1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chia tay Anh, EU tìm kiếm khởi đầu mới sau 60 năm lập khối

Ngày 25/3, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng thống nhất khẳng định thiện chí sẵn sàng cho một khởi đầu mới vào thời điểm 60 năm sau khi ký hiệp ước sáng lập liên minh, bất chấp Anh đã quyết định chia tay.

Chia tay Anh, EU tìm kiếm khởi đầu mới sau 60 năm lập khối - 1

Các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu nhóm họp tại Rome ngày 25/3 (Ảnh: AFP)

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 60 năm ký Hiệp ước Rome đã diễn ra với sự tham dự của 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU. Thủ tướng Anh Theresa May – người vừa thông báo sẽ kích hoạt Điều 50, Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/3 – đã vắng mặt.

Phát biểu trước 27 nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ nhóm họp ở Capitol, trong cùng phòng Horace và Curiace – nơi từng ký kết hiệp ước sáng lập EU ngày 25/3/1957, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Donald Tusk kêu gọi: “Hôm nay, hãy chứng minh rằng các bạn là những nhà lãnh đạo của châu Âu”.

Theo khẳng định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, các nhà lãnh đạo đã ký ủng hộ cho một cam kết mới: “Tuyên bố Rome”, vạch ra đường hướng của EU trong 10 năm hướng tới một liên minh hòa bình, thịnh vượng, bền vững, có sức cạnh tranh, có trách nhiệm xã hội, có khả năng giữ vai trò hàng đầu trên thế giới. Các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU tái khẳng định quyết tâm đoàn kết để đối đầu với những thách thức chưa từng có hiện nay, đồng thời khẳng định liên minh là một và không chia rẽ.

Phát biểu trước lễ ký Tuyên bố, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni nêu rõ: “Chúng tôi đã dừng lại và điều này đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng bị bác bỏ trong tâm trí của công chúng, điều này cũng khiến cho chủ nghĩa dân tộc nảy nở”. Tuy nhiên, ông bảo đảm rằng: “Chúng tôi đã rút ra bài học, Liên minh đã chọn bắt đầu lại”.

Trong Tuyên bố, 27 quốc gia thành viên tái khẳng định rằng “Liên minh là một và không chia rẽ”, trả lời rõ ràng cho Brexit. Về vấn đề này, Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo: “Chúng tôi sẽ bảo đảm" rằng Brexit không làm “tổn hại tới châu Âu".

"Hôm nay tại Rome, chúng ta đổi mới liên minh duy nhất của các quốc gia tự do từng được đưa ra cách đây 60 năm bởi những người tiền nhiệm của chúng ta" – Chủ tịch Nghị viện châu Âu Donald Tusk nêu rõ.

27 quốc gia cam kết "cùng nhau hành động, nếu cần thiết ở các mức độ khác nhau và với cường độ khác nhau, đồng thời tiến cùng một hướng, như chúng ta đã làm trong quá khứ, theo các hiệp ước và để cửa mở cho những ai muốn gia nhập cùng chúng ta sau này".

Bên cạnh quyết tâm cùng thiện chí đầy lạc quan, không thể phủ nhận rằng vào thời điểm kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập, châu Âu đang đứng trước một cơn bão khi phải đối mặt với sự bất hòa, nghi ngờ và mất lòng tin của người dân. Brexit, cũng như làn sóng người di cư, sự trì trệ của nền kinh tế, các vụ tấn công thánh chiến và bất đồng chính trị đang được xem là những thách thức lớn nhất trong 60 năm tồn tại, khiến Liên minh 27 nước phải trải qua một thời kỳ đầy khó khăn.

Những thách thức này đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ chưa từng có và cần được chuyển thành những hành động cụ thể, có hiệu quả để EU tiếp tục tồn tại và bảo tồn các giá trị nền tảng cốt lõi của mình, hướng tới “sẽ có sinh nhật lần thứ 100 của EU” như lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa tuyên bố khẳng định./.

Theo Khánh Linh/AFP, AP, Reuters, Euronews, Le Monde

Đảng Cộng sản Việt Nam