1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến thuật "bẻ đũa" của Bắc Kinh

Tờ The Straits Times vừa dẫn lời cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong - Trung Quốc đã can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN.

Đồng thời bày tỏ thái độ ngạc nhiên trước việc Campuchia và Lào là những quốc gia ASEAN không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lại lên tiếng về “lập trường của ASEAN” đối với vấn đề này.

Bởi theo ông Ong Keng Yong (hiện là Phó chủ tịch điều hành của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam tại Singapore), vấn đề này luôn nằm trong phạm vi của Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Ngoài ra, ông Ong Keng Yong cũng tuyên bố, thỏa thuận giữa Campuchia và Lào với Trung Quốc về cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là sự can thiệp của Bắc Kinh vào công việc nội bộ ASEAN.

Theo nhận định của tờ Sydney Morning Herald, Trung Quốc muốn thông qua cái gọi là “nhận thức chung 4 điểm” để đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA). Tân Hoa xã cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ sử dụng cái gọi là “nhận thức chung 4 điểm” để phản bác lại phán quyết của PCA bởi trước đó Bắc Kinh luôn từ chối tham gia vụ kiện của Manila.

Người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan
Người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan

Tờ The Straits Times cũng vừa tuyên bố, cái gọi là “nhận thức chung 4 điểm” thực chất là sản phẩm của bộ máy ngoại giao và truyền thông Trung Quốc nhằm gây sức ép đối với dư luận quốc tế xung quanh phán quyết của PCA. Bởi Bắc Kinh hiểu rằng, PCA không ủng hộ mưu đồ độc bá Biển Đông của Trung Quốc.

Theo nhận định của ông Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore, cái gọi là “sự đồng thuận giữa Trung Quốc với Brunei, Lào, Campuchia” có thể bị coi là công cụ nhằm gây chia rẽ ASEAN, nhất là khi PCA chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện của Manila. Theo ông Bilahari Kausikan, bất cứ bước đi gây chia rẽ nào của Trung Quốc đều “thiển cận” bởi kết cục như vậy không có lợi cho Bắc Kinh.

Theo nhận định của Giáo sư Đại học Luật New York Jerome Cohen, nếu bác bỏ hay không tuân thủ phán quyết của PCA, Bắc Kinh sẽ gây tổn hại tới UNCLOS và hành động ngang ngược này sẽ phá hủy lợi ích riêng của Trung Quốc bằng cách khắc họa sâu sắc hơn nữa hình ảnh của một quốc gia không tuân thủ nguyên tắc quốc tế.

Tuy nhiên, ông Jerome Cohen cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ không dễ phớt lờ phán quyết của PCA. Có chuyên gia dự đoán, Bắc Kinh có thể phản đối phán quyết bất lợi của PCA bằng cách rút khỏi UNCLOS.

Theo nhận định của tờ Đa Chiều, Bắc Kinh đang thực hiện chiến thuật “phân hóa đối tượng” - cứng rắn với Philippines, mềm nắm rắn buông đối với Việt Nam, Malaysia và Brunei, còn linh hoạt với các nước còn lại, nhằm thuyết phục họ “đứng ngoài vấn đề Biển Đông”.

Điều đáng nói là trong khi giới truyền thông và học giả Trung Quốc đang hả hê về cái gọi là “nhận thức chung 4 điểm” mà ông Vương Nghị vừa đạt được với Brunei, Campuchia và Lào, thì Giáo sư Lương Vân Tường đến từ Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh lại không cho là như vậy (đăng trên tờ Đông Phương hôm 26-4).

Bởi theo Giáo sư Lương Vân Tường, ASEAN vẫn là ASEAN và cái gọi là “nhận thức chung 4 điểm” không có nghĩa Brunei, Campuchia và Lào đứng về Trung Quốc chống Việt Nam hay Philippines. Hơn nữa, lập trường của 3 nước kể trên không đồng nghĩa với lập trường của ASEAN, và điều quan trọng là Trung Quốc không thể chia rẽ ASEAN.

Tờ Đa Chiều còn bình luận, việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vội vã công du Đông Nam Á không ngoài mục đích “ngăn chặn” ảnh hưởng từ phán quyết bất lợi của PCA xung quanh vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phi lý và sai trái mà Bắc Kinh đang cố đeo bám tại Biển Đông. Và Bắc Kinh đã phần nào thành công khi ra sức tuyên bố “ông Vương Nghị đã chia rẽ ASEAN và lập phòng tuyến chống lại phán quyết của PCA”.

Ngoài ra, giới truyền thông Trung Quốc còn ra sức tuyên truyền cho cái gọi là “nhận thức chung 4 điểm” mà ông Vương Nghị vừa tuyên bố sau khi công du Brunei, Campuchia và Lào. Nhưng thực tế không diễn ra như Bắc Kinh đã tuyên truyền. Nhiều người cho rằng, trong khi gây chia rẽ ASEAN, Trung Quốc lại bị bóc mẽ.

Ngày 25-4, tờ Phnom Penh Post dẫn lời ông Phay Siphan, người phát ngôn Chính phủ Campuchia - không có thỏa thuận nào đạt được với Trung Quốc vào cuối tuần qua về cái gọi là “sự đồng thuận về Biển Đông” - chỉ là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc. Đây không phải lần đầu Trung Quốc bị phản ứng xung quanh cái gọi là “sự đồng thuận về Biển Đông”.

Bởi trước đó, Chính phủ Fiji từng khẳng định (trung tuần tháng 4), quốc gia này không ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông như những gì Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố. Campuchia cũng phủ nhận thông tin hôm 24-4 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cái gọi là “Bắc Kinh đã đạt đồng thuận với Campuchia, Lào và Brunei về xử lý tranh chấp Biển Đông”.

Có chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật bẻ đũa để chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, Bắc Kinh đang tìm mọi cách tranh thủ sự “không liên quan” của một số nước thành viên ASEAN trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, để dễ bề “múa tay trong bị”.

Ngày 26-4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, sẽ tổ chức một cuộc họp với các Ngoại trưởng và Tư lệnh quân đội Philippines và Malaysia về việc tăng cường an ninh hàng hải.

Trước đó, Bộ trưởng Điều phối chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Luhut Pandjaitan thông báo, Indonesia sẽ thành lập Trung tâm khủng hoảng gồm Bộ trưởng, Tư lệnh quân đội và cảnh sát, do Tổng thống Joko Widodo đứng đầu, nhằm phản ứng nhanh với những tình huống có thể có “tác động chiến lược”.

Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Joko Widodo đã đưa vấn đề an ninh hàng hải trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ.

Hãng AFP còn cho biết, Indonesia sẽ sử dụng dữ liệu thu được từ các vệ tinh thu nhỏ trên toàn cầu để xác định vị trí của tàu đánh cá trái phép hoạt động ở vùng biển của nước này (theo thỏa thuận được công bố hôm 26-4 với Hãng công nghệ Silicon Valley).

Kể từ năm 2014, Indonesia đã đánh chìm tổng cộng 174 tàu đánh cá trái phép của nước ngoài.

Ngày 27-4, tờ South China Morning Post đưa tin, tân lãnh đạo Đài Bắc Thái Anh Văn (nhậm chức ngày 20-5, thay thế ông Mã Anh Cửu) nói, dân chủ sẽ là trung tâm của quan hệ 2 bờ eo biển Đài Bắc trong tương lai.

Theo

PetroTimes