1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật mới của Nga có thể khiến Ukraine mất thêm lãnh thổ

An Hoàng

(Dân trí) - Các đợt tấn công bằng bom lượn đang tối ưu hóa sức mạnh của không quân Nga trước một Ukraine đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi các nguồn viện trợ.

Chiến thuật mới của Nga có thể khiến Ukraine mất thêm lãnh thổ - 1

Các máy bay ném bom Su-34 của Nga (Ảnh: Reuters).

Quân đội Nga tận dụng tối đa ưu thế của bom lượn trong các đợt không kích vào hệ thống phòng thủ của Ukraine mà vẫn có thể bảo toàn phi đội chiến đấu cơ.

Các chuyên gia quân sự nhận xét đây chính là khả năng thích ứng mạnh mẽ trong chiến thuật tác chiến của người Nga, giúp họ liên tiếp đạt được những bước tiến trên chiến trường trong thời gian gần đây.

Ukraine đang loay hoay đối phó với mối đe dọa mới này, và nguyên nhân một phần đến từ việc họ đang trong tình trạng thiếu thốn hệ thống tên lửa phòng không.

Bom lượn cho phép Moscow tấn công vào các vị trí kiên cố từ khoảng cách xa hơn pháo binh, đồng thời hệ thống điều hướng giúp loại vũ khí này có thể tránh được lớp phòng thủ bằng tên lửa đất đối không của Kiev. Bên cạnh đó, thời gian bay ngắn, tín hiệu radar nhỏ và quỹ đạo phi đạn đạo khiến bom lượn rất khó bị đánh chặn.

Tuần trước, nhóm chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết: "Nga đã tăng cường đáng kể các cuộc tấn công bằng bom lượn nhằm vào cả phía trước và sau chiến tuyến Ukraine, đặc biệt là trong cuộc chiến tại thành phố Avdiivka hồi giữa tháng 2".

Trong 2 năm đầu của cuộc chiến, hệ thống phòng không tiên tiến của cả hai bên đã khiến vùng trời Ukraine luôn trong trạng thái giằng co. Tuy nhiên, Moscow đã có bước đột phá lớn kể từ khi lực lượng mặt đất của họ tiến đến gần Avdiivka nhờ vào chiến thuật sử dụng bom lượn và không trực tiếp tổn hại lực lượng pháo binh.

George Barros, trưởng nhóm tình báo không gian địa lý kiêm chuyên gia phân tích Nga tại ISW, cho biết Moscow đang hiểu rõ hơn về thời gian và cách thức tấn công nhanh nhất để có thể làm cạn kiệt nguồn lực phòng không của Kiev.

"Khi băng thông phòng không Ukraine suy giảm, họ buộc phải sử dụng máy bay chiến đấu để chống lại các cuộc tấn công bằng bom lượn. Nếu Ukraine có hệ thống phòng không tốt hơn, họ có thể hạn chế việc lãng phí các chiến đấu cơ này", ông Barros lập luận.

"Bom lượn chỉ có khả năng tấn công các mục tiêu cố định, nghĩa là chúng sẽ phát huy tối đa sức mạnh ở những khu vực xảy ra xung đột lâu dài, ví dụ như ở Avdiivka, nơi các vị trí của Ukraine tương đối dễ bị phát hiện", Justin Bronk, chuyên gia không quân tại Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia tại London, cho biết.

Đây cũng là lý do mà Moscow tìm cách vây hãm quân đội Kiev trong khu vực Avdiivka và giành quyền kiểm soát thành trì này.

Để giúp giảm thiểu mối đe dọa từ bom lượn, các chuyên gia khuyến nghị Ukraine cần phải tăng cường kêu gọi viện trợ các máy bay đánh chặn phòng không, song song với bổ sung kho đạn pháo, từ các quốc gia đồng minh phương Tây.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ivan Gavrylyuk ngày 18/3 cho biết, Nga đã thả hơn 3.500 quả bom xuống Ukraine trong gần 3 tháng đầu năm 2024. Bất chấp tần suất rải bom dày đặc, kho vũ khí của Moscow dường như vẫn không có dấu hiệu suy kiệt.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quốc gia này đang gia tăng tiến độ sản xuất đạn dược, trong đó có nhiều loại có thể được cải tiến thành bom lượn.

Nhiều quả bom lượn của Nga từng được thả ở khoảng cách lên tới gần 50km, khiến Ukraine khó chống đỡ được, kể cả khi đã sử dụng tất cả khí tài của họ trừ hệ thống phòng không MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần lên tiếng về kho vũ khí phòng không hiện có của Kiev là không đủ để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc bắn phá không ngừng. Tuy nhiên, tại quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa vẫn chưa chấm dứt việc trì hoãn gói viện trợ bổ sung vốn đã kéo dài hàng tháng trời cho Ukraine.

Theo các chuyên gia, Nga sẽ không thể định đoạt cuộc chiến chỉ bằng bom lượn, nhưng họ còn có lợi thế rất lớn về mặt pháo binh. Ưu thế này sẽ càng phát huy mức độ tàn phá trong bối cảnh nguồn tài nguyên của Ukraine ngày càng cạn kiệt và sự không chắc chắn của các cam kết hỗ trợ an ninh từ phương Tây.

Tất cả những yếu tố này dường như đang khiến triển vọng trên chiến trường ngày càng trở nên thiếu lạc quan đối với Kiev.

"Nếu không được Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung, rất khó để Ukraine tránh được nguy cơ mất thêm lãnh thổ, nhất là khi Nga có thể sẽ tiến hành cuộc tấn công lớn vào mùa hè", chuyên gia Bronk cảnh báo.

Báo Economist của Anh ngày 28/3 dự đoán, Nga có thể tung đợt tấn công quy mô lớn vào mùa hè này sau một thời gian cường độ giao tranh bị hạn chế bởi địa hình lầy lội trong mùa xuân.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm