1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chính phủ Iceland sụp đổ vì khủng hoảng tài chính

(Dân trí) - Chính phủ liên minh của Iceland đã sụp đổ dưới áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 
Chính phủ Iceland sụp đổ vì khủng hoảng tài chính - 1

Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, Thủ tướng Iceland, ông Geir Haarde cho rằng chính phủ liên minh của ông đổ vỡ một phần là do cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng leo thang. Ông cho biết sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống.

“Tôi thực sự lấy làm tiếc vì chúng tôi không thể tiếp tục duy trì liên minh này. Tôi tin rằng đây là kết cục tốt nhất”, ông nói với báo giới tại quốc hội.

Ngay trước đó, Bộ trưởng Thương mại Bjorgvin Sigurdsson cũng đã thông báo từ chức và cam kết chịu trách nhiệm trước tình hình kinh tế trong nước.

Theo báo chí trong nước, khủng hoảng kinh tế trầm trọng chính là nguyên nhân dẫn tới tình hình hiện nay ở nước này.

Từ một quốc gia được xem là thịnh vượng nhất thế giới, Iceland đã bị tuột dốc kinh tế nghiêm trọng, mức suy thoái dự kiến 9,6% trong năm nay, và thất nghiệp lên tới gần 8%.

Iceland đã trở thành một trong những nước giàu nhất châu Âu với động lực phát triển kinh tế là các ngân hàng. Nhưng chính việc tồn tại nhiều ngân hàng có tầm cỡ ở một quốc gia có nền kinh tế nhỏ lại là nguy cơ với nước này khi xuất hiện những “cơn lốc” khủng hoảng tài chính.

Chính phủ phải quốc hữu hóa một loạt ngân hàng lớn. Người dân đổ xô đi rút tiền, các nhà đầu tư nước ngoài không thể rút vốn khỏi Iceland, thị trường chứng khoán đóng cửa, tiền mất giá, lạm phát tăng vọt, lãi xuất ngân hàng lên tới hơn 15%, giá hàng nhập khẩu leo thang chóng mặt… Tất cả khiến tình trạng kinh tế của Iceland ngày càng trở nên rối ren hơn.

Người dân Iceland quy cho chính phủ trách nhiệm không có khả năng đối phó với khủng hoảng và đòi thủ tướng chính phủ từ chức.

Lần đầu tiên từ sáu mươi năm qua, tại Iceland đã xảy ra những cuộc biểu tình chống chính phủ dữ dội, có đụng độ giữa cảnh sát và người xuống đường.

Dân Iceland đã biểu tình bày tỏ sự tức giận đối với giới lãnh đạo. Họ ném trứng, khua xoong nồi trước khi nổi lửa trên đường phố.

Trong lịch sử nước này, lần biểu tình dữ dội duy nhất là vào năm 1949, cả nước xuống đường chống lại việc gia nhập khối NATO.

Đứng trước những cuộc biểu tình phản đối dữ dội của dân chúng, chiều ngày 23/1, Thủ tướng Geir Haarde đã tuyên bố sẽ rời chức vụ trong tháng Ba và tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 9/5/09, tức là sớm hơn hai năm.
 
Nguyễn Viết
Theo AP, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm