1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến sự Ukraine khiến các nhà khoa học nguyên tử chia rẽ gay gắt

Thanh Thành

(Dân trí) - Tại tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) ở Thụy Sĩ và các nơi khác, việc miễn cưỡng công nhận quyền tác giả của các nhà nghiên cứu Nga đối với các bài báo mới đang dẫn đến nhiều bế tắc.

Chiến sự Ukraine khiến các nhà khoa học nguyên tử chia rẽ gay gắt - 1

Bên trong viện nghiên cứu CERN ở Thụy Sĩ (Ảnh: CAP).

Trong thời điểm bình thường, 4 viện thí nghiệm vật lý lớn sử dụng va chạm proton tại Máy gia tốc hạt lớn (LHC) của CERN xuất bản nhiều bài báo khoa học mỗi năm.

Nhưng vào tháng 3/2022, số lượng tài liệu nghiên cứu mới đã giảm xuống con số 0. Lý do là thiếu thỏa thuận về cách liệt kê các nhà khoa học và viện nghiên cứu của Nga và Belarus, nếu có. 

Bốn viện thí nghiệm LHC lớn nhất có hàng nghìn nhà khoa học và kỹ sư hợp tác, với các bài báo thường được ghi công cho tất cả các thành viên của dự án.

Theo các nguồn tin tại CERN, sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, một số thành viên đã phản đối việc đứng cùng tác giả với các viện nghiên cứu của Nga và thậm chí với các cá nhân làm việc cho họ (chiếm khoảng 7% số cộng tác viên).

Fedor Ratnikov, một nhà vật lý người Nga, giải thích rằng hiện không có chính sách xuất bản nào đáp ứng được yêu cầu của đa số 2/3 thành viên trong viện tham gia với mỗi lần hợp tác.

Andreas Hoecker, phát ngôn viên của Viện thí nghiệm Atlas, nhấn mạnh rằng vấn đề "chỉ liên quan đến cách thức thừa nhận của tổ chức này, dựa trên tuyên bố của đại diện cấp cao các tổ chức học thuật Nga".

Kể từ tháng 3, bốn viện thí nghiệm của LHC đã tiếp tục chuẩn bị các bài báo mới, gửi đến các tạp chí để bình duyệt và xuất bản. 

Các phiên bản công khai đã được tải lên máy chủ bản in trước của arXiv. Tuy nhiên, các phiên bản này và cả những bài nộp cho các tạp chí đều thiếu danh sách tác giả và cơ quan tài trợ. Trước đây, danh sách này sẽ chiếm nhiều trang, nhưng bây giờ có một cách ghi chung, ví dụ như "Các cộng sự của Atlas".

Các nhà khoa học từ các nước châu Âu và Mỹ nói rằng, cho đến nay, việc này không gây ra nhiều tác động đến việc tài trợ hoặc trao bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, một nhà khoa học cấp cao tại LHC ở bên ngoài châu Âu cho rằng, "nếu tiếp tục duy trì cách tiếp cận chính trị này trong một thời gian, nó có thể gây ra vấn đề cho sinh viên, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và cho chính chúng ta".

Brajesh Choudhary, giáo sư tại Đại học Delhi và là thành viên của thí nghiệm máy dò CMS của CERN, cho biết: "Nếu những nghiên cứu thí nghiệm này không được xuất bản trong vài tháng tới, nghiên cứu sinh tiến sĩ, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và giảng viên trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề".

Giáo sư Choudhary chỉ ra rằng, trong thí nghiệm, các bài báo không đề tên và tổ chức có thể được chấp nhận nhưng đối với các nhà khoa học và giảng viên bên ngoài thì không, vì đây là tiền đề để cấp thứ hạng. "Tôi chắc chắn họ sẽ phản ứng không tích cực lắm". 

Hồi đầu năm 2022, hội đồng CERN đã quyết định chấm dứt tư cách quan sát viên của Nga và các thỏa thuận hợp tác với Belarus khi đến hạn vào năm 2024 (Ukraine là một thành viên liên kết của CERN hiện gồm 22 quốc gia châu Âu và Israel, với sự hợp tác mở rộng sang một số quốc gia khác).

Theo John Ellis, giáo sư tại King's College London và là nhà vật lý lý thuyết kỳ cựu tại CERN: "Những người Nga làm việc tại CERN được bảo vệ bởi các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Nếu những điều này sụp đổ thì không có cơ sở pháp lý nào để họ làm việc ở Thụy Sĩ".

Ông Ellis giải thích rằng, việc chấm dứt tư cách quan sát viên vào năm 2024 của Nga đồng nghĩa với việc chỉ "cung cấp phạm vi bảo hiểm" cho đến lúc đó, với hy vọng về một giải pháp ngoại giao lâu dài, nhưng ông cũng kêu gọi "cần bảo vệ các nhà khoa học" nói chung.

Và khi các viện nghiên cứu của Nga đang bị loại khỏi các dự án quốc tế, một số lĩnh vực sẽ chịu tác động trực tiếp, chẳng hạn như nghiên cứu về biến đổi khí hậu, vốn đang bị đình trệ do việc ngừng hợp tác ở Bắc Cực.

Trong một bức thư đăng trên tạp chí Science vào mùa xuân năm ngoái, 5 nhà khoa học nổi tiếng của phương Tây đã kêu gọi các đồng nghiệp đừng "bỏ rơi các nhà khoa học Nga".

Một trong số họ, Nina Fedoroff, giáo sư sinh học danh dự tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), nói rằng "một số tình huống có vẻ khá tượng trưng".

Khi cộng đồng vật lý quốc tế rơi vào tình trạng lấp lửng hiếm thấy như hiện nay, đối với các nhà khoa học như Ellis, duy trì sự hợp tác khoa học là ưu tiên hàng đầu, như một cách tuyệt vời để giúp các quốc gia xích lại gần nhau, nhằm giải quyết các vấn đề của con người.

Hoặc như bà Fedoroff lưu ý: "Trong cái gọi là Chiến tranh Lạnh, sự tương tác giữa các nhà vật lý Nga và Mỹ cũng như giữa các nhà vật lý với chính phủ tương ứng của họ được cho là đã giúp mọi việc không đi xa hơn".

Theo Guardian