1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính phủ bác đề nghị ngừng bắn, quốc tế chống chiến dịch vào Libya

(Dân trí) - Chính phủ Libya đã bác bỏ thoả thuận ngừng bắn mà họ gọi là “điên rồ” của phe nổi dậy, trong khi lực lượng liên quân tiếp tục không kích vào nước nước này nhưng ngày càng nhiều nước đòi chấm dứt hành động quân sự vào Libya.

 
 
Chính phủ bác đề nghị ngừng bắn, quốc tế chống chiến dịch vào Libya - 1
Những chiến binh phe nổi dậy


Chính phủ của ông Muammar Gaddafi hôm qua đã bác bỏ thẳng thừng mọi điều kiện mà lực lượng chống chính phủ đưa ra để đổi lấy một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy các nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm làm dịu tình hình chiến sự căng thẳng ở nước này.

Truyền hình Libya đưa tin lực lượng do phương Tây đứng đầu vẫn tiếp tục các cuộc oanh kích “nhằm vào các địa điểm quân và dân sự” ở các thành phố thuộc Khoms (khu vực cách thủ đô Tripoli 100km về phía đông) và Arrujban (190km về phía tây nam) tối hôm qua.

Tại thành phố chính Benghazi do phe nổi dậy kiểm soát, thủ lĩnh đối lập và là cựu Bộ trưởng Tư pháp Mustafa Abdul-Jali nói với các phóng viên phe nổi dậy sẵn sàng chấp thuận một cuộc ngưng bắn dưới những điều kiện đúng đắn.

“Các điều kiện phải rõ ràng, bao gồm cho người Libya ở miền tây được tự do hoàn toàn quyết định số phận của mình, chính phủ phải rút tất cả lính đánh thuê trên các đường phố và những tay súng bắn tỉa trên các mái nhà, cùng với các lực lượng thân chính phủ chấm dứt bao vây các thành phố miền tây.”

Chỉ vài giờ sau đó, người phát ngôn chính phủ nói với báo giới tại Tripoli: “Lực lượng chống chính phủ đang yêu cầu chúng ta rút khỏi các thành phố của chúng ta. Tôi không thể nghĩ đây là gì khác ngoài là một hành động điên rồ. Chúng ta sẽ không rời bỏ các thành phố của chúng ta”.

Phe nổi dậy hôm qua còn tuyên bố mục đích của phe nổi dậy “là giải phóng Libya khỏi quyền cai trị của Gadhafi trong khi vẫn giữ gìn sự thống nhất và Tripoli vẫn là thủ đô của nước này”; Hội đồng lâm thời của phe nổi dậy đã tiếp xúc với Hội Chữ thập đỏ Quốc tế để trao đổi tù binh với các lực lượng trung thành với Gadhafi.

Thế giằng co tại Libya

Đô đốc Mỹ Mike Mullen phát biểu trước một ủy ban của Hạ viện rằng hỏa lực của quân chính phủ Libya vẫn còn gấp 10 lần quân nổi dậy.

Tại cũng cuộc họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lặp lại quan điểm rằng Mỹ sẽ không "đặt chân lên đất Libya".

Trong những ngày vừa qua, phe nổi dậy đã yêu cầu liên quân tổ chức thêm các cuộc oanh tạc. Đô đốc Mullen nói tại Hạ viện rằng thời tiết xấu trong ba, bốn ngày qua đã cản trở không quân xác định mục tiêu.

Ông ước tính chiến dịch không kích của liên quân đã tiêu diệt chừng 20% tới 25% lực lượng Gaddafi, nhưng điều đó không có nghĩa đã đến lúc bẻ gãy được lực lượng của họ.

Có tin bảy thường dân bị thiệt mạng trong một trận oanh kích của liên quân vào đoàn xe của phe Gaddafi ở miền Đông Libya.

Hiện giờ hai phe nổi dậy và quân Gaddafi dường như đang ở giai đoạn giằng co.

Hôm qua, tin tức cho biết những chiến binh phe nổi dậy bắn rốckết từ các vị trí dọc theo xa lộ chạy dọc theo bờ biển bên ngoài thị trấn Brega, trong khi các lực lượng trung thành với Gadhafi hoạt động bên trong thị trấn.

Nhiều nhóm chiến binh của phe nổi dậy cũng rút về thị trấn lân cận Ajdabiya, một điểm có thể khống chế xa lộ chiến lược dẫn đến thành phố Benghazi và Tobruk do phe nổi dậy nắm giữ.

Tại miền tây Libya, các nhân chứng bên trong thành phố Misrata bị bao vây cho biết xe bọc thép của chính phủ đã vào thành phố.

Trong khi đó, theo nhật báo Anh The Guardian, ông Mohammed Ismail, một phụ tá thân cận của Saif al Islam Gadhafi (con trai của ông Gadhafi), đang gặp các giới chức Anh để thảo luận một giải pháp chính trị.

Nhiều nước đòi liên quân ngừng chiến dịch quân sự

Nhiều nước trên thế giới đang đòi ngừng bắn nhằm vào Libya ngày một mạnh mẽ. Ngoại trưởng Đức hôm qua cũng cho rằng tình hình ở Libya không thể giải quyết được bằng biện pháp quân sự.

Nhóm đại biểu các nước Mỹ Latinh và châu Á đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an yêu cầu chấm dứt hỏa lực nhằm Libya. Bức thư kêu gọi ngừng ngay các vụ ném bom Libya bằng máy bay của liên quân phương Tây và bắt đầu đàm phán hòa bình.

Văn bản mang chữ ký của nhiều nước, trong đó có Venezuela, Cuba, Ecuador, Bolivia, Nicaragua, Campuchia, Indonesia... Bức thư tập thể cũng nhận được sự ủng hộ của các đại diện Brazil, Ấn Độ và Nam Phi – những quốc gia này chưa ký vào văn bảndo qui chế về thành viên Hội đồng Bảo an.

Từ ngày 19/3 các máy bay của liên quân gồm Mỹ, Pháp, Anh, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Canada liên tục tấn công vào lực lượng chính phủ Libya với mục đích ngăn chặn không lực của Muammar Gaddafi ném bom xuống các vị trí của phái nổi dậy. Tuy nhiên, như thông báo của nhà cầm quyền Libya, những cuộc oanh tạc của máy bay liên quân đã gây ra nhiều thương vong trong dân thường.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle hôm qua nói rằng cuộc khủng hoảng này chỉ có một giải pháp chính trị và hối thúc các bên bắt đầu tiến trình chính trị với một cuộc ngưng bắn. Ông đưa ra lời nhận định này sau cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với một giải pháp ngoại giao. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cho phép thực hiện vùng cấm bay trên bầu trời Libya.

Hôm qua, các thành viên của liên minh NATO đã cảnh báo phe nổi dậy Libya rằng họ sẽ bị dội bom nếu tấn công thường dân. Tư lệnh lực lượng NATO đặc trách các hoạt động trên bầu trời Libya, Thiếu tướng người Canada Charles Bouchard cảnh cáo rằng bất cứ ai tấn công những người không thuộc lực lượng chiến đấu sẽ là “khinh suất nếu tiếp tục những hành động như vậy.”

Một nữ phát ngôn cấp cao của NATO nói rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép bảo vệ thường dân Libya “áp dụng đối với cả hai phe” trong cuộc xung đột này.

Hà Khoa
Tổng hợp