Chiến dịch “giăng lưới” vây bắt gián điệp Trung Quốc của Mỹ
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thử nghiệm chiến dịch giăng lưới để xem liệu kỳ tích kinh tế của Trung Quốc có thể kéo dài nếu Bắc Kinh không thể tiếp tục do thám và đánh cắp bí quyết của Washington hay không.
Sau nhiều thập niên không để mắt tới mạng lưới tình báo quy mô lớn của Trung Quốc, chính quyền Mỹ đang tiến hành chiến dịch truy quét nhằm vào các hoạt động đánh cắp công nghệ và do thám của Bắc Kinh.
Gần như đều đặn hàng tháng, Bộ Tư pháp Mỹ đều thông báo về việc bắt giữ những đối tượng với nhiều cáo buộc khác nhau có liên quan tới hành vi đánh cắp các bí mật của Mỹ hoặc các hoạt động tình báo.
Tháng trước, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Zhongsan Liu, một quan chức chính quyền Trung Quốc, với cáo buộc gian lận thị thực. Đối tượng này đã che giấu vai trò của mình trong việc chỉ đạo một chiến dịch lớn của chính quyền Trung Quốc nhằm thâu tóm công nghệ Mỹ bằng cách chiêu mộ các chuyên gia làm việc tại các trường đại học công nghệ cao.
Liu từng là lãnh đạo một nhóm ở bang New Jersey có tên gọi Hiệp hội Trao đổi Nhân sự Quốc tế Trung Quốc (CAIEP).
Theo cáo trạng của tòa, kể từ năm 2017, Liu đã thực hiện hành vi gian lận khi tìm cách làm thị thực Mỹ cho các quan chức Trung Quốc, với sự giúp đỡ của ít nhất 6 trường đại học ở Massachusetts, Georgia, New Jersey và một số nơi khác.
Mục đích của CAIEP là nhằm chiêu mộ những người Mỹ đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao, nhằm phục vụ cho chương trình phát triển công nghệ cao của chính phủ Trung Quốc.
Đây là một phần trong Chương trình Nghìn Nhân tài của Trung Quốc nhằm tuyển dụng những người Mỹ gốc Trung và những người khác để hỗ trợ cho công cuộc nghiên cứu tại Trung Quốc. Chương trình này có liên quan tới Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
"Nghìn Nhân tài"
Báo cáo thường niên gần đây nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, quân đội Trung Quốc từng tuyên bố Chương trình Nghìn Nhân tài không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, mà còn hỗ trợ cho quá trình xây dựng quân đội quy mô lớn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, các nhân tài được chiêu mộ sẽ được sử dụng cho các chương trình chiến lược và thu hẹp khoảng cách về công nghệ của Trung Quốc. Báo cáo của Mỹ cho biết chương trình này “ưu tiên tuyển những người có gốc gác Trung Quốc hoặc những người mới nhập cư từ Trung Quốc”, và “chính quyền Trung Quốc xem việc tuyển dụng này là sự cần thiết cho quá trình hiện đại hóa khoa học công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt liên quan tới công nghệ quốc phòng”.
New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức đương nhiệm và về hưu của Mỹ cho biết Trung Quốc đã thủ tiêu ít nhất 12 người là đầu mối thông tin địa phương, cung cấp tin tức cho CIA trong khoảng thời gian từ năm 2010-2012. Bằng cách này, Bắc Kinh đã đánh sập mạng lưới thông tin gián điệp giữa các nguồn tin ở Trung Quốc với cơ quan tình báo Mỹ, vốn mất rất nhiều năm để xây dựng.
Nói về vụ bắt giữ Zhongsan Liu, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John C Demers, người đứng đầu Phòng An ninh Quốc gia, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đối phó với nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm phá hoại luật pháp của Mỹ để thúc đẩy các lợi ích của họ trong việc chuyển các bí quyết và nghiên cứu của Mỹ sang Trung Quốc”.
Cùng ngày Liu bị bắt giữ, cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Ron R Hansen bị kết án 10 năm tù vì hành vi làm gián điệp cho Trung Quốc.
Hansen là một trong 3 cựu quan chức tình báo Mỹ bị bắt vì làm gián điệp cho cơ quan tình báo của Bộ An ninh Nhà nước (MSS) Trung Quốc trong suốt 3 năm. Đây là vụ án gián điệp lớn đầu tiên trong hơn 10 năm tại Mỹ.
Ngoài Hansen, hai cựu sĩ quan của Cục Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ cũng bị bắt gồm Kevin Mallory, người bị kết án 20 năm tù vì tuồn bí mật cho Trung Quốc, và Jerry Chung Shin Lee, người được MSS trả hàng nghìn USD để tiết lộ danh tính của những người cung cấp thông tin cho CIA.
Nghi phạm Zhao Qianli (ảnh nhỏ) và ảnh chụp khu vực thuộc căn cứ quân sự ở Key West, Florida (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Hồi tháng 2, tòa án Mỹ đã tuyên phạt Zhao Qianli, 20 tuổi, khung hình phạt tối đa sau khi sinh viên Trung Quốc nhận tội chụp ảnh trái phép cơ sở thuộc Bộ tư lệnh Phương Nam Mỹ nằm trong căn cứ không quân - hải quân Key West, bang Florida. Zhao Qianli tới Mỹ để học ngành âm nhạc trong chương trình trao đổi mùa hè của Đại học phương Bắc, Trung Quốc, tuy nhiên FBI sau đó phát hiện ra rằng Zhao thuộc Bộ Công an Trung Quốc.
Việc thu thập thông tin tình báo không chỉ có sự tham gia của các sĩ quan tình báo chuyên nghiệp của Trung Quốc, mà còn có các gián điệp không chuyên như khách du lịch Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nỗ lực giảm thiểu nguy cơ bị Mỹ truy quét mạng lưới tình báo bằng cách sử dụng các biện pháp ít đe dọa hơn và tránh gây ra sự chấn động, đặc biệt bằng cách sử dụng các điệp viên không chuyên.
Theo cựu sĩ quan phản gián CIA Mark Kelton, “các hoạt động tình báo của Bắc Kinh hiện nay có tầm phủ sóng trên toàn cầu để đáp ứng được tham vọng toàn cầu của Trung Quốc”.
Một trong những lý do khiến Mỹ trước đây ít để ý tới tình báo Trung Quốc là bởi, các cơ quan phản gián của Washington chủ yếu tập trung vào các hoạt động tình báo của Nga. Trong khi đó, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ ít nguy hiểm hơn Nga.
Chiến dịch “triệt hạ” mạng lưới tình báo Trung Quốc của Mỹ chưa có dấu hiệu dừng lại và dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai khi Tổng thống Donald Trump có những chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Nhà Trắng năm ngoái đã công bố một báo cáo về “sự gây hấn kinh tế của Trung Quốc”, trong đó thống kê rằng hành vi đánh cắp công nghệ của Trung Quốc đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 600 tỷ USD/năm.
Tổng thống Trump dường như đang đi theo chiến lược từng được Mỹ sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi Washington ngăn chặn công nghệ của Mỹ và phương Tây rơi vào tay Liên Xô. Chính sách này đã góp phần dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.
Tổng thống Trump có thể đang thử nghiệm Trung Quốc để xem liệu kỳ tích kinh tế của nước này trong hơn 30 năm qua có thể tiếp tục hay không nếu Bắc Kinh không thể tiếp tục đánh cắp bí quyết của Washington.
Thành Đạt
Theo Asia Times