1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng

(Dân trí) - Đúng ngày này cách đây 70 năm, phát-xít Đức đã phải ký biên bản đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu khúc khải hoàn của quân dân Liên Xô, kết thúc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và định trước kết cục của Thế chiến II, cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng
Thắng lợi của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử nhân loại. (Ảnh: Africahost)

Nhìn lại cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

Chiến tranh thế giới lần thứ hai chính thức bùng nổ ngày 1/9/1939 khi phát-xít Đức gây chiến, tấn công Ba Lan. Chỉ hơn một năm sau khi thôn tính Ba Lan, phát-xít Đức đã thống trị hầu như toàn bộ châu Âu tư bản chủ nghĩa.

Đại bộ phận giai cấp tư bản cầm quyền của các nước châu Âu đã nhanh chóng đầu hàng, biến thành tay sai cho phát-xít Hitler, chống lại tổ quốc. Lúc này, chỉ còn duy nhất nước Anh là vẫn kiên cường chống lại các cuộc không kích của Hitler.

Đồng thời với cuộc tấn công của Đức, quân phiệt Nhật và phát-xít Italia đã tiến hành xâm lược những thuộc địa cũ của Hà Lan, Anh và Pháp tại châu Á, châu Phi, Trung Đông.

Đầu năm 1941, Đức đơn phương hủy bỏ Hiệp ước không xâm phạm Xô-Đức, chuẩn bị mở các cuộc tiến công Liên Xô.

Ngày 22/6/1941, phát-xít Đức điều đội quân khổng lồ với hơn 5,5 triệu lính và sĩ quan, gần 4.300 xe tăng và 5.000 máy bay chiến đấu, cùng nhiều loại phương tiện chiến tranh khác ào ạt tấn công Liên Xô. Phát-xít Đức chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng nhằm bao vây và tiêu diệt các lực lượng chủ chốt của Hồng quân Liên Xô trước khi mùa đông đến.

Nhưng phát-xít Đức hoàn toàn bị bất ngờ trước sự anh dũng, chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô. Trong các năm từ 1941 - 1943, hàng chục sư đoàn và lữ đoàn phát-xít Đức bị tiêu diệt. Chiến thắng quan trọng đầu tiên của quân và dân Liên Xô là trận đánh tại ngoại ô Mátxcơva trong mùa Đông từ tháng 12/1941 đến tháng 1/1942. Đây là thất bại lớn đầu tiên của phát-xít Đức, đập tan sự hoang đường thống trị thế giới và kế hoạch “chiến tranh thần tốc” thôn tính Liên Xô.

Tuy trải qua nhiều khó khăn và mất mát nhưng nền tảng của chiến thắng đã dần được hình thành. Sau mỗi trận đánh, qua mỗi năm chiến tranh, lực lượng vũ trang Liên Xô ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ huy cùng tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm, các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã giành được thế chủ động tại các mũi tấn công quyết định, đập tan mưu đồ xâm lược của phát-xít Đức.

Sau chiến dịch Mátxcơva, Hồng quân Liên Xô đã có trận thắng vẻ vang tại thành phố Stalingrad, dẫn đến sự thay đổi cục diện quan trọng nhất trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Sau đó, thành công của quân đội Liên Xô luôn được phát huy, đặc biệt trong trận chiến xe tăng lịch sử oanh liệt nhất trên vòng cung Kursk vào tháng 7/1943.

Mùa hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô liên tiếp mở các đợt tấn công dồn dập trên mặt trận phía Đông và đánh tan các đơn vị chiến lược của phát -xít Đức, giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên Xô và khôi phục đường biên giới.

Trong khi đó, quân đội Mỹ và Anh mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu, cho quân đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiếp tục di chuyển về hướng Tây, giải phóng Romania, Bulgaria, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư, Na Uy… và tiến đến biên giới nước Đức.

Ngày 30/4/1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô bay phấp phới trên nóc Tòa nhà Quốc hội Đức. Ngày 9/5/1945, thay mặt nước Đức quốc xã, Thống soái Field Marshal Keitel ký biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Xô Viết và quân đồng minh. Trong cuộc chiến này, nhân dân Xô Viết và các nước đồng minh đã tiêu diệt phần lớn quân chủ lực của Đức quốc xã và chư hầu.
Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng
Đúng 0h43 phút ngày 9/5/1945 theo giờ Mátxcơva, Thống soái Field Marshal Keitel đã ký vào biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Xô Viết. (Ảnh: Wiki)

Trên mặt trận Xô-Đức, quân đội Xô Viết đã tiêu diệt và bắt làm tù binh 10 triệu binh lính của 607 sư đoàn, chiếm 74, 6% tổng thiệt hại của quân đội Đức. Quân đội Xô Viết cũng phá hủy 75% số khí tài của Đức. Hơn 7 triệu binh lính Xô Viết trong gần 15 tháng đã giải phóng được 13 nước trên thế giới với tổng diện tích 2,2 triệu km2.

Như vậy, Hồng quân Liên Xô đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc và góp phần quan trọng trong việc khôi phục nền văn minh châu Âu và thế giới.

Ý nghĩa Ngày Chiến thắng

Ngày này 70 năm về trước, cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại đã kết thúc. Chiến tranh diễn ra tại 3 châu lục trên Trái Đất gây tổn hại lớn cho nhiều nước và cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người.

Nhân dân Liên Xô phải gánh chịu những tổn thất nặng nề nhất. Hàng triệu người đã ngã xuống trên chiến trường, chết vì lạnh và đói, bị thiêu sống trong các lò thiêu người ở Osvensim, Maidanek, Bukhenvald và bị hành hạ tại các nhà tù của Gestapo.

Nhân loại không thể quên được điều đó và ngọn lửa tưởng nhớ luôn được thắp sáng trong trái tim các thế hệ mai sau. Sự vinh quang, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của tất cả những ai đã trải qua cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát-xít xâm lược mãi mãi bất diệt.

Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đó, Liên Xô đã phải đối mặt với kẻ thù hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, trước đó đã xâm chiếm hầu hết lãnh thổ Tây Âu một cách dễ dàng. Nhân dân Liên Xô đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa, chủ nghĩa anh hùng, tài trí thông minh và sự dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành thắng lợi. Quân và dân Liên Xô đã chiến đấu chống lại sự áp bức nô lệ, vì nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Chiến thắng của nhân dân Liên Xô chống phát-xít là một trong những sự kiện quốc tế trọng đại, mở ra cho nhân loại những triển vọng mới để xây dựng xã hội tiến bộ, tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân các nước trên thế giới có quyền lựa chọn cho mình con đường phát triển chính trị, xã hội. Điều đó được thể hiện qua việc khơi dậy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân trên khắp các châu lục vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa phát-xít đã làm dấy lên phong trào dân chủ ở châu Âu, làm thay đổi cơ bản chế độ chính trị của hầu hết các nước Đông Âu và Đông Nam Á.

Chiến thắng phát-xít cũng đã làm tan rã hệ thống thuộc địa và cổ vũ hoạt động của các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đảng ta đã chớp thời cơ Nhật đầu hàng đồng minh để quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam.

Hàng năm, vào ngày 9/5, nước Nga đều tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát-xít Ðức, kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Lễ kỷ niệm này không chỉ là sự ghi nhận, tưởng nhớ thiêng liêng tới các liệt sĩ trong cuộc chiến khốc liệt chống chủ nghĩa phát-xít xâm lược, mà còn là sự đoàn kết liên minh các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống các nguy cơ toàn cầu, mà trước hết là chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cường quyền, bá quyền và chủ nghĩa phát-xít kiểu mới.

Năm 2015 đánh dấu tròn 70 năm sự kiện này, lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 đang được tưng bừng tổ chức khắp châu Âu và đặc biệt là tại Nga, nơi có sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao trên thế giới.

 Đức Vũ (st)