1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Châu Á-Thái Bình Dương: "Chắp cánh" ngoại giao từ bóng dáng chiến tranh

(Dân trí) - Hải quân Úc vừa biên chế tàu chiến lớn nhất và mới nhất, gia nhập câu lạc bộ tàu sân bay cùng Trung Quốc và Nhật Bản. Đó là lời nhắc nhở rằng châu Á sẽ chứng kiến các lực lượng không quân và hải quân ngày càng lớn mạnh tại vùng trời và vùng biển khu vực.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Mặc dù sự phát triển đó gây ra khả năng xung đột quốc tế, nhưng nó cũng có thể là một cơ chế cân bằng để duy trì sự ổn định. Giờ là lúc các chính sách của khu vực phải bắt kịp với sự phát triển quân sự.

Mọi sự chú ý đã đổ dồn về phía tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, Liêu Ninh, dù tàu này còn nhiều năm nữa mới có thể đi vào hoạt động đầy đủ. Các cú hạ cánh đầu tiên đã được thực hiện trên hàng không mẫu hạm dài 300 m gần đây. Nhưng nó cũng vấp phải nhiều lần chậm trễ về nâng cấp và các tai nạn trong các chuyến chạy thử trên biển.

Nhưng dù sao, Liêu Ninh cũng trở thành một trong những biểu tượng dễ nhận thấy nhất cho sức mạnh của Trung Quốc. Nó cũng đại diện cho khả năng triển khai sức mạnh thật sự tại các vùng biển tranh chấp. Một ngày nào đó, nó sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng như eo biển Malacca hay các quần đảo tranh chấp, với khả năng đối đầu mà không một nền quân đội nào khác trong khu vực sánh kịp. Chỉ có Mỹ mới có khả năng hoạt động tầm xa hơn với sức mạnh lớn hơn.

Nhật Bản đã bắt đầu tăng cường quân sự khi đưa vào sử dụng chiến hạm Izumo hồi năm ngoái. Là tàu sân bay trực thăng nhưng Izumo có thể nhanh chóng được chuyển đổi để tiến hành các cú cất cánh thẳng đứng và hạ cánh của máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Điều này có nghĩa là lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng có khả năng triển khai sức mạnh để bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Các máy bay chiến đấu F-35 của quân đội Mỹ cũng có thể sử dụng các chiến hạm Izumo trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Chiến hạm mới của Úc, HMAS Canberra, về mặt chính thức cũng là một tàu sân bay trực thăng và giới chức Úc cho hay nó sẽ được sử dụng cho các trường hợp nhân đạo khẩn cấp cùng với các tình huống chiến đấu tiềm tàng. Tuy nhiên, do Úc cũng tham gia phát triển F-35 nên có khả năng tàu sân bay mới có thể được nâng cấp để chở các chiến đấu cơ tàng hình. Do mối quan hệ quốc phòng thân thiết giữa Úc và Nhật, và với cả Mỹ, các chiến dịch trên biển và trên không phối hợp hơn, sử dụng các tàu và máy bay tiên tiến nhất thế giới, là điều có khả năng xảy ra.

Sự hiện đại hóa nhanh chóng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc là lý do đằng sau tất cả những động thái trên. Bắc Kinh đã lên kế hoạch đóng ít nhất 3 - và có thể còn hơn - hàng không mẫu hạm được thiết kế để chở các máy bay chiến đấu mới dựa trên chiếc Su-33 của Nga. Chúng có thể chở một phiên bản của máy bay tàng hình J-31 hiện đang được phát triển.

Dựa vào các bình luận gần đây của giới quan sát quốc phòng Mỹ, các máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp của Trung Quốc có thể có khả năng tương đương với các chiến đấu cơ F-15 và F-18 của Mỹ. Một khi Trung Quốc đưa các chiến đấu cơ này ra biển, các tàu và phi công Mỹ sẽ có nhiều thách thức an ninh hơn so với trước đây.

Quân đội Trung Quốc còn phải mất nhiều năm mới bắt kịp quân đội Mỹ, nhưng các đồng minh của Washington trong khu vực sẽ phải đối phó với sự vượt trội của Bắc Kinh sớm hơn nhiều. Do đó, Nhật đã có các động thái nhằm tăng cường các khả năng và quyết định mua máy bay do thám Global Hawk, trực thăng V-22 Osprey, các máy bay radar cảnh báo sớm tiên tiến. Tương tự, gần đây Úc đã nhất trí đồng phát triển công nghệ tàu ngầm với Nhật Bản. Việt Nam đang mua các tàu ngầm mới từ Nga, trong khi Indonesia đang hợp tác với Hàn Quốc để chế tạo tàu ngầm của riêng mình. Tokyo cũng sẽ cung cấp các tàu tuần tra cho Philippines và Việt Nam.

Tất cả những điều đó có thể sẽ khiến Trung Quốc phải dè chừng khi nước này muốn thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông. Bắc Kinh giờ đây có thể cảm thấy không bị đe dọa nhiều từ các nền quân đội trong khu vực, nhưng điều đó sẽ thay đổi khi các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn được phát triển khắp châu Á. Do các căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông, sự phát triển của các nền quân đội trong khu vực có thể dẫn tới nhiều cuộc đối đầu trực tiếp, ẩn chứa một thảm họa tiềm tàng.

Tuy nhiên, một quan điểm lạc quan hơn là sự tăng cường các khả năng phòng thủ sẽ cho phép các quốc gia châu Á cảm thấy tự tin hơn trong việc làm thay đổi các tham vọng của Trung Quốc. Tương tự như vậy, cũng có hi vọng rằng Bắc Kinh sẽ tính tới điều đó và phải thay đổi đường hướng.

Điều đó có thể cho phép ngoại giao và chính trị một cơ hội để đóng vai trò thích hợp. Các cuộc đàm phán về các lãnh thổ tranh chấp là một lựa chọn hợp lý nếu lựa chọn còn lại là nguy cơ đối đầu. Thay vì làm mất ổn định thêm một khu vực vốn không yên ả, sự tăng cường quân sự có thể giúp hối thúc các nước phải giải quyết các tranh chấp vốn đang âm ỉ.

Ngoại giao tại châu Á giờ đây không đủ mạnh. Nhưng khi các tình thế trên biển và trên không thay đổi, tính hợp lý có thể lại được tạo đà. Từ bộ quy tắc ứng xử tới các cuộc thảo luận có ý nghĩa về các tranh chấp lãnh thổ, các biện pháp hòa bình có thể nở rộ nhờ bóng dáng của chiến tranh.

An Bình
Theo WSJ