1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Phi tăng cường hợp tác huấn luyện quân sự với Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Trung Quốc đang xây dựng những chiến lược hợp tác mới với các quốc gia châu Phi, trong đó có chương trình huấn luyện quân sự hấp dẫn cho các nước ở lục địa đen.

Châu Phi tăng cường hợp tác huấn luyện quân sự với Trung Quốc - 1

Binh sĩ Trung Quốc trong một buổi huấn luyện (Ảnh: THX).

Khi Tổng thống Eritrea Isaias Afewerki có chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh hồi tháng 5, ông đã nhớ lại thời gian huấn luyện quân sự ở đó vào năm 1967.

Đó là một trải nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ông Isaias lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập kéo dài 30 năm của Eritrea ra khỏi Ethiopia và giành thắng lợi vào năm 1993.

Tổng thống Isaias, nhà lãnh đạo mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "người bạn cũ của Trung Quốc", đã nói trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng: "Người dân Eritrea sẽ không bao giờ quên sự hỗ trợ quý giá về tinh thần và vật chất của Bắc Kinh".

Tổng thống Eritrea là một trong số hàng chục nhà lãnh đạo đương nhiệm và trước đây của châu Phi từng theo học tại các trường quân sự Trung Quốc như Trường Chỉ huy Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ở Nam Kinh - nơi có số lượng sinh viên châu Phi đông nhất.

Một lãnh đạo khác cũng từng được đào tạo ở Nam Kinh là Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, người lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Robert Mugabe vào tháng 11/2017. 

Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), trong các cựu du học sinh châu Phi tại Trường Chỉ huy PLA ở Nam Kinh còn có 10 chỉ huy quốc phòng, 8 bộ trưởng quốc phòng, cựu Tổng thống Congo Laurent Kabila, cựu Tổng thống Guinea-Bissau Joao Bernardo Vieira, cựu Tổng thống Namibia Sam Nujoma và cựu Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete.

Nhiều binh sĩ quân đội Mozambique cũng được đào tạo ở đó, bao gồm chỉ huy quân đội phục vụ lâu nhất, tướng Lagos Lidimo, cũng như các chỉ huy người Uganda như thiếu tướng Fred Mugisha, người đã nắm quyền chỉ huy Phái bộ của Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM) từ năm 2009- 2011 trước khi trở thành tổng tham mưu trưởng của quân đội Mozambique. 

Trường Nam Kinh là một trong những địa điểm huấn luyện quân sự hàng đầu của Trung Quốc, chuyên mở các chương trình đào tạo với số lượng sinh viên châu Phi tham gia ngày càng tăng. Điều này đã khiến Trung Quốc trở thành điểm đến chính của giáo dục quân sự chuyên nghiệp châu Phi.

Một trường quân sự khác, Cao đẳng Quốc tế nghiên cứu quốc phòng (ICDS) đôi khi có gần một nửa sinh viên đến từ châu Phi, trong khi Đại học Quốc phòng PLA (PLA NDU) hàng năm tiếp nhận hàng trăm sĩ quan châu Phi.

Các cựu sinh viên châu Phi của PLA NDU cũng là những cái tên nổi bật trong đó gồm có cựu Tổng thống Congo Joseph Kabila và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Uganda David Muhoozi. Từ năm 2015, Ethiopia đã cử các sĩ quan cấp cao sắp trở thành tướng lĩnh tham gia các khóa học sau đại học tại PLA NDU.

Theo một nghiên cứu, trước thời kỳ đại dịch Covid-19, Trung Quốc thu hút hàng nghìn sĩ quan châu Phi đến các trường quân sự khi tham gia vào một chiến dịch tiếp thị phối hợp nhằm tăng tuyển sinh du học sinh châu Phi vào các trường học của mình.

Khoảng 6% hay 6.000 trong số khoảng 100.000 cơ hội đào tạo Trung Quốc dành cho châu Phi 3 năm một lần thông qua Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) là dành cho giáo dục quân sự.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động làm giảm mạnh con số này. Vì vậy, trong chuyến thăm 5 quốc gia châu Phi vào tháng 1, Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó Tần Cương cho biết Bắc Kinh sẽ "đẩy nhanh việc thúc đẩy các hoạt động trao đổi giữa Trung Quốc và châu Phi, bao gồm cả giáo dục quân sự" xem đó là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Theo chuyên gia David Shinn tại trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington (Mỹ), chính sách đào tạo ở Trung Quốc gần như ngừng hoạt động trong đại dịch Covid-19, nhưng khi mọi thứ trở lại bình thường, các chính phủ châu Phi đang tận dụng tối đa lợi thế.

"Trung Quốc ngày càng được coi là một điểm đến hấp dẫn, thay thế cho việc đào tạo của phương Tây", ông Shinn nhận định.

Ông cũng cho biết, khi thiết bị quân sự của Trung Quốc trở nên phổ biến hơn trong quân đội châu Phi, thì có lý do để các nước lục địa đen ưu tiên huấn luyện với Bắc KInh. "Việc đào tạo mở ra cơ hội để trình diễn thiết bị quân sự của Trung Quốc và hình thành khả năng bán những thiết bị này cho các chính phủ ở châu Phi", ông nói thêm.

Ông Paul Nantulya, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược châu Phi trụ sở ở Mỹ, cũng cho biết, quân đội châu Phi đánh giá cao việc Trung Quốc cung cấp nhiều học bổng hơn các nước phương Tây.

Ngoài ra, lợi thế nữa là các sĩ quan châu Phi không phải trải qua quá trình kiểm tra trước khi đăng ký vào trường quân sự Trung Quốc như ở các trường của phương Tây.

Vẫn thua các nước phương Tây

Theo giáo sư Ngboawaji Daniel Nte tại Đại học Novena của Nigeria, Trung Quốc xác định hợp tác quân sự và huấn luyện quân sự là những lĩnh vực chính trong quá trình mở rộng sang châu Phi.

Tuy nhiên, chuyên gia Nantulya nhấn mạnh, dù gì Trung Quốc vẫn chưa thể sánh ngang với các nước phương Tây về hiện diện quân sự ở châu Phi.

Hiện Mỹ, Anh, Pháp mỗi nước có ít nhất 50 tùy viên quân sự tại châu Phi còn Trung Quốc có 21. Các nước phương Tây có hơn 50 căn cứ quân sự và cơ sở khác ở châu Phi, trong đó Mỹ là 27. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 1 cơ sở.

Giáo dục quân sự chuyên nghiệp ở châu Phi cũng lâm vào cảnh tương tự. Pháp, Mỹ và Anh có ít nhất 40 chương trình quanh năm với các trường cao đẳng và học viện quốc phòng ở châu Phi, trong khi Trung Quốc chỉ duy trì giảng viên và các phái đoàn huấn luyện ở Zimbabwe và Tanzania.

Theo SCMP