1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu nóng rực với làn sóng biểu tình lớn nhất từ 9 năm qua

(Dân trí) – Theo kêu gọi của Liên minh các nghiệp đoàn châu Âu (CES), hàng chục nghìn người từ 30 nước hôm qua đã tham gia cuộc tuần hành lớn trên các đường phố Brussels (Bỉ), thủ đô của Liên minh châu Âu (EU), trong khi biểu tình lan rộng đến nhiều nước trong khối này.

 

Châu Âu nóng rực với làn sóng biểu tình lớn nhất từ 9 năm qua - 1
 
Biểu tình diễn ra ở nhiều nước, kể cả tại thủ phủ châu Âu ở Brussels (Bỉ)
 
Theo số liệu của ban tổ chức cuộc tuần hành, có 100.000 người đến từ 30 nước tham gia cuộc biểu tình để gửi thông điệp đến tất cả các chính phủ đang chuẩn bị cắt giảm ngân sách theo sau giai đoạn kinh tế suy thoái. Cảnh sát tại Brussels đã phải lập vòng vây an ninh quanh hàng chục nghìn người biểu tình đổ vào thành phố để đi tuần hành tới trụ sở EU.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Brussels kể từ tháng 12/2001, khi CES huy động được 80.000 người tham gia, với mục tiêu đòi hỏi xác lập một châu Âu “mang tính xã hội hơn”.

Tại Tây Ban Nha, các công đoàn đại diện cho hơn 2 triệu công nhân bắt đầu một cuộc tổng đình công gây hỗn loạn giao thông và khiến việc đi lại bằng đường hàng không gần như tê liệt. Truyền hình chiếu cảnh mọi người phải đi bộ đến sở làm, với hàng trăm người khác chặn trục lộ nổi tiếng Gran Via của Madrid. N

Nhiều cuộc biểu tình khác được tổ chức tại các thành phố của Ba Lan, Hà Lan, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Italia.

Với cuộc tuần hành quy mô lần này, các nghiệp đoàn châu Âu muốn gửi một tín hiệu, không chỉ đến chính phủ các nước trong EU, mà đặc biệt đến Ủy ban châu Âu (EC). Ủy ban này hôm qua đã loan báo các biện pháp xử phạt đối với các quốc gia trong khu vực đồng euro nào chậm trễ trong việc giảm các khoản nợ, hoặc chi phí quá mức cho phép.

Cuộc biểu tình đồng thời cũng nhắm vào hội nghị các bộ trưởng Tài chính của EU sẽ họp tại Brussels vào ngày mai. Hai năm sau cuộc khủng hoảng, người dân châu Âu tập hợp lại để phản đối chính sách thắt lưng; phản đối sự thụt lùi, xóa bỏ các quyền của người lao động.

Châu Âu nóng rực với làn sóng biểu tình lớn nhất từ 9 năm qua - 2

Không khí nóng bỏng tại Tây Ban Nha...

Châu Âu nóng rực với làn sóng biểu tình lớn nhất từ 9 năm qua - 3

... khiến giao thông đường bộ, đường không và hàng loạt hoạt động kinh doanh bị tê liệt


Không khí bi quan

Hôm qua được coi là "Ngày Hành Động" với các nghiệp đoàn EU còn với các chính phủ thì đây lại là ngày “Ngày cần kiệm, khắc khổ”. Các dự án cắt giảm chi tiêu khu vực công và cải tổ hệ thống ngân hàng đang được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra trong lúc tâm lý người dân vẫn còn khá bi quan.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra cuối 2008, có hàng triệu người làm công ở EU đã mất việc.

Tổng Thư ký Hiệp hội Nghiệp đoàn châu Âu, ông John Monks xác nhận cuộc biểu tình trên khắp châu Âu lần này là để phản đối, buộc các chính phủ không cắt giảm mạnh tay mà có chính sách giãn nợ công từng bước.

Ông cho biết các nghiệp đoàn khắp châu Âu có cùng thông điệp gửi tất cả các chính phủ đang chuẩn bị cắt giảm ngân sách theo sau việc kinh tế suy sụp trên diện rộng vì đây là một mối nguy hiểm cho việc phục hồi kinh tế.

Giới làm công ăn lương tại châu Âu bực bội vì họ phải trả giá cho những sai lầm của các ngân hàng và nhân viên khu vực tài chính. Tình hình chung hiện vẫn còn khó khăn, dù trong quý II vừa qua, một số nền kinh tế như Anh có dấu hiệu phục hồi nhưng điều này chưa trở thành một xu hướng tăng trưởng ổn định và việc vực dậy thị trường lao động vẫn còn yếu.

Ở một số quốc gia khác, hiện còn chưa có dấu hiệu phục hồi. Những người phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu công khắc nghiệt nói làm quá tay sẽ chỉ đẩy nền kinh tế vào suy thoái nặng nề hơn.

Ví dụ như Pháp. Nội các Pháp hôm qua đã xem xét ngân sách quốc gia 2011 dựa trên một mức thâm hụt kỷ lục lên đến khoảng 7,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm nay. Với mục tiêu đề ra là làm sao trở lại mức thâm hụt 6% trong năm 2011 và giới hạn xuống mức 3% được cho phép bởi các điều ước quốc tế châu Âu, vào năm 2013, chính phủ Pháp buộc phải thực hiện một loạt biện pháp tiết kiệm chi tiêu công.

Các cuộc biểu tình diễn ra cùng ngày các giới chức an ninh của châu Âu cho hay vừa phá vỡ một âm mưu kiểu như bắn giết hàng loạt ở Mumbai nhằm vào Đức, Pháp và Anh, trong lúc các nhóm khủng bố ở Pakistan đang ráo riết tìm người hoạt động cho chúng.

Việt Hà
Tổng hợp