1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chi tiết đặc biệt về phái đoàn Mỹ dự hội đàm cấp cao với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Người được sắp xếp vào phái đoàn Mỹ dự hội đàm với Nga là Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Trung Đông, mà không phải Đặc phái viên về Nga và Ukraine.

Chi tiết đặc biệt về phái đoàn Mỹ dự hội đàm cấp cao với Nga - 1

Phái đoàn Mỹ dự hội đàm cấp cao với Nga (từ trái sang) Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Trung Đông Steve Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz (Ảnh: AFP).

Phái đoàn Nga và Mỹ ngày 18/2 đã tiến hành hội đàm cấp cao đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump.

Phái đoàn Nga gồm có Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov. Phía Mỹ có Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Trung Đông Steve Witkoff.

Nhiều người đặt câu hỏi về sự vắng mặt của tướng Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về vấn đề Nga và Ukraine, mặc dù trước đó ông Kellogg xuất hiện khá nhiều và nêu quan điểm của chính quyền về cuộc xung đột ở Ukraine.

Một số chuyên gia cho rằng, việc sắp xếp này có thể là do ông có quan điểm thân Ukraine hơn. Ông ủng hộ hòa bình thông qua sức mạnh và đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Ông là đồng tác giả của một kế hoạch hòa bình nhằm đóng băng chiến tuyến ở Ukraine, loại bỏ khả năng gia nhập NATO trong một thời gian dài và dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga. Ông công khai tuyên bố rằng Ukraine nên đàm phán từ vị thế sức mạnh.

Theo đề xuất của ông, Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine và cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev để ngăn kịch bản Nga tấn công trở lại. Kế hoạch này không yêu cầu giảm quy mô quân đội Ukraine hay công nhận các vùng lãnh thổ Ukraine bị kiểm soát là của Nga.

Hôm 15/2, ông Kellogg thừa nhận ông sẽ tập trung vào các cuộc đàm phán với Ukraine và châu Âu, còn ông Witkoff sẽ tập trung vào các cuộc đàm phán với Nga. Ông Kellogg dự kiến thăm Ukraine vào hôm nay 19/2.

Ngược lại với ông Kellogg, ông Witkoff có quan điểm về Ukraine và Nga không rõ ràng. Có những lo ngại rằng ông có thể sẵn sàng đồng ý hơn với các điều kiện của Moscow.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, ông Witkoff đã làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn ngày 15/1 giữa Israel và Hamas, nên ông Trump có thể hy vọng rằng ông sẽ đạt được điều gì đó tương tự ở Ukraine.

John Herbst, một chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói với Kyiv Independent: "Những gì ông ấy đưa ra bàn thảo về cuộc chiến ở Ukraine không rõ ràng".

Nhân vật mới giúp Mỹ đàm phán với Nga

Vào ngày 11/2, ông Witkoff đã thương lượng để trả tự do cho Marc Fogel, một giáo viên Mỹ bị bắt ở Nga vì tội mang chất cấm vào năm 2021. Công dân Fogel được hồi hương trên máy bay của ông Witkoff.

Khi được hỏi ông đã làm việc với ai ở Nga để đảm bảo trả tự do cho Fogel, ông Witkoff nói đã thương lượng với một người tên là Kirill, hay Kirill Dmitriyev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của nhà nước Nga.

Sau khi ông Fogel được trả tự do, Tổng thống Trump tuyên bố hôm 12/2 rằng ông đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và đồng ý bắt đầu "ngay lập tức" các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.

Ông cho biết, ông đã giao nhiệm vụ cho ông Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và John Ratcliffe, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương, dẫn đầu các cuộc đàm phán. Đáng chú ý là tên của ông Kellogg không có trong danh sách.

Ngày 18/2, các ông Witkoff, Waltz và Rubio đã hội đàm với phái đoàn Nga ở Ả rập Xê út.

Cuộc hội đàm được mô tả là tích cực và tốt đẹp. Mỹ và Nga đã đồng ý bắt đầu quá trình giải quyết vấn đề Ukraine, bổ nhiệm đại sứ, dỡ bỏ "những trở ngại đối với các cơ quan ngoại giao" và tạo điều kiện để bắt đầu hợp tác Mỹ - Nga.

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine