1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu bộc lộ điểm yếu

Vấn đề về người di cư đang khiến cả châu Âu căng thẳng. Số lượng người di cư quá lớn buộc một số nước phải đóng cửa biên giới, cho dù trước đó họ đã “mở cửa”.

Càng chống nhập cư, tình hình càng trở lên tồi tệ. Nhiều người cho rằng châu Âu đang nhận quả đắng từ “luật nhân-quả”...

Hơi cay ngăn dòng người di cư

Để ngăn dòng người di cư muốn phá hàng rào dây thép gai, cố vượt qua biên giới từ Serbia, cảnh sát Hungary đã phun hơi cay và vòi rồng. Một cuộc đụng độ đã xảy ra tại cửa khẩu ở thị trấn Horgos của Serbia, giáp biên giới với Hungary.

Người di cư ném đá, chai nước vào cảnh sát chống bạo động Hungary. Cảnh sát Hungary đã phun hơi cay và vòi rồng để đẩy lui nhóm người quá khích ra xa đường biên giới. Đã có 20 cảnh sát Hungary bị thương. Một số người di cư cũng bị thương và dính hơi cay.

Châu Âu bộc lộ điểm yếu - 1

Người di cư đang cố vượt qua hàng rào dây thép gai tại khu vực biên giới Hungary và Serbia. (Ảnh: ctvnews.ca)

Hành động vũ lực của cả người di cư và cảnh sát đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề người di cư. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết: “Hành động dùng vũ lực của nhóm người di cư quá khích chống lại cảnh sát Hungary là không thể chấp nhận được. Nhiệm vụ của cảnh sát là ngăn chặn những người như vậy vào Hungary”. Trong khi đó, lãnh đạo một số nước châu Âu bày tỏ thất vọng về cách hành xử của các bên liên quan.

Thay đổi

Thủ tướng Đức Angela Merkel được cả thế giới tung hô khi bà tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi nhanh chóng trong vòng một tuần qua. Ngày 13-9, Đức bất ngờ ra lệnh siết chặt biên giới và tăng cường thêm nhiều chốt tuần tra, kiểm soát. Nước Đức lo ngại người di cư có thể trở thành gánh nặng cho chính quyền và người dân bản địa.

Cuộc khủng hoảng di cư ngày càng hỗn loạn và tồi tệ, đặc biệt ở khu vực biên giới các nước châu Âu sau khi Đức siết chặt kiểm soát. Suốt mấy ngày liền, Berlin còn phớt lờ các cuộc gọi của một số nước Đông Âu liên quan đến vấn đề tiếp nhận người di cư.

Một quan chức cấp cao của Cộng hòa Czech thừa nhận: "Không hề có bất cứ liên hệ nào. Họ cắt đứt liên lạc với chúng tôi, thậm chí không báo trước việc đóng cửa biên giới". Một bầu không khí hoài nghi và bức xúc bao trùm lên mối quan hệ giữa Đức và các nước láng giềng nhỏ hơn ở phía Đông.

Những thay đổi này cho thấy, gánh nặng người di cư đã quá tải với châu Âu. Theo nhận định của tờ Thời báo Tài chính (Anh), cuộc khủng hoảng di cư hiện nay có thể đẩy nước Đức đến chỗ mâu thuẫn gay gắt với các quốc gia láng giềng ở phía Đông. Như vậy, hố sâu khoảng cách giữa Đông Âu và Tây Âu ngày càng được nới rộng với nhiều vấn đề gây bất đồng, chia rẽ mà khó có thể hàn gắn trong "một sớm, một chiều".

Chia rẽ

Vấn đề người di cư ngày càng căng thẳng khiến các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 23-9 để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Một nhà ngoại giao EU nói: "Đó không đơn thuần là vấn đề giữa Đông và Tây, mà là giữa nước nhỏ và nước lớn. Nó đang gửi đi một thông điệp rất tiêu cực".

Lằn ranh giữa các nước thành viên cũ và mới của EU hiện ra ngày càng rõ hơn. Cuộc khủng hoảng di cư một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoảng cách giữa Đông và Tây trong nỗ lực nhất thể hóa toàn châu Âu. Không chỉ đối mặt với sức ép của làn sóng người di cư, các nhà lãnh đạo EU còn đứng trước nguy cơ khủng hoảng về giá trị châu Âu mà họ từng dày công gây dựng.

Việc một số nhà ngoại giao bức xúc với đề xuất phân bổ hạn ngạch về người di cư và kế hoạch tái định cư người di cư mà “tác giả” được cho là của nước Đức, đã cho thấy tình trạng chia rẽ của châu Âu. Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico thề sẽ chống lại kế hoạch này đến cùng. Ông nói: "Không ai có quyền ra lệnh cho chúng tôi phải làm gì". Thực tế này cũng cho thấy cuộc khủng hoảng di cư đang châm ngòi cho những nguy cơ khác nảy sinh.

Cuộc khủng hoảng mang tính chất chính trị nhiều hơn kinh tế

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của hội nhập châu Âu-đó là chính sách Schengen với việc người dân được đi lại tự do xuyên biên giới không cần hộ chiếu, lại đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng đe dọa giá trị cốt lõi của châu Âu.

Mặc dù các chính trị gia lo ngại về phí tổn của việc tiếp nhận người tị nạn, nhưng cuộc khủng hoảng này mang tính chất chính trị nhiều hơn kinh tế. Chi phí của việc cung cấp nhà ở và lương thực cho một hoặc hai triệu người di cư có thể lên đến hàng tỷ USD nhưng các nước thành viên của EU - vốn cấu thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới, có thể dễ dàng chi trả cho việc này. Một khi người tị nạn được cho phép tìm việc làm và kiếm thu nhập, gánh nặng của họ với xã hội sẽ giảm đi nhanh chóng.

Mặc dù người dân trong nước thường lo ngại rằng những người lao động nước ngoài sẽ tước đi việc làm hoặc làm giảm tiền lương của họ, song nhiều bằng chứng kinh tế cho thấy điều ngược lại. Trong dài hạn, châu Âu có thể hưởng lợi rất lớn từ dòng nhân công mới đổ về đây. Nhiều nước lớn, như Đức, đang có tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa.

Nhiều nước khác, trong đó có Ba Lan, Italy và Tây Ban Nha, cũng có tỷ lệ sinh thấp và có thể dựa vào người di cư để bổ sung cho lực lượng nhân công trong độ tuổi lao động. Các lợi ích lâu dài từ dòng người di cư cho thấy rằng, cuộc khủng hoảng người di cư không phải chủ yếu ở mặt kinh tế.

Thách thức chính trị, trước hết, đó là vấn đề về phối hợp chính sách. EU hiện đang đối mặt với cuộc tranh luận khi nhiều nước đi ngược chính sách Schengen. Cuộc khủng hoảng người di cư đã bộc lộ điểm yếu trong chính sách đối ngoại. Rõ ràng châu Âu đã không thể đưa ra một cách đối phó nhất quán trước chuỗi khủng hoảng bao quanh.

Châu Âu đã can thiệp quân sự vào Libya năm 2011, nhưng sau đó lại không thể giúp người dân ở đây thiết lập một chính quyền trung ương có hiệu quả. EU chỉ đứng quan sát một cách bất lực trước sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Tóm lại, châu Âu đã không có một chiến thuật nào có thể giải quyết tận gốc dòng người di cư đang đổ vào châu Âu.

Dự báo, trong vòng nửa thế kỷ tới, sẽ có thêm nhiều người di cư tới các biên giới châu Âu. Các nhà lãnh đạo ở “lục địa già” nếu không có cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng hôm nay thì sẽ không thể ngăn chặn các cuộc khủng hoảng ngày mai.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội Nhân dân

Châu Âu bộc lộ điểm yếu - 2