được sự đồng thuận đối với dự luật cải tổ y tế của chính quyền Barack Obama - thường được gọi là “Obamacare”.

“Obamacare” quy định tất cả người Mỹ đều buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị phạt về kinh tế. Ðể có kinh phí cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người, chính quyền Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với những người giàu có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm. Kể từ khi được đề xuất, dự luật này không ngừng vấp phải những phản đối quyết liệt từ tầng lớp người giàu và các nghị sỹ Cộng hòa.          

Trong nỗ lực sau đó một ngày nhằm rút ngắn nhất có thể được thời gian đóng cửa các công sở liên bang, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo chóp bu của hai đảng tại Quốc hội vẫn không thể vượt qua “hòn đá tảng” này.

Các nhà lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện tuyên bố mọi đề xuất, nếu không bao gồm các khoản ngân sách cho chương trình “Obamacare”, sẽ đều bị Thượng viện bác bỏ. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố mọi kế hoạch chi tiêu ngân sách, nếu được thông qua để chấm dứt việc đóng cửa công sở liên bang, thì đều phải bao gồm các điều khoản "chống Obamacare".

Một số cộng sự của các nhà lãnh đạo Quốc hội cho biết cuộc gặp diễn ra trong không khí khá thẳng thắn, nhưng cả hai bên đều không có dấu hiệu nhượng bộ nhằm mở lại một bộ phận công sở liên bang bị đóng cửa đã bước sang ngày thứ tư. Hai đảng cũng tiếp tục đổ lỗi cho nhau về việc chính phủ Mỹ ngừng hoạt động.

Trong khi đó, thăm dò công bố ngày 1/10 của Reuters/Ipsos cho biết có 44% những người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng cả Nhà Trắng và Quốc hội đều phải chịu trách nhiệm về việc đóng cửa này, trong đó có 25% đổ lỗi cho phe Cộng hòa, 14% quy trách nhiệm cho Chính quyền Obama và 5% đổ lỗi cho các nhà lập pháp Dân chủ.

Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ bị đẩy đến bước đường đóng cửa tạm thời không chỉ là vấn đề tìm kiếm người chịu trách nhiệm, nó phản ánh một căn bệnh trầm kha cũng là một điểm yếu đang tồn tại trong chính quyền nước Mỹ, đó là đối đầu và tranh đấu không ngừng trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát chính quyền bắt nguồn từ những khác biệt trong hệ tư tưởng của hai đảng. Đảng Dân chủ theo đuối chủ nghĩa Tự do trong khi đảng Cộng hòa đi theo chủ nghĩa Bảo thủ. Tại Mỹ, đảng Cộng hòa được coi là đảng của giới kinh doanh giàu có trong khi đảng Dân chủ là đảng của tầng lớp lao động.

Hố ngăn cách về tư tưởng và lợi ích ngày một sâu trong suốt hơn 150 năm hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chi phối nền chính trị Mỹ cộng với sự phân cực xã hội ngày càng lớn và kéo dài hàng thập kỷ đã nhào nặn ra một hệ thống chính trị mà ở đó Quốc hội được nhồi nhét bởi các phe phái không hề có động cơ thỏa hiệp với nhau trong bất cứ vấn đề gì.

Việc đóng cửa là kết quả trực tiếp từ bất đồng xung quanh chương trình “Obamacare” nhưng nhìn xa hơn, nó còn là hậu quả của nhiều năm ròng đấu đá, giành giật quyền lực không khoan nhượng giữa Nhà Trắng và Quốc hội, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xung quanh các chính sách cắt giảm chi tiêu, cải cách thuế má và hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế.

Có vẻ như sự phân cực ngày càng sâu rộng theo thời gian giữa hai đảng lớn của nước Mỹ đang làm cho cả hai phe tập trung vào tranh đấu chính trị thay vì tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề quan trọng. Trong khi Lừa và Voi đang bị cuốn vào một cuộc đấu đá không thể dự đoán hồi kết, những người đang trực tiếp chịu tác động lại là những người dân trong xã hội.    

Đặc biệt, trong bối cảnh trần nợ quốc gia 16.700 tỷ USD sắp tới hạn mà nếu Quốc hội không cho phép nâng mức trần thì Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn được quyền vay mượn để chi cho hoạt động của các bộ ngành và các chương trình phúc lợi xã hội, không ai có thể nói trước cuộc đối đầu sẽ tiếp diễn ra sao.

Trong một kịch bản tồi tệ nhất, nước Mỹ sẽ buộc phải tuyên bố vỡ nợ, kéo hệ thống tài chính toàn cầu vào mớ hỗn loạn như đã từng xảy ra năm 2008. Viễn cảnh đó nghe có vẻ không tưởng và các chính khách của Đồi Capitol sẽ không cho phép một thảm họa như vậy xảy ra. Nhưng vào thởi điểm hiện tại, không thể loại trừ khả năng nào, nhất là trong bối cảnh các bên đều cho thấy sự cứng rắn không lay chuyển như hiện nay.

Vũ Anh