1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sự Ukraine "ngáng đường" Nga bán vũ khí cho châu Phi

Cẩm Hà

(Dân trí) - Các biện pháp trừng phạt của phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã làm phức tạp thêm hoạt động buôn bán vũ khí giữa Nga và các nước châu Phi, vốn mua số lượng lớn thiết bị quân sự từ Moscow.

Chiến sự Ukraine ngáng đường Nga bán vũ khí cho châu Phi - 1

(Ảnh minh họa: TASS).

Theo TRT World, một số quốc gia châu Phi sẽ phải nhanh chóng tìm kiếm thị trường mới cho các loại vũ khí và linh kiện cần thiết cho lực lượng vũ trang của họ. Nguồn cung cấp vũ khí chính của họ là Nga đã bị cắt đứt bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây do xung đột với Ukraine. vũ khí Nga

Nga chiếm khoảng 20% thị phần quốc phòng của châu Phi, chỉ đứng sau Mỹ với 37%.

Việc siết chặt đường tiếp tế từ Nga sẽ hạn chế trầm trọng khả năng của các nước này nhằm tự vệ và tiến hành các hoạt động tấn công chống lại các phần tử phi nhà nước và các nhóm khủng bố.

Nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước của Nga, Rosoboronexport, chiếm gần một nửa lượng vũ khí nhập khẩu của châu Phi. Algeria, Burkina Faso, Ai Cập, Ethiopia, Morocco và Uganda là những bên mua thường xuyên nhất các sản phẩm của công ty này. Gần đây, Moscow đã mở rộng phạm vi bao phủ của khu vực cận Sahara bằng cách bắt đầu giao thương với Nigeria, Tanzania, Cameroon, Angola và Cộng hòa Trung Phi.

Moscow được cho là đã duy trì quan hệ chính trị chặt chẽ với nhiều nước châu Phi thông qua xuất khẩu. Nền tảng cho các mối quan hệ này được khởi động từ thời Liên Xô, và bối cảnh lịch sử được cho là đã giúp Liên Xô đàm phán các hợp đồng mua bán vũ khí một cách tương đối dễ dàng. Thêm nữa, cơ cấu giá cả và việc thiếu các điều kiện đặc trưng của chính sách định hướng giá trị đã khiến việc bán vũ khí của Nga thậm chí còn hấp dẫn và hợp túi tiền hơn.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, vai trò của Nga ở châu Phi về cơ bản đã giảm đi đáng kể, nhưng đến đầu những năm 2000, nước này bắt đầu giành lại vị thế của mình. Theo Paul Stransky, chuyên gia địa chính trị và an ninh của Carnegie Endowment, các quan chức của lục địa này "chắc chắn sẽ nhìn vào Moscow dưới góc độ nền tảng của Liên Xô".

Tuy nhiên, với các quốc gia như Algeria, Nga đã sử dụng các biện pháp thuyết phục khác, chẳng hạn như xóa nợ và hứa sẽ xây dựng các cơ sở sản xuất hoặc bảo trì, chuyên gia Stransky cho biết thêm.

Năm ngoái, Rosoboronexport báo cáo rằng họ có thể thêm 1,7 tỷ USD vào danh mục đầu tư của mình ở khu vực Cận Sahara và phía Nga cũng có thể tăng số lượng các quốc gia Trung, Tây và Nam Phi trong danh mục đầu tư của mình lên 17 nước, theo tổng giám đốc công ty, ông Alexander Mikheyev.

Theo dữ liệu chính thức, các mặt hàng chính trong đề nghị của Nga là trực thăng và phương tiện chiến đấu hải quân, thiết bị phòng không, xe bọc thép, đạn dược cho các cơ quan thực thi pháp luật địa phương, phương tiện bảo vệ sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng. Tất nhiên, các loại vũ khí hạng nhẹ cũng được rao bán.

Ảnh hưởng đến hợp đồng

Các chuyên gia cho biết các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga gây ra một số hậu quả thực tế đối với ngành công nghiệp quốc phòng của các nước châu Phi. Thứ nhất, Moscow sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng hiện tại liên quan đến việc cung cấp thiết bị quân sự. Thứ hai, các vấn đề về phụ tùng và chứng nhận sẽ khiến việc sửa chữa, bảo dưỡng hoặc đại tu các thiết bị hiện có do Nga sản xuất trở nên khó khăn hơn nhiều.

Tình hình cũng trở nên phức tạp khi các chuyên gia của các nhà máy sản xuất, vốn là nhà sản xuất và phát triển ban đầu, không thể rời Nga. Thứ ba là Điện Kremlin không thể đưa ra hợp đồng mới cho các nhà sản xuất trong nước để họ không phải chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ.

Chuyên gia quốc phòng Darren Olivier tin rằng các quốc gia châu Phi sẽ buộc phải quay sang tìm nguồn cung thay thế từ Trung Quốc. "Sự hỗ trợ cho các thiết bị của Liên Xô hoặc Nga sau này chủ yếu đến từ Nga, Ukraine và Belarus. Hiện hai quốc gia đã bị trừng phạt và có thể sẽ không tiếp tục cung cấp hoặc hỗ trợ", nhà phân tích lưu ý.

Có thể thấy rằng khoảng trống do việc đóng cửa châu Phi đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ phải được lấp đầy bởi các nhà cung cấp thay thế. Tuy nhiên, một kịch bản khó chịu hơn có thể xảy ra. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng tới lục địa này có thể góp phần làm xuất hiện một thị trường chợ đen khổng lồ. Các chuyên gia cũng nhắc lại rằng sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, một cuộc mua bán bất hợp pháp số lượng lớn vũ khí hạng nhẹ và vũ khí cỡ nhỏ đã bắt đầu diễn ra ở nước này.

Tình hình sẽ khó đảo ngược ngay cả sau khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine kết thúc. Điều này có thể sẽ làm suy yếu các nỗ lực của Văn phòng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị trên lục địa.

Bằng cách này hay cách khác, các biện pháp trừng phạt toàn diện áp đặt lên Nga nhiều khả năng vẫn được duy trì ngay cả sau khi chiến sự tại Ukraine chấm dứt. Điều đó có nghĩa là các biện pháp tạm thời sẽ không đủ để đối phó với vấn đề. Châu Phi cần một giải pháp lâu dài, bao gồm một ý tưởng để phát triển khả năng tự sản xuất vũ khí. Tuy vậy, các nhà sản xuất trong nước sẽ cần sự hỗ trợ của các nhà sản xuất bên ngoài giàu kinh nghiệm hơn.

Theo TRT World