1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến thuật công thủ phối hợp giúp Nga chiếm ưu thế trên không ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, chiến thuật mới của Không quân Nga giống như "một mũi tên trúng hai đích" khi vừa giảm thiệt hại cho khí tài của Moscow, vừa tấn công hiệu quả các mục tiêu của đối thủ.

Chiến thuật công thủ phối hợp giúp Nga chiếm ưu thế trên không ở Ukraine - 1

Máy bay Su-35 của Nga (Ảnh: Không quân Nga).

Eurasian Times nhận định, dựa trên hoạt động của Không quân Nga trong thời gian qua, có thể thấy phía Moscow dường như đã tìm được chiến thuật tác chiến hiệu quả hơn khi chiếm ưu thế trên không, cũng như gây ra nhiều thiệt hại cho phía Ukraine.

Gần đây, không có báo cáo từ chiến trường về việc các tiêm kích tiền tuyến của Nga như Su-35S hay Su-30SM bị bắn rơi. Trong khi đó, trong tháng 11, Nga thông báo đã bắn nhiều tiêm kích Ukraine và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều binh sĩ đối thủ.

Hôm 27/11, Nga cho biết đã khiến Ukraine mất 100 lính đánh thuê nước ngoài ở khu vực Chasov Yar, Donetsk sau một vụ không kích. Ngày 25/11, Không quân Nga thông báo loại bỏ hơn 200 lính đánh thuê người Ba Lan ở Velikiye Hutora, Kharkov. Vào cùng ngày, Nga nói rằng Ukraine bị mất hơn 100 binh sĩ gần Seversk và Slovyansk, Donetsk sau khi bị trúng vũ khí không đối đất chính xác.

Vũ khí mà Nga sử dụng trong các vụ tấn công trên thường là tên lửa Kh-29 phóng từ Su-34 hoặc Su-30SM.

Bọc lót 24/7

Tiêm kích MiG-31 Nga tác chiến trong chiến sự ở Ukraine

Để các tiêm kích tấn công và máy bay ném bom của Nga có thể gia tăng hoạt động trên không phận xung đột, Không quân Nga đã điều động các tiêm kích tuần tra vùng trời tại chiến trường 24/7. Nhờ vậy, dàn máy bay Su-34, Su-30SM, Su-25, trực thăng Mi-28, Mi-35, Ka-52 mới có thể tăng cường tấn công mục tiêu và khí tài của Ukraine.

Theo Eurasian Times, chiến thuật này giúp Nga chiếm ưu thế trên không.

Máy bay đóng vai trò tuần tra, chiếm ưu thế trên không mà Nga sử dụng là MiG-31BM và Su-35S bay ở độ cao trung bình và được trang bị tên lửa không đối không (A2A) và tên lửa chống radar (ARM). Tên lửa A2A có nhiệm vụ bắn rơi các tiêm kích đối thủ đe dọa tới máy bay Nga, trong khi ARM có tác dụng tấn công radar phòng không đối thủ dùng để dò vũ khí Moscow.

Nhờ chiến thuật bọc lót, Không quân Nga trong thời gian qua đảm bảo được mục tiêu ngăn máy bay, vũ khí bị bắn rơi trong các trận không chiến, đồng thời gia tăng thiệt hại cho đối thủ.

Nga thường triển khai vũ khí thực hiện vai trò chiếm ưu thế trên không như sau: Tiêm kích MiG-31BM sẽ được trang bị 2 tên lửa A2A tầm xa RVV-BD, 2 tên lửa A2A tầm trung RVV-SD.

Trong khi đó, Su-35S sẽ được trang bị 2 tên lửa RVV-BD, 2 quả RVV-SD và 1 quả ARM Kh-31.

Hôm 25/11, Nga thông báo một chiếc Su-35S đã bọc lót từ trên cao cho đồng đội hiệu quả khi bắn rơi một tiêm kích Ukraine. Hôm 6/11, cặp Su-30SM và Su-35S đã phát hiện một máy bay đối thủ khi Su-30SM đang làm nhiệm vụ tấn công. Su-35S đã phóng tên lửa bắn rơi máy bay Ukraine.

Với việc tạo ra các lớp phòng thủ và tấn công trên không, Eurasian Times nhận định, Không quân Nga đang triển khai hết các tính năng trên dàn vũ khí họ sở hữu và kết hợp một cách bài bản lẫn nhau để bọc lót hiệu quả trên chiến trường.

Các tiêm kích và máy bay ném bom của Nga như Su-30SM và Su-34 giờ đây tập kích các mục tiêu đối phương từ khoảng cách xa mà không hạ thấp cao độ xuống phạm vi tấn công của tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) Ukraine. Trong khi đó, Su-35S và MiG-31 BM bay liên tục ở trên để loại bỏ mối đe dọa với máy bay đồng đội. 

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine